Bạn đang ngồi trong một quán café. Một người lạ mặt tiến đến làm quen, bạn nhẹ nhàng từ chối. Chỉ vài giờ sau, điện thoại của bạn nhận được liên tục những tin nhắn từ người lạ mặt, tài khoản mạng xã hội nhận được lời mời làm quen, và thậm chí là cả những cuộc gọi… Người ta cho rằng viễn cảnh đó có lẽ không quá xa khi Facebook có ý định tung ra sản phẩm kính thông minh có tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong năm nay.
Ý nghĩ này càng trở nên phổ biến trước thông tin mà truyền thông Mỹ đăng tải mới đây cho biết Facebook, gã khổng lồ mạng xã hội, đã quyết định chi ra khoản tiền lên tới 650 triệu USD để bồi thường cho người dùng tại Mỹ trong vụ kiện pháp lý về quyền riêng tư được được đệ trình tại Illinois từ năm 2015, liên quan đến việc Facebook sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong tính năng "gắn thẻ" (tag) trên các bức ảnh được đăng tải.
Facebook và bài toán quyền riêng tư dữ liệu |
Vụ kiện dài hơi
Với tính năng kể trên, người dùng có thể gắn thẻ bạn bè trong ảnh tải lên Facebook, tạo một liên kết đến hồ sơ của người được gắn thẻ. Facebook sau đó đưa ra các đề xuất gắn thẻ tự động bằng cách sử dụng bản quét các hình ảnh đã tải lên trước đó để xác định những người trong các bức ảnh mới được tải lên. Luật sư của các "nguyên đơn" trong vụ kiện cáo buộc rằng các bản quét được tạo ra mà không có sự đồng ý của người dùng và vi phạm Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học của bang Illinois, đạo luật được đưa ra năm 2008, cũng như các quy định về nhận dạng khuôn mặt, lấy dấu vân tay và các công nghệ sinh trắc học khác.
Facebook đã bác bỏ cáo buộc và phản bác đơn kiện. Tuy nhiên, lập luận của Facebook rằng 1,6 triệu người không thể cùng đứng chung đơn kiện đã bị tòa bác bỏ vào năm 2018.
Một năm sau, trong một bước đi nhằm tránh rắc rối và bị xử thua, Facebook đã điều chỉnh tính năng nhận diện khuôn mặt tự động thành tùy chọn, cho phép người dùng có thể bật hoặc tắt tính năng này. Theo đó, người dùng có thể xem mình đang bật hay tắt tính năng Nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition) bằng cách vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Nhận dạng khuôn mặt. Trong mục này, người dùng sẽ nhìn thấy câu hỏi: "Bạn có muốn Facebook có thể nhận dạng mình trong ảnh hoặc video hay không?", đi kèm tùy chọn có hoặc không.
Đầu năm 2020, Facebook đề xuất dàn xếp vụ việc với tổng giá trị bồi thường khoảng 550 triệu USD, tuy nhiên, tháng 7 cùng năm, thẩm phán Tòa án Quận North California - James Donato - người xử lý cuộc đối đầu giữa Facebook với người dùng mạng xã hội tại Mỹ cho rằng con số này là chưa đủ.
Ước tính có khoảng 1,6 triệu người dùng Facebook đã gửi yêu cầu bồi thường và dự kiến theo dàn xếp mà Facebook vừa chấp nhận, tất cả những người này sẽ nhận được ít nhất 345 USD/người. Cũng theo thỏa thuận mới, ngoài số tiền bồi thường hơn nửa tỷ USD, Facebook sẽ đặt tùy chọn "nhận dạng khuôn mặt" mặc định của người dùng thành "tắt" và xóa tất cả dữ liệu khuôn mặt hiện có, cũng như dữ liệu được lưu trữ của người dùng tham gia vụ kiện.
AP đưa tin cho biết trong một thông cáo sau đó, Facebook nhấn mạnh rằng họ "hài lòng" và chấp nhận dàn xếp để tránh vụ kiện kéo dài và ảnh hưởng tới các cổ đông của tập đoàn.
Nên chăng?
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt lần đầu tiên được Facebook triển khai vào năm 2013. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, công ty cho biết họ sẽ mở rộng phạm vi nhận dạng khuôn mặt nhằm cảnh báo người dùng khi có ai đó đăng tải hình ảnh có mặt người dùng trong đó, cho dù người đó có gắn thẻ hay không. Theo Facebook, tính năng này sẽ giúp người dùng nhận được cảnh báo khi có ai đó sử dụng hình ảnh của bạn - đặc biệt hữu ích trong trường hợp một tài khoản có nguy cơ bị giả mạo, hoặc giúp cải thiện trải nghiệm cho người khiếm thị. Người dùng tất nhiên có thể tắt tính năng này trong phần cài đặt.
Trên thực tế, Facebook đang đối mặt với những câu hỏi khó trong vấn đề bảo mật quyền riêng tư của người dùng. Theo Andrew "Boz" Bosworth, người phụ trách mảng phát triển thực tế ảo của Facebook, việc xem xét cung cấp tính năng nhận dạng khuôn mặt trên các sản phẩm mà Facebook phát triển, chẳng hạn như kính thông minh "vẫn đang được cân nhắc".
BuzzFeed dẫn lời Bosworth chia sẻ trong một đoạn băng ghi hình cuộc thảo luận nội bộ hồi cuối tháng 2 vừa qua: "Đây là một cuộc tranh luận mà chúng tôi cần phải có với công chúng… Nếu người dùng không muốn công nghệ này, Facebook sẽ không tích hợp tính năng đó, và sản phẩm vẫn sẽ ổn".
Facebook đang cân nhắc các tác động pháp lý của công nghệ nhận diện khuôn mặt do có nhiều lo ngại về mặt đạo đức trước nguy cơ người dùng có thể bị lạm dụng khi tính năng này cũng như chức năng máy ảnh và micro trên các sản phẩm thông minh luôn được bật.
Tháng 9/2020, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết công ty công nghệ này đã hợp tác với EssilorLuxottica, công ty sở hữu các thương hiệu kính mắt như RayBan, vì vậy những chiếc kính thông minh mới có thiết kế và phong cách khác nhau, song "sẽ kết hợp các ứng dụng và công nghệ của Facebook, sự dẫn đầu về thương hiệu của Luxottica, cũng như công nghệ ống kính tiên tiến của Essilor để giúp mọi người kết nối tốt hơn với bạn bè và gia đình.
Mạng xã hội Facebook có "thành tích" khá kém trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, một thực tế khiến giới quan sát cho rằng có thể khiến người ta cảnh giác khi mua sản phẩm kính thông minh mà Facebook đang phát triển. Trên thực tế, Facebook đang có nhiều động thái nhằm sửa chữa hình ảnh của mình trong vấn đề quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là kể từ vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica năm 2018.
Trước Facebook, sản phẩm chó robot Aibo của Sony và ứng dụng dành cho lớp học của Google đã bị vướng vào 2 vụ kiện liên quan đến Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học của bang Illinois. Đây là bang duy nhất ở Mỹ cho phép người dân được nộp đơn kiện các hành vi thu thập dữ liệu không có sự tán thành của chủ thể. Không chỉ Facebook, nhiều công ty công nghệ khác cũng đối mặt với các đơn kiện ở Illinois như ByteDance, Microsoft, Google và Amazon.
(Theo antg.cand.com,vn)
Hướng dẫn tắt tính năng nhận dạng khuôn mặt của Facebook
Facebook gần đây đã mở rộng tính năng nhận dạng khuôn mặt, và bạn có thể đã chọn tham gia mà không hề hay biết.