Ngày 4/5 (theo giờ Mỹ), FED sẽ có cuộc họp liên quan khả năng tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, các nhà phân tích và giao dịch tiền điện tử không cho rằng thị trường sẽ phản ứng mạnh sau cuộc họp hoạch định chính sách này, chủ yếu do các nhà đầu tư đã dự đoán việc tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản trong cả tháng vừa qua.
Tuy nhiên, nếu “giọng điệu” của chủ tịch FED Jerome Powell trở nên “diều hâu – cứng rắn” hoặc “bồ câu – mềm mỏng” hơn dự kiến, thị trường tiền điện tử có thể ghi nhận các chuyển động đáng chú ý về giá. Một lập trường cứng rắn về tiền tệ có thể đẩy thị trường crypto giảm sâu hơn.
“Từ đầu năm tới nay đã ghi nhận sự sụt giảm về sự quan tâm của nhà đầu tư nhỏ lẻ và các thể chế tài chính đối với tiền mã hoá”, Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của sàn Oanda cho biết. “Bitcoin và các tài sản rủi ro khác có thể sẽ tiếp tục tích lũy cho tới khi thị trường trở nên tự tin hơn”.
John Kramer, nhà giao dịch crypto tại GSR, cho rằng Bitcoin sẽ khó có thể phá vỡ phạm vi giao dịch 30 ngày gần nhất, nhưng nhà đầu tư cũng cần quan sát bình luận của FED về sự thâm hụt trong bảng cân đối không thể tránh khỏi của cơ quan này. Tới tháng 3, ngân hàng trung ương đã mua trái phiếu Mỹ và các khoản nợ đảm bảo bằng chứng khoán nhằm cải thiện thị trường tài chính.
Tháng trước, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 46.000 USD và 37.000 USD. Cho tới chiều ngày 3/5, giá Bitcoin đạt 37.732 USD, giảm 45% so với đỉnh đầu tháng 11/2021.
“Sẽ bất ngờ nếu thị trường tiền ảo giảm mạnh khi thị trường chứng khoán đóng cửa sau ngày 4/5. Trong dài hạn, Bitcoin đang được hỗ trợ mạnh tại vùng giá 30.000 USD và 28.000 USD. Sẽ cần một động thái rất mạnh mới có thể khiến mọi người bán Bitcoin thủng qua các vùng giá này”, Kramer nói, đồng thời kỳ vọng sẽ thấy một số bước tăng giá trong ngày.
Mike McGlone, chuyên gia cao cấp hàng choá chiến lược của Bloomberg Intelligence, đồng ý rằng các tài sản rủi ro có thể tăng trong ngày 4/5, nhưng Bitcoin sẽ ghi nhận chủ yếu là chuyển động “nhiễu”, tương tự như các cổ phiếu.
Xa hơn, McGlone dự đoán Bitcoin cùng các tài sản rủi ro sẽ tiếp tục đi xuống, nhưng cuối cùng, Bitcoin sẽ là tài sản đầu tiên thoát khỏi chu kỳ giảm.
“Mặc dù Bitcoin đã thể hiện sức mạnh phân kỳ, nhưng điểm mấu chốt là việc thị trường tiền ảo là một trong những tài sản tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây, do đó chúng sẽ đối mặt với rủi ro mất nhiều nhất”, chuyên gia của Bloomberg nhận định.
Tính tới ngày 3/5, cả chỉ số Nasdaq Composite và Bitcoin đều đã giảm 20,6% trong năm nay.
Vinh Ngô (Theo Yahoo Finance)