Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với những địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc thực hiện các chương trình, dự án trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có vai trò đặc biệt của người có uy tín trong cộng đồng.
Tại Điện Biên, tỉnh vùng Tây Bắc bộ này còn 7 huyện nghèo, 95 xã đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc H'Mông chiếm 38,12%; dân tộc Thái chiếm 35,69%; dân tộc Kinh chiếm 20%, còn lại là các dân tộc khác.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Điện Biên cao thứ 3 cả nước, trong hộ nghèo chiếm hơn 30%; hộ cận nghèo chiếm 9,63%.
Nêu gương sáng
Với bà con người dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, ông Hù Chà Thái là tấm gương tiêu biểu trong hành trình chuyển đổi phương thức sản xuất bằng sự chủ động thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên. Ông Thái được suy tôn là người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Ðiện Biên.
Luôn trăn trở với câu hỏi: "Vì sao người Si La lại nghèo như thế?", "Làm gì để bà con Nậm Sin thoát nghèo?", ông Thái đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ huyện Điện Biên. Rồi ông quyết định vay vốn ngân hàng để mua thêm trâu, bò về nuôi. Cùng với đó, ông còn động viên vợ, con hằng ngày ra các khoảnh đất ven suối dọn cỏ, đắp bờ làm ruộng nước.
Thành quả đầu tiên đến với gia đình ông Thái sau hơn một năm, họ đón thêm các "thành viên" mới là hai con nghé, một con bê; thóc ruộng thu về hơn một tấn. Thời điểm đó, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hơn 150 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt, là niềm tự hào của gia đình, của thôn bản.
Từ khi thành công với mô hình của gia đình, ông Thái mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn bà con dân bản làm theo. Ðến nay, bản có thêm nhiều gia đình thoát nghèo cũng đều nhờ chăn nuôi, trồng trọt. Quan trọng nhất là ý chí lao động của người dân được khơi dậy, không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Thế hệ thanh niên trong bản Nậm Sin đã biết tu chí làm ăn, không lêu lổng như thời kỳ trước.
Tại huyện Nậm Pồ, ông Tao Văn Vin, người dân tộc Thái ở bản Cấu, xã Chà Nưa, còn mạnh dạn quyết định thành lập hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên ở vùng biên giới nơi cực Tây Tổ quốc.
Ông Vin kể ban đầu khi thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (năm 2018), ông chủ động trồng thêm cây sa nhân, nuôi ong lấy mật và đã thu được lợi ích kép. Ngoài nguồn thu vườn, ao, chuồng, mỗi năm gia đình thu nhập thêm gần 100 triệu đồng từ bán quả sa nhân và mật ong.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, ông đã vận động các gia đình trong bản, trong xã tham gia thành lập hợp tác xã nuôi ong mật, nhằm kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nghề ong, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðến nay, hợp tác xã có 45 thành viên; sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao. Người dân trong bản nhờ tham gia mô hình đã có việc làm, thu nhập bền vững, giảm nghèo đa chiều, đưa chất lượng cuộc sống đi lên.
Chỗ dựa quan trọng của người dân và cấp uỷ, chính quyền
Tại tỉnh Điện Biên, trong số hơn 1.200 người có uy tín tiêu biểu có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên hành trình giảm nghèo ở địa phương này, những người có uy tín trong thôn, xã chính là "cầu nối đặc biệt", "nhân sự đặc biệt" trong việc truyền đạt ý chí, nguyện vọng, tâm tư của người dân trong thôn bản đến với lãnh đạo các cấp.
Đồng thời, đây cũng là những chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể với nhân dân; là người đưa chủ trương, chính sách đến gần với người dân nhất; thuyết phục, vận động người dân đồng thuận tự nguyện thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động.
Phát huy vai trò nêu gương sáng, những người có uy tín rất tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi phong tục, tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho năng suất cao.
Những đóng góp tích cực của người có uy tín góp phần thực hiện hiệu quả các dự án, hoạt động trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương.
Trung bình hằng năm, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Ðiện Biên đều đạt 6,02%. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới tỉnh Ðiện Biên ngày càng được nâng lên toàn diện. Trên hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều của Điện Biên không thể thiếu vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.