Đặt phòng rồi mất chỗ, mất tiền

{keywords}
Website Booking.com cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến và nhiều dịch vụ khác.

Phản ánh tới báo, anh D.H.B (Hà Nội) cho biết, ngày 23/2 vừa qua, gia đình đi du lịch ở Sa Pa đặt phòng qua website Booking.com từ trước, được xác nhận và đã bị trừ tiền, nhưng đến nơi không có phòng.

Chủ khách sạn cho hay, khách sạn đã đổi chủ và tiền đặt cọc được chủ cũ lấy, không liên quan gì khách sạn. Tuy nhiên, khi liên lạc lại với tổng đài Booking.com, điện thoại viên liên tục bận. Do đó, gia đình anh đành tìm khách sạn khác để thuê.

Anh B. cho biết, ngay tại khách sạn này, cùng thời điểm với vợ chồng anh, một cặp vợ chồng trẻ khác cũng gặp tình trạng tương tự. Quá bức xúc, anh Bình đã phản ánh đến báo, đồng thời đưa thông tin phản ánh sự việc lên trang Facebook cá nhân.

Những thông tin này lập tức nhận được nhiều phản hồi từ nhiều người khác, trong đó có phản ánh của anh M. N. Anh từng bị hủy nhiều lần thông qua đặt Booking.com, nhất là những tháng cao điểm du lịch. Tuy không bị mất tiền nhưng mất thời gian và gây bức xúc cho du khách.

Trước đó, trong dịp nghỉ Tết vừa qua, có nhiều phản ánh của khách hàng “tố” Booking.com đặt trên trang mạng này với giá thuê khá đắt đỏ nhưng đến nơi lại không được như quảng cáo.

Không rõ địa chỉ tại Việt Nam, tính thuế ra sao?

Trên trang web Booking.com cũng đưa ra điều khoản hủy chỗ (mà không cần thông báo hoặc cảnh báo trước) trong trường hợp các khoản tiền tương ứng (còn lại) của khách hàng không thể được thu đầy đủ”. Tuy nhiên, không có trường hợp nào quy định có thể hủy chỗ khi khách hàng vẫn thực hiện đúng cam kết.

{keywords}
Phần liên hệ tại Việt Nam của Booking.com chỉ là một số máy fax tại TP HCM nhưng sai cả mã vùng.

Hiện nay, khách hàng làm việc với Booking.com đều thực hiện bằng email nên việc phản ánh tiếp nhận liên quan đến dịch vụ hoàn toàn thụ động. Theo tìm hiểu của PV, chủ sở hữu, kiểm soát và quản lý Booking.com là Booking.com B.V. – một doanh nghiệp được thành lập tại Amsterdam (Hà Lan), chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Trên toàn cầu, Booking.com được hỗ trợ bởi nhiều công ty địa phương khác nhau, trong đó có ở TP. Hồ Chí Minh nhưng trên Booking.com không ghi địa chỉ.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với tổng đài hỗ trợ tiếng Việt 12280200 của Booking.com được hướng dẫn gửi phản hồi đến email của công ty. Khi được hỏi về địa chỉ, số điện thoại và người phụ trách tại Việt Nam, nhân viên tổng đài cho biết dịch vụ chăm sóc khách hàng được thự hiện từ nước ngoài, còn địa chỉ tại Việt Nam thì người này không cung cấp.

Hiện nay, sau khi khiếu nại, anh D.H.B đã được gửi thư xin lỗi và hoàn lại tiền; tuy nhiên, anh B cho biết sẽ không còn mặn mà với dịch vụ này.

Ngoài vấn đề chất lượng dịch vụ, một câu hỏi khác đang được đặt ra: Booking.com kinh doanh tại Việt Nam, hưởng hoa hồng từ việc đặt vé nhưng không có địa chỉ rõ ràng tại Việt Nam. Vậy, doanh nghiệp này có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế? Liệu Cục Thuế TP HCM đã quan tâm đến việc này như khả năng thất thu thuế đối với hãng đặt xe Uber trước đây?

Trong khi đó, Booking.com B.V hầu như không cấp quyền gì quan trọng cho các chi nhánh. Cụ thể doanh nghiệp này quy định: “Booking.com B.V. không chấp nhận hoặc thừa nhận bất kỳ nơi cư trú nào tại bất kỳ chỗ nào, địa điểm nào hoặc văn phòng nào trên toàn thế giới (cũng như tại văn phòng của bất kỳ công ty chi nhánh nào của mình) ngoại trừ văn phòng đã được đăng ký tại Amsterdam. Các công ty chi nhánh không hoạt động và không được ủy quyền để hành động theo bất kỳ hình thức hoạt động hoặc hình thức đại lý dịch vụ nào của Booking.com B.V. Không có đặt phòng nào có thể được thực hiện tại hoặc thông qua các công ty chi nhánh”.

(Theo Tiền phong)