Như VietNamNet đã đưa, trước tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc tăng cường kiểm soát người và phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu, dẫn đến tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản bị ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài.

Số lượng xe được thông quan rất hạn chế (khoảng 100 xe/ngày) khiến hàng hóa bị hỏng, nhiều chủ hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Lợi dụng tình hình trên, một nhóm đối tượng đã đưa và nhận hối lộ nhằm điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không theo thứ tự quy định.

{keywords}
Cuộc sống của lái xe đường dài trong những ngày nằm chờ hàng thông quan

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư  Đặng Văn Cường cho rằng, việc cơ quan điều tra khởi tố, xử lý đối với một số đối tượng về hành vi mua bán "lốt" xe tại cửa khẩu là cần thiết, nhằm đảm bảo công bằng cho các lái xe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư cho hay, theo quy định của pháp luật, hành vi dùng tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình là hành vi đưa hối lộ.

Còn người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm một công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình, vì lợi ích của người đã đưa hối lộ thì đó là hành vi nhận hối lộ.

Ở đây, các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ", gồm: Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992), đều là cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc.

Ngoài ra, đối tượng Đình Văn Thìn (SN 1979, trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.

Để kết tội các đối tượng này về tội "Nhận hối lộ", cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người đã nhận tiền của các lái xe là người có chức vụ, có quyền hạn trong việc bố trí vị trí đỗ xe cho các lái xe trước khi thông quan.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn này, các đối tượng đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền là xếp vị trí cho những xe đó được làm thủ tục trước để xuất khẩu.

"Hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, bức xúc trong dư luận.

Trong trường hợp chứng minh được những yếu tố trên thì xử lý những người nhận tiền về tội "Nhận hối lộ" là có căn cứ. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu, nhận của những ai và nhận bao nhiêu lần. Tình tiết phạm tội nhiều lần có thể được áp dụng trong vụ án này", Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.

Hành vi nguy hiểm

Theo luật sư, người nhận hối lộ không chỉ là người có "chức vụ", không chỉ là công chức, lãnh đạo, mà còn là người có "quyền hạn", được giao thẩm quyền thực hiện các công việc liên quan đến quản lý an ninh trật tự, quản lý hành chính..., nhưng lợi dụng chức vụ hoặc lợi dụng quyền hạn của mình để nhận tiền, nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm công việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng trong vụ án này đã nhận hối lộ từ hai lần trở lên hoặc hành vi được xác định là lạm dụng chức vụ quyền hạn thì khung hình phạt tối thiểu là phạt tù từ 7- 15 năm.

Nếu số tiền nhận hối lộ từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì hình phạt có thể tới 20 năm tù.

Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người nhận hối lộ sẽ bị xử lý trong khung cao nhất, có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

“Đây là chế tài rất nghiêm khắc của hành vi nhận hối lộ để răn đe, phòng ngừa đối với người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hành vi nhận hối lộ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền và phát sinh những hệ lụy, tiêu cực, bất bình đẳng trong xã hội.

Bởi vậy tội Nhận hối lộ là một trong những tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình”, lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường.

Theo ông Đặng Văn Cường, hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

Đưa hối lộ là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, suy thoái của người có chức vụ, quyền hạn, gây ra bất công bằng trong xã hội. Bởi vậy, hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm và phải bị xử lý trước pháp luật.

Trong một số trường hợp, hành vi đưa hối lộ do miễn cưỡng, do người có chức vụ, quyền hạn đe dọa, ép buộc, gây khó khăn, cản trở để buộc phải đưa tiền mới đảm bảo công bằng thì người đưa hối lộ có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu chủ động khai báo sự việc này với cơ quan chức năng trước khi bị phát giác.

Về nguyên tắc, nếu tổ chức, cá nhân bị người có chức vụ quyền hạn gây khó, vòi vĩnh thì có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.

T.Nhung

‘Phi vụ’ 100-300 triệu ưu tiên thông quan, chuyện không tưởng ở Lạng Sơn!

‘Phi vụ’ 100-300 triệu ưu tiên thông quan, chuyện không tưởng ở Lạng Sơn!

Hải quan Lạng Sơn khẳng định, chi phí thông quan một container hàng nông sản xuất khẩu là 820.000 đồng, trong khi công an khởi tố hành vi "đưa và nhận hối lộ" số tiền lớn không tưởng từ 100 - 300 triệu để ưu tiên lốt thông quan.