Với hàng loạt thủ đoạn mới, tinh vi, các đối tượng nhắm vào đông đảo tầng lớp nhân dân, gây thiệt hại lớn về tài sản. Từ miền núi cho đến miền xuôi và các thành phố lớn, đâu đâu cũng có nạn nhân của tội phạm mạng, nhiều người dính "quả lừa", thiệt hại lên tới hàng chục, thậm chí vài chục tỷ đồng...
Dính “thính” trai Tây, bay ngay chục tỷ
Ngoài 40 tuổi, chị Lê Thanh H. (thường trú tại Hà Nội) không thể nào nghĩ được rằng, lại có một ngày chị "ăn" phải "quả đắng" đến như thế. Là người có nhan sắc, giỏi giang, nhiều năm nay chị H. điều hành một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, và cũng tích lũy được một số vốn kha khá. Tuy nhiên, đường tình duyên của chị gặp nhiều trắc trở. Sau một thời gian sống ly thân, chị đã ly dị chồng và mua một căn chung cư cao cấp để sống cùng con gái.
Trong lúc đang trục trặc về tình cảm, qua mạng xã hội Facebook, chị H. kết bạn với một người đàn ông nước ngoài tên là Micheal (sinh năm 1970, quốc tịch Anh). Micheal liên tục tấn công chị bằng những từ ngữ có cánh. Ông ta kể rằng hiện đang điều hành một công ty xây dựng tại Mỹ và sống một mình vì vợ đã mất nhiều năm trước. Sau chừng một tháng tâm sự, Micheal bày tỏ tình cảm với chị H., muốn lấy chị làm vợ và không quên khoe rằng có một số vốn lớn lên tới cả chục triệu đô la, muốn đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà chị H. nhận lời.
Ít ngày sau, có một người đàn ông liên hệ với chị H. nói rằng là nhân viên tại ngân hàng BoA (Bank of America), được ông Micheal ủy nhiệm liên hệ với chị để làm thủ tục chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam. Người đàn ông yêu cầu chị H. đóng phí công chứng và thuế cận biên để nhận được số tiền lên đến 15 triệu USD.
Chị H. có hỏi lại Micheal và được ông ta trả lời rằng hãy làm theo như nhân viên nhà băng. Vì thời điểm đó Micheal đang bị nhiễm virus Corona nên không thể ra ngân hàng để thực hiện việc đóng phí chuyển tiền. Nghe cũng có lý nên chị H. đồng ý. Trong khoảng 4 tháng, hết lần này đến lần khác, Micheal yêu cầu chị H. chuyển thêm tiền để có thể được nhà băng giải ngân số tiền triệu đô kia. Chị H. cũng đã thực hiện việc chuyển khoản hàng chục lần, tất cả đều vào các tài khoản ngân hàng cá nhân tại Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, Sacombank... Tổng số tiền chị H. đã chuyển lên tới gần 17 tỷ đồng mà vẫn chưa nhận được số tiền đầu tư như Micheal đã hứa. Nếu sự việc dừng lại tại đây thì thiệt hại của chị H. cũng đã là rất lớn. Nhưng sau đó chị H tiếp tục sa vào một cái bẫy khác.
Theo trình báo của chị H. tại Công an TP Hà Nội, ngay sau thời điểm chị H. chuyển 17 tỷ đồng với hy vọng nhận được số tiền 15 triệu USD nhưng bất thành thì lại có một nam giới người nước ngoài tên Henry nhắn tin kết bạn. Anh ta giới thiệu là trưởng phòng nghiên cứu của một Tập đoàn chuyên về dược phẩm, có trụ sở tại Canada. Henry gửi nhiều hình ảnh, clip cho chị H. thấy anh ta đang mặc áo blues trắng, sử dụng những máy móc tối tân trong một Viện nghiên cứu. Tiếp đó anh ta rủ chị H. góp vốn để sản xuất thuốc chữa bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra. "Chỉ cần đầu tư vài trăm ngàn USD, lợi nhuận sẽ nhân 3, nhân 5 trong vòng một thời gian ngắn" - Henry hứa hẹn như vậy.
Trong lúc số tiền gửi cho Micheal vẫn như "bóng chim tăm cá", thấy cơ hội gỡ gạc đang đến nên chị H. lại "nhắm mắt đưa chân". Henry gửi cho chị một hợp đồng mua dược liệu với một tập đoàn của Ấn Độ, tổng số tiền lên đến hơn 300 ngàn USD. Henry khẳng định chỉ cần sau khi đối tác nhận được hàng thì lãi ròng sẽ lên tới hàng triệu USD. Công ty chị H. sẽ nhận được 80% lợi nhuận, còn Henry nhận 20%. Chị H. nhanh chóng chuyển tiền vào một ngân hàng quốc tế có địa chỉ tại Hy Lạp. Ít ngày sau, Henry thông báo quá trình vận chuyển hàng gặp trục trặc, yêu cầu chị H. chuyển thêm số tiền 100 ngàn USD để đóng phí vận chuyển phát sinh.
Ít tuần sau, một buổi sáng chị H. thấy người lâng lâng khi nhận được điện chuyển tiền từ Henry với nội dung thanh toán hợp đồng với công ty của chị, số tiền lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên, chị H. nhanh chóng rơi vào tình cảnh hụt hẫng vô bờ. Bởi khi tiến hành kiểm tra vận đơn, chị H. phát hiện tất cả hóa đơn chứng từ đều là giả mạo. Vậy là thêm một lần nữa, chị H. đã bị chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng. Tổng cộng hai lần "ăn phải bả" của "trai Tây", chị đã mất gần 30 tỷ đồng mà nguy cơ không lấy lại được.
Miếng pho mát trong bẫy
Dù không bị dính bẫy làm quen - gửi quà như chị Lê Thanh H. ở trên, song chị Hoàng Thu T. (35 tuổi, trú tại Hà Nội) lại bị chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bằng thủ đoạn rủ rê đầu tư kinh doanh tiền ký quỹ.
Chị T. trình bày, mấy tháng trước chị nhận được lời kết bạn từ Jang Min (32 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc). Qua mạng xã hội, Jang Min kể rằng đã có lần sang Việt Nam du lịch thông qua công ty của chị T., nên muốn làm quen kết bạn với chị T. Thời điểm đó chị T. vừa bị người chồng cũ ruồng bỏ, cuỗm theo khối tài sản nhiều tỷ đồng nên chị rất dễ mở lòng với người lạ. Ngày nào Jang Min cũng nhắn tin hỏi thăm, đồng thời gửi những bức hình của bản thân hao hao một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc. Sợ bị lừa, chị T. đã bảo Jang Min gửi cả clip cho chị xem. Đối tượng nhanh chóng gửi nhiều video các hoạt động thường ngày như nấu ăn, tập gym... khiến chị T. đặt trọn niềm tin.
Thế rồi một ngày, Jang Min nhắn tin rủ chị T. đầu tư tiền ký quỹ để kiếm lời. "Đây là hình thức đầu tư mới ở Hàn Quốc, chỉ cần bỏ một số vốn nhỏ là có thể thu về lãi suất rất cao". Và để chị T. tin tưởng, Jang Min sẽ lập tài khoản cho chị T., rồi chuyển số tiền đầu tư ban đầu là 100 ngàn USD vào tài khoản cho chị. Anh ta cũng vào tài khoản của chị để mua bán nhằm gia tăng lợi nhuận.
Sau khoảng một tuần Jang Min bảo chị T. đăng nhập vào tài khoản thì thấy số tiền đã được cộng thêm 30%. Jang Min nói đó là tiền lãi, và bảo sẽ rút thử một ít cho chị T. mua sắm nhằm "hiện thực hóa lợi nhuận". Sau khi chị T. nhắn số tài khoản ngân hàng cho Jang Min, chỉ ít phút sau tài khoản chị được cộng thêm số tiền gần 100 triệu đồng. Mừng húm, chị lập tức vác tiền đi mua "con SH".
Và không đợi Jang Min nhắc, ngay hôm sau chị T. chuyển khoản cho anh ta số tiền hơn 100 ngàn USD để đầu tư. Hai ngày sau thử check tài khoản, chị T. thấy số tiền đã "nhảy" lên gần 300 ngàn USD. Thêm một tuần nữa trôi qua, mắt chị T. hoa lên khi thấy trong tài khoản có gần 2 triệu USD. Jang Min nhắn tin bảo chị T. nhanh chóng chuyển ra tiền mặt. Chị T. cũng thử, song không tài nào rút ra được.
Hỏi lại Jang Min thì anh ta bảo phải nộp "một ít" tiền thuế phí. Vậy là chị T. lần lượt chuyển thêm nhiều lần cho Jang Min, tổng số tiền lên đến khoảng 17 tỷ đồng; song vẫn không rút được tiền trong tài khoản ra. Jang Min tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 3 tỷ nữa, song lần này do nghi ngờ, chị T. không chuyển. Tham khảo ý kiến bạn bè, chị T. phát hiện mình bị lừa nên đã lên Cơ quan công an trình báo. Cùng lúc, tài khoản đầu tư của chị T. cũng không thể truy cập được nữa.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều chị em phụ nữ tại các thành phố lớn sập bẫy lừa của "trai tây" trong thời gian vừa qua.
Có thể thấy nhóm đối tượng lừa đảo luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi, "bắt trend" rất nhanh với chuyện thời sự xã hội để tạo ra các màn kịch lừa đảo. Nhiều năm trước các đối tượng thường bày trò làm quen kết bạn, yêu đương sau đó hứa hẹn sẽ làm đám cưới, đưa các chị sang châu Âu, Mỹ... sống cuộc đời sung sướng. Đối tượng chế ra hình ảnh các bưu kiện, trong đó có hàng điện tử cao cấp, thậm chí đô la tiền mặt để gửi về làm quà cho vị hôn phu. Từ đó yêu cầu bị hại chuyển các loại tiền thuế, phí rồi chiếm đoạt.
Còn vào thời điểm hiện tại, đối tượng chuyển sang thủ đoạn rủ rê "hái tiền thời 4.0" như đầu tư tiền ảo, sàn ngoại hối để kiếm tiền vừa nhanh và nhiều. Hoặc bắt trend dịch bệnh như rủ rê đầu tư vào công ty để sản xuất vaccine, thuốc chống COVID... Khi bị hại đã chuyển tiền cho chúng, các đối tượng sẽ nghĩ ra đủ mọi lý do để "moi" bằng sạch tài khoản. Đến lúc đó họ mới nhận ra dính phải bẫy lừa hoàn hảo.
Cũng trong đơn trình báo, một số bị hại cho biết bên cạnh việc thiếu cảnh giác nên đã chuyển tiền cho các đối tượng, thì có những chị em "chắc cú" yêu cầu phải nhận được hàng thì mới chuyển tiền. Khi đó, đối tượng sẽ nổi xung lên, liên tiếp nhắn tin, gọi điện chửi bới, dọa dẫm sẽ "đưa Công an, Quân đội từ nước ngoài sang để yêu cầu bị hại phải giải trình cho việc làm thất lạc tiền của bọn chúng". Có người vì sợ hãi nên buộc phải chuyển tiền theo yêu cầu.
Cơ quan công an cho biết thêm, nhóm đối tượng thường tỏ ra nghiên cứu kỹ lưỡng "con mồi", nên thường tung ra những kịch bản rất ăn khớp. Thêm vào đó, các đối tượng chỉ có mỗi việc là ngày đêm đào bới các tài khoản để lấy thông tin, nhằm dụ chị em vào tròng. Thành ra một khi đã "bắt chuyện" với chúng, thì chị em rất dễ "sập bẫy".
Nữ doanh nhân phải đi cấp cứu do bị lừa cả tiền lẫn tình Hơn một năm trước, Công an tỉnh Nghệ An làm rõ Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1988, trú phường Quán Bàu, TP Vinh) câu kết với Njoku Peter Chikere (sinh năm 1983, quốc tịch Nigieria, hiện sinh sống tại Malaysia) và nhiều đối tượng ở TP Hồ Chí Minh để thực hiện các phi vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Nhóm đối tượng trên thông qua tin nhắn Facebook, giới thiệu là các doanh nhân người Mỹ đang làm việc ở nước ngoài để làm quen với các nạn nhân. Sau khi gây dựng được lòng tin với các nạn nhân, đối tượng hứa hẹn sắp xếp xong công việc sẽ sang Việt Nam sinh sống và gây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp đó chúng cho biết đã gửi các món quà có giá trị cho các nạn nhân kèm các biên lai gửi hàng. Nguyễn Thị Hằng đóng vai nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa, nhân viên sân bay, liên lạc với các bị hại thông báo về việc nhận bưu phẩm. Để nhận được những món hàng này, các bị hại phải trả phí và chuyển tiền vào các tài khoản của Hằng. Với thủ đoạn trên, Hằng và đường dây đã lừa đảo trót lọt không dưới 13 phụ nữ tại nhiều thành phố lớn, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, có một nữ doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh bị lừa hơn 12 tỉ khiến chị "sốc" vì vừa mất tiền vừa bị lừa tình dẫn đến tai biến phải vào bệnh viện cấp cứu. |
(Theo An Ninh Thế Giới)
Cảnh báo các mô hình đầu tư nhận lãi khủng trên không gian mạng
Lợi dụng bối cảnh khó khăn trong đại dịch, nhiều đối tượng đã lập ra các website với cái gọi là dự án đầu tư nhận lợi nhuận "khủng" trên không gian mạng.