Phương thức mới về tiết kiệm điện

Năm 2015, Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện thí điểm được thực hiện tại TP.HCM với mục đích thử nghiệm cơ chế khuyến khích và quy trình phối hợp giữa Điện lực thành phố và khách hàng sử dụng điện nhằm rút ra kinh nghiệm, xác định khó khăn vướng mắc cần giải quyết trong quá trình nghiên cứu. Từ đó có thể xây dựng cơ chế khuyến khích và thiết lập các chương trình điều chỉnh phụ tải điện trên quy mô lớn.

{keywords}
Một nhà máy ở Khu công nghệ cao TP.HCM

Đối tượng của Chương trình thí điểm là những khách hàng công nghiệp và thương mại của EVNHCMC có quy mô tiêu thụ điện từ 1.000 MWh điện/năm trở lên. Việc tham gia là tự nguyện nhưng khi tham gia, khách hàng sẽ nhận được các hỗ trợ, ưu đãi hoặc khuyến khích phù hợp với nội dung từng hợp phần.

Việc điều chỉnh ở phía khách hàng có thể thực hiện bằng tay hoặc tự động, tùy thuộc vào hạ tầng. Thời gian tối đa cho mỗi sự kiện Điều chỉnh phụ tải điện là 2 giờ. Các khoản tiền khuyến khích trả cho khách hàng tham gia được sử dụng từ nguồn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của EVNHCMC.

Chương trình thí điểm nhằm góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện. Khách hàng tham gia sẽ chủ động điều chỉnh giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của mình khi nhận được yêu cầu của EVNHCMC trước thời điểm diễn ra sự kiện Điều chỉnh phụ tải điện 24 giờ. Khoản tiền khuyến khích được tính bằng sản lượng điện năng tiết giảm nhân với giá bán điện hiện hành tại thời điểm (cao điểm, thấp điểm và bình thường) diễn ra sự kiện.

Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện khẩn cấp tự nguyện (Voluntary Emergency Demand Response Program-VEDRP) được thực hiện nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải hoặc nghẽn mạch của lưới điện, trạm điện trong hệ thống điện. Khách hàng tham gia VEDRP sẽ chủ động điều chỉnh giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của mình khi nhận được yêu cầu của EVNHCMC trước thời điểm diễn ra sự kiện Điều chỉnh phụ tải điện 02 giờ. 

Hiệu quả cao nhưng còn ít khách hàng tham gia

Theo báo cáo mới của Viện Năng lượng, tổng cộng đã có 14 khách hàng, trong đó 5 khách hàng công nghiệp và 9 khách hàng thương mại, với tổng công suất đăng ký là 5.847 kW tham gia chương trình thí điểm. 

Khảo sát cho thấy, hầu hết các khách hàng giảm tải bằng hệ thống điều hòa hoặc làm mát, riêng 1 khách hàng công nghiệp giảm phụ tải bằng hệ thống hút ẩm và máy nén khí. Chi phí trung bình trả cho mỗi khách hàng tham gia chương trình thí điểm là 986 VNĐ/kWh đối với khách hàng thương mại và 726 VNĐ/kWh cho khách hàng công nghiệp.

Đánh giá về kết quả đạt được,trong khoảng thời gian rất ngắn, EVNHCMC đã thuyết phục được 14 khách hàng lớn tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình thì điểm. Đồng thời thực hiện việc xây dựng các quy trình nội bộ, tổ chức hội thảo marketing, gặp gỡ trực tiếp để thuyết phục các khách hàng, ký thỏa thuận tham gia và thực hiện các sự kiện thử nghiệm.

Ngoài mục tiêu thử nghiệm hạ tầng cơ sở kỹ thuật, quy trình phối hợp thực hiện giữa EVNHCMC và khách hàng tham gia, Chương trình thí điểm cũng đã đạt được mục tiêu thử nghiệm cơ chế khuyến khích theo các nội dung quy định tại các quyết định của Bộ Công Thương về Chương trình thí điểm.

Mặc dù được đánh giá là thành công nhưng Viện Năng lượng cho rằng: Chương trình mới ở quy mô nhỏ và tỷ lệ công suất tiết giảm thực tế so với công suất tiết giảm đăng ký không cao. Vì vậy, nếu triển khai với số lượng khách hàng lớn thì cần phải có mức khuyến khích hấp dẫn hơn, đồng thời xử lý những vướng mắc về mặt cơ chế và hạ tầng phía ngành điện.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, Chương trình thí điểm này có một số vấn đề tồn tại. 

Về cơ chế, chi phí của chương trình được huy động từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của EVNHCMC. Tuy nhiên, khi chương trình được thực hiện với quy mô lớn, không còn là hoạt động nghiên cứu khoa học đơn thuần nữa thì Quỹ khó có khả năng đáp ứng. Để hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện cần có thêm hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, việc hoạch toán khoản tiền khuyến khích của phía điện lực vào sổ sách kế toán của khách hàng cũng cần hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài Chính.

Về phía điện lực, hạ tầng chưa đáp ứng với quy mô lớn. Thời điểm đó EVNHCMC chưa có hệ thống quản lý dữ liệu đo đếm nền dữ liệu đo đếm thu thập từ xa theo chu kỳ 30 phút chỉ là dữ liệu thô, chưa được xác thực, hiệu chỉnh, ước lượng. Do đó một số trường hợp dữ liệu thu thập từ xa bị lỗi, chưa đạt yêu cầu.

Khánh Hòa