Công việc công ty tôi trì trệ theo sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Lương thưởng đều giảm. Nhưng chi tiêu của gia đình lại trội lên. Tiền ăn, tiền học của con đều tăng khiến vợ tôi liên tục kêu than. Đối với cô ấy, việc người chồng phải bươn chải, vật lộn ở ngoài kiếm sống để nuôi gia đình là việc đương nhiên.
Nhiều lúc, thấy tôi tỏ ý chán nản, mệt mỏi, cô ấy bảo: “Anh là đàn ông đàn ang kiểu gì mà lúc nào cũng kêu chán thế”, “Làm người trụ cột thì phải mạnh mẽ lên cho vợ con được nhờ”. Thúc giục cũng không khiến lương tăng, cô ấy ca thán, so sánh tôi với mấy tay hàng xóm: Mạnh mẽ, nam tính, biết kiếm tiền, thật thất vọng khi trông cậy vào tôi.
Cô ấy phẩy tay, thở dài chán nản khi tôi đưa tiền lương về. Như thể nếu lương thấp hơn thì vai trò làm chồng, làm cha của tôi cũng bị lung lay.
Để vợ khỏi khinh thường, lúc nào tôi cũng phải lên gân, lên cốt cho thật mạnh mẽ, cứng cỏi, đôi lúc phải giật tạm bạn bè để thêm vào đồng lương ít ỏi. Tôi cảm thấy chán nản khi làm đàn ông. Tại sao tôi phải mang quá nhiều gánh nặng, tại sao lại không được mệt mỏi, được yếu đuối, được sống thật với những gì mình có, suốt 43 năm nay.
Từ lúc chào đời, giới tính của tôi được quy định là nam. Hình như chỉ khác con gái có “tí ngẩu”. Nhưng tôi sớm đã nhận ra sự khác biệt từ khi tôi biết khóc. Lúc 4 tuổi, khi ngã sứt đầu gối, đau điếng, tôi òa khóc nức nở thì ông tôi đã bảo: “Dũng cảm lên. Con trai không được khóc”…
Lúc 7 tuổi, tôi đi học bị điểm kém, bố tôi phạt quỳ với lý do: “Nam nhi phải giỏi giang”, bố cũng cổ động tôi đánh nhau với lũ trẻ con làng bên vì “đàn ông phải biết chiến đấu, không chịu khuất phục”. Mẹ cũng dạy tôi: “Làm con trai cần mạnh mẽ, không được nhụt chí”.
Tôi lớn lên không dám mệt mỏi, không dám sai lầm, không nghỉ ngơi, tất nhiên là không biết khóc. Để tránh nghe bài ca “phái mạnh” cũ rích của bố mẹ, có thất bại, có đau buồn, tôi cũng giấu nhẹm cả đi.
Tôi đã cố gắng hết sức mình đúng theo mong đợi của bố mẹ. Nhưng dù tôi cố gắng đến mức nào, bố tôi vẫn buông lời thất vọng: “Ở tuổi anh tôi đã quản lý cả phân xưởng hàng trăm người”. Đến giờ, tôi sợ phải ngồi ăn với bố tôi. Tôi quá mệt mỏi khi phải phấn đấu làm kẻ mạnh.
Vì thế, tôi chọn một cô gái hiền lành, nhỏ bé, yếu đuối làm vợ để đỡ bị đòi hỏi. Nhưng ngay sau đám cưới, tôi đã thấy một gánh nặng mới đè lên vai khi nàng ngây thơ bảo tôi: “Mọi việc em đều trông cậy vào anh”. Theo lời nàng: “Chồng phải kiếm được nhiều tiền để lo cho vợ con”, “Bố phải làm gương, phải oai phong với các con”, “Anh phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho gia đình”…
Tôi tiếp tục đóng vai một kẻ mạnh, giống như mặc một cái áo quá khổ với khả năng của tôi. Tôi đang thấy phụ nữ giương nhiều khẩu hiệu để đòi quyền bình đẳng cho mình. Còn đàn ông như tôi biết đòi quyền bình đẳng với ai?
Thậm chí, tôi chỉ muốn mình là phụ nữ để được yếu đuối, để được làm những việc mình muốn, đúng với sức của mình mà không phải đeo những cái danh ảo “nam tính”. Nhiều lúc tôi thấy phụ nữ kêu ca rằng bị coi thường, bị đánh giá thấp, bị định kiến yếu đuối mà thấy bất bình.
Các chị các cô đang quá sướng mà không biết đường hưởng. Ai thích giơ đầu chịu báng, đầu sóng ngọn gió, nam nhi chí ở 4 phương làm cái gì. Tôi là tôi nhường. Tôi thực sự muốn làm phụ nữ.
Có nên chia tay người đàn ông nghèo bao năm cưu mang mình?
Anh từng nghỉ học, đi làm thuê để kiếm tiền chăm lo cho tôi học tập nhưng nay tình cảm đã hết, liệu tôi có nên kéo dài mối quan hệ này?
Theo Dân Việt