Tại buổi khai giảng, khóa đào tạo ngắn hạn “Điều tra và đánh giá hệ thống thông tin” do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Trung tâm ứng cứu máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT) và Sở TT&TT Hà Nội diễn ra vào sáng 28/11 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Thành, Viện trưởng Viện ATTT thuộc Hiệp hội ATTT Việt Nam đánh giá: hiện tại, năng lực của một số kỹ sư ATTT Việt Nam không hề thua kém các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lực lượng còn mỏng. Vì vậy, chúng ta chưa thể hình thành được một cộng đồng ATTT đủ mạnh, có khả năng chống đỡ được các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng như hiện nay
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Việt Nam đã có nhiều chuyên gia ATTT làm việc cho các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google, CISCO… Đội tuyển sinh viên ATTT của chúng ta cũng giành được nhiều thứ hạng cao khi tham dự các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Đơn cử như thành tích vô địch cuộc thi Cyber SEA Games 2015 của đội UIT-NAVI, ĐH CNTT – ĐH QG TP. HCM hay Việt Nam có tới 3 đại diện lọt vào top 10 trong vòng loại cuộc thi Whitehat Grandprix do BKAV tổ chức vào tháng 10 vừa qua…
Tuy nhiên, số lượng của các kỹ sư ATTT đạt trình độ quốc tế của chúng ta vẫn còn khá ít ỏi. Ông Nguyễn Chí Thành nhận định, trên 50% tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam chưa có cán bộ chuyên trách về ATTT mà chỉ có các phòng, bộ phận phụ trách chung về công nghệ thông tin (CNTT). Phần nhiều kỹ sư CNTT tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản về ATTT. Một số cán bộ đang đảm trách công tác ATTT chỉ có những hiểu biết chung về CNTT. Thậm chí, có những người còn chưa có bằng cấp về lĩnh vực CNTT. Theo thống kê của VNISA, tỷ lệ cán bộ phụ trách lĩnh vực ATTT chưa có bằng cấp đang chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục trong lĩnh vực CNTT nói chung và ATTT đang diễn ra hết sức nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải đào tạo tại lại nguồn nhân lực ATTT hiện có.
Ông Nguyễn Chí Thành cho rằng phương án hiệu quả nhất nhằm giải quyết vấn đề trên là mời chuyên gia ở các nước mạnh về ATTT trực tiếp giảng dạy tại các khóa đào tạo ATTT ở Việt Nam. Việc truyền tải sẽ được thực hiện trực tiếp bằng tiếng Anh nhằm giúp các học viên có thể tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia một cách đầy đủ nhất mà khóa đào tạo “Điều tra và đánh giá hệ thống thông tin” là một ví dụ. Thành phần học viên tham dự khóa học hầu hết là các cán bộ phụ trách ATTT tại các cơ quan, tổ chức là hội viên của VNISA.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, thực tế, thời lượng 1-2 ngày của khóa học chỉ đủ để các học viên tiếp thu những kiến thức cơ bản nhất về vấn đề này. Để có thể ứng dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng được học, các học viên phải tham gia một khóa đào tạo dài hơi hơn với thời lượng lên tới 12 ngày bao gồm 6 ngày học kiến thức cơ bản và 6 ngày học kiến thức nâng cao. Ông mong muốn "khóa học như thế này là cơ hội để các học viên có thể tiếp cận, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ATTT".
Ông tin tưởng rằng nếu có lộ trình đầu tư hợp lý chắc chắn Việt Nam sẽ có đủ nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được nhu cầu về ATTT như Đề án 99 về 'Đào tạo nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.
Khóa đào tạo ngắn hạn “Điều tra và đánh giá hệ thống thông tin”(Forensics Training Course) do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Trung tâm ứng cứu máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT) và Sở TT&TT Hà Nội diễn ra vào trong 2 ngày 28 và 30/11 tại Hà Nội. Khóa đào tạo sẽ diễn ra với hai nội dung chính “Điều tra số và nâng cao năng lực phản ứng trước sự cố máy tính” và Giải pháp điều tra số CyberAge. Khóa học sẽ có sự tham gia giảng dạy của ông Keisuke Kamata, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong ATTT và chuyên gia đến từ Tập đoàn CISCO của Hoa Kỳ.