LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Phần đầu bài viết tập trung vào thực trạng kinh tế của đất nước và phân tích các rào cản về tầm nhìn và tư duy phát triển.
I. Giấc mơ của Việt Nam
Nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những chỉ số là Việt Nam đã đạt mức GDP/GNI bình quân vượt 1.000USD/người vào năm 2009, bắt đầu tham gia Nhóm nước thu nhập trung bình thấp theo phân loại các nền kinh tế của Ngân hàng Thế giới.
Từ năm 2014, khi có mức GDP bình quân vượt 2.000USD/người, theo cách phân loại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đang chuyển dần sang giai đoạn chủ yếu dựa vào vào yếu tố hiệu quả hơn là chỉ chú ý đến sử dụng các nguồn lực đầu vào.
Nói cách khác, Việt Nam đang hướng mạnh đến tăng trưởng theo chiều sâu, kết hợp với tăng trưởng theo chiều rộng khi vẫn còn những dư địa có thể phát huy như thế mạnh của dân số đông, thị trường rộng lớn, thu nhập đang tăng nhanh và đa dạng trên các địa bàn, nguồn lao động dồi dào, nhưng thiếu việc làm có năng suất cao trong điều kiện cơ cấu dân số vàng…
Trong báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", Nhóm nghiên cứu đã nêu với những điều kiện nhất định, Việt nam có thể phát triển nhanh và bền vững để đến giữa thế kỷ XXI có thể tham gia Nhóm nước thu nhập cao.
Đó dường như là một giấc mơ "đẹp"?
Không phải. Chúng ta có thể đạt được tham vọng đó một cách có điều kiện, theo Báo cáo 2035, dựa trên 3 trụ cột: (1) Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường; (2) Tập trung cao độ để thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; (3) Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Việt Nam lại không học theo tư tưởng "mèo trắng-mèo đen, miễn là bắt được chuột" của Đặng Tiểu Bình, nên còn rụt rè trong Đổi mới, nhiều khi bị mắc vào sự lệ thuộc mang tính kinh viện. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bên cạnh đó, phải thực hiện 6 quá trình chuyển đổi là (1) hiện đại hóa nền kinh tế; (2) xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; (3) phát triển đô thị và vùng lãnh thổ; (4) phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu; (5) bảo đảm công bằng xã hội và phát triển hài hòa; (6) xây dựng thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.
Thực hiện thành công các trụ cột và chuyển đổi nêu trên, Việt Nam mới có thể đạt tới mục tiêu phát triển tham vọng vào 2035.
Trên đường phấn đấu vươn lên, Việt Nam không chỉ cần tận dụng các tiềm năng và lợi thế đang mở ra, mà còn phải vượt qua các rào cản nội tại để không phát triển theo cung cách như trước, hay về cơ bản như trước, theo “mô hình cũ”, “cung cách cũ”. Cách làm "nói nhiều, làm ít" sẽ làm cho Việt Nam không thể vượt lên mạnh mẽ, vượt qua được "bẫy thu nhập trung bình" và cũng khó bắt kịp các tấm gương đi trước một số năm về kinh tế như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, hay Trung Quốc… Đó không chỉ là về mức GDP/GNI bình quân đầu người, mà còn về nhiều tiêu chí thành tố khác, nhất là về năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Để giải quyết tình hình này không chỉ là tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật mà quan trọng hơn là phải vượt qua các rào cản về chính trị theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả các vấn đề về sự lạc hậu trong tư duy phát triển, trong đó có nhiều quan điểm sai với chính các quan điểm đổi mới đã được xác định; truyền thống làm ăn "bình bình", "ăn theo"; và tâm lý không muốn có đột phá mạnh mẽ, có liên quan đến truyền thống bắt nguồn từ tư tưởng cổ hủ, ngại va chạm và sợ mất "chỗ đứng"…
Bài viết này muốn góp thêm một số ý tưởng để ngõ hầu tìm một cách lý giải để nhận dạng rõ hơn về các rào cản, góp phần tháo cởi các ràng buộc, xây dựng con đường tạo ra đột phá phát triển.
II. Rào cản tầm nhìn và tư duy phát triển
Đây có thể nói là rào cản lớn nhất.
Trong rất nhiều năm, chúng ta tự hào là Việt Nam phát triển theo con đường "tự tìm kiếm, tự khai phá", nhưng bản chất là sửa đổi mang tính chắp vá, thiếu hệ thống những gì đã học từ mô hình xô viết và cải cách ở Trung Quốc, và thậm chí cả của các nước phát triển. Hơn nữa, những tìm kiếm từ thực tiễn trong những năm Đổi mới chủ yếu mới liên quan đến tầm vi mô, còn các quan điểm phát triển và tầm nhìn toàn cầu dường như chưa đụng chạm tới bao nhiêu (?). Dường như còn rất nhiều lúng túng giữa tư duy về chế độ công hữu và nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, mặc dù Đại Hội X của Đảng đã có biểu quyết hướng tới quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp.
Trong điều kiện thiếu giao lưu thông tin khi đất nước còn chia cắt, người ta có thể "thông cảm" việc định ra đường lối công nghiệp hóa kiểu cũ dựa vào ưu tiên phát triển công nghiệp nặng năm 1960 một cách thiếu cân nhắc về bước đi, khi đất nước chưa có đủ các điều kiện tiền đề về tích lũy nội bộ về nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế vượt trội và cả do những khó khăn trong điều kiện chiến tranh.
Vào năm 1991, tại Đại hội Đảng lần thứ VII sau thống nhất đất nước 15 năm, Việt Nam đã bắt đầu nhìn rộng ra thế giới và ngay trong điều kiện chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội đã đặt mục tiêu "ổn định và phát triển kinh tế - xã hội để năm 2000 đạt mức GNP bình quân vượt 400USD/người và hơn thế xác định mục tiêu sau 30 năm sẽ hoàn thành công nghiệp hóa (như kiểu "Malaysia 2020"), tuy chưa hình dung cụ thể bằng một đề án hay chương trình chi tiết.
Nhưng thế giới vận động liên tục nên việc đặt mục tiêu “cứng” theo GDP/GNP để "đo thịnh vượng" cũng có những bất cập. Năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu Đổi mới, mức chuẩn thu nhập thấp với GNP bình quân chỉ là 400USD/người, nhưng đây phải là chỉ tiêu "động" và thế giới đang tiến bước. Năm 1990 ngưỡng này đã tăng lên 620USD/người, tức là khi Việt Nam tiến bước, thế giới cũng vẫn tiếp tục tiến lên. Năm 2000 Việt Nam đạt "mục tiêu" GDP bình quân 400USD/người, thì chuẩn nước nghèo của thế giới đã vượt lên 755USD/người và nay là hơn 1000 USD/người.
Khi Liên Xô và hàng loạt nước XHCN Đông Âu gặp trục trặc và sụp đổ, thì cách "an toàn" là thực hiện “đổi mới”, mô phỏng phần nào "cải tổ" (Перестройка - perestroika) của Liên Xô thời bắt đầu chuyển đổi, nhưng không theo tư duy "công khai hóa và minh bạch hóa" (Гласность - glasnost).
Việt Nam không dùng thuật ngữ "cải cách - mở cửa" như của Trung Quốc mà dùng thuật ngữ "đổi mới", nhưng làm từng bước một. Những cuộc khảo sát thực tế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở trong và ngoài nước, cùng chủ trương "nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật", "tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan" của Tổng Bí thư Trường Chinh là cơ sở để có một văn kiện được biên tập lại, đổi mới rõ nét.
Những cải cách đã diễn ra sau đó chủ yếu lại là "bước lùi" so với đường lối tiến thẳng lên CNXH. Chung ta dỡ bỏ các rào cản của cơ chế bao cấp cũ, mà một phần lý do là vì Nhà nước “tuột tay” không còn nắm giữ trực tiếp đủ lực lượng vật chất như trong chiến tranh. Câu nói nổi tiếng nhất của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó là "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu!" để công khai thừa nhận tình trang "xé rào" của nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực.
Kinh tế phục hồi và Việt Nam chuyển từ tình trạng nhập lương thực sang xuất khẩu gạo ngay năm đầu bỏ chế độ cung cấp định lượng và tình trạng ngắn sông cấm chợ. Lạm phát phi mã (năm 1986 là 774%) được khống chế ngoạn mục... Đó có thể hiểu là cách làm riêng có Việt Nam chăng?
Một câu hỏi được đặt ra rất nghiêm túc. Dường như ở Việt nam chưa tìm được tư duy lý luận hiện đại đi cùng thời đại, làm cản trở các đổi mới. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, Việt Nam lại không học theo tư tưởng "mèo trắng-mèo đen, miễn là bắt được chuột" của Đặng Tiểu Bình, nên còn rụt rè trong Đổi mới, nhiều khi bị mắc vào sự lệ thuộc mang tính kinh viện.
Khi cần biện minh cho một quan điểm nào đó, để cho có "cơ sở khoa học" thường lại trích dẫn "có chọn lọc", thậm chí cắt khúc các câu nói, bài viết của các nhà cách mạng xưa nay, nhưng đã bỏ qua một thực tế là: Nhiều quan điểm đã được vận dụng sai, một số khác nay không còn thích hợp vì thế giới đã thay đổi, thậm chí có luận điểm dường như còn thô sơ, thậm chí chưa chuẩn ngay từ đầu. Kết cục là chúng ta lâm vào tình trạng tránh khuyết tật này lại bị mắc vào lầm lẫn khác.
Một câu hỏi được đặt ra rất nghiêm túc. Dường như ở Việt Nam chưa tìm được tư duy lý luận hiện đại đi cùng thời đại, làm cản trở các nỗ lực đổi mới, thường để "an toàn" lại đi với tốc độ tương đối chậm (so với các nước có cùng trình độ phát triển thời kỳ tăng tốc) và có lúc mất định hướng cải cách triệt để?
Phải chăng các mục tiêu phát triển đất nước hiện nay, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội lại dựa vào các học thuyết của Liên Hợp Quốc, có nguồn gốc "tư bản" như xóa đói giảm nghèo, người yếu thế, không ai bị bỏ lại phía sau, cải cách thể chế... và như vậy có gì “chệnh hướng” hay đang “hội nhập”?
Có thể lý giải rằng, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cần phải tiếp thu toàn bộ tinh hoa của nhân loại, mà không thể chỉ "cố gắng", "chọn lọc" để "quy chiếu" với lý luận của riêng Việt Nam và sau đó "dẫn chiếu" các tư duy phát triển hiện đại của nhân loại về các điều đã được nói, nhằm biện minh cho các Nghị quyết hay lý luận kinh điển này khác.
Dĩ nhiên, mỗi nước cần căn cứ vào đặc điểm đặc thù của đất nước mình để lựa chọn con đường phát triển thích hợp nhất. Nhưng cái đặc thù không thể lấn át cái phổ quát của văn minh nhân loại thời nay. Một khi coi cái đặc thù của riêng mình cao hơn cái phổ quát của nhân loại thì làm sao thực hiện hội nhập thành công trong thế giới ngày nay.
Điều đó sẽ làm cho tầm nhìn của chúng ta bị hạn hẹp. Khi nhận thấy rất khó đạt được mục tiêu "công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" đề ra từ 30 năm trước, thì lẽ ra phải nêu nhiệm vụ kiên trì phấn đấu cho mục tiêu có điều chỉnh theo hướng “hiện đại hóa”, liên tục phát triển. Thế nhưng, một khi sửa thành "sớm" đạt được mục tiêu CNH-HĐH thì thật là rất “khó”. Thật vậy, sau 20 năm nữa, chỉ riêng chỉ tiêu về thu nhập, dẫu có tăng trưởng nhanh nhất, Việt nam cũng chưa chắc có chỗ đứng vững chắc trong Nhóm nước trung nhập trung bình cao ở tiêu chí hiện tại (cần tăng 6 lần mức thu nhập hiện nay, hay là tốc độ bình quân tăng GDP là 9%/năm). Đó chưa nói tới các mục tiêu đa dạng khác…
Trong khi, theo các dự báo của chuyên gia Việt Nam và quốc tế, trong điều kiện tốt nhất, 20 năm nữa Việt nam có mức thu nhập bình quân cũng chưa bằng Maylasysia năm 2016, mà nước này đến năm 2020 mới mong trở thành nước công nghiệp với đầy khó khăn. Như vậy, chữ "sớm" trong mục tiêu CNH theo hướng hiện đại dường như trở nên khó khả thi?
Một khi muốn thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để năm 2018 có thể thi hành đầy đủ các cam kết trong WTO, nhưng Luật về Hội vẫn bị lùi vô thời hạn và sau 40 năm sau chiến tranh và thống nhất đất nước, tinh thần hòa giải, đại đoàn kết toàn dân tộc dường như vẫn còn gặp trở ngại.
Hệ quả là, với sự lạc hậu về tư duy lý luận, có phần chắp vá làm cho tầm nhìn phát triển cũng bị hạn hẹp. Một khi Việt nam chỉ muốn làm theo cách của riêng mình, thì làm sao có thể kế thừa các thành tựu của văn minh nhân loại để trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời đại thế giới cùng chung vận mệnh trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và cách mạng công nghệ 4.0 tiến nhanh như vũ bão?
Trong các Nghị quyết và hy vọng của nhiều người dường như có thể xây dựng nền kinh tế thị trường “nhân văn” theo định hướng XHCN ngay trong điều kiện kinh tế lạc hậu (nghèo trong công bằng). Vậy hy vọng này có khả thi không? Câu trả lời thật khó, riêng tôi chưa lý giải được!
Hãy phân tích tình hình phức tạp hơn. Từ nền kinh tế bao cấp, có thể xây dựng nền kinh tế thị trường “nhân văn” như vậy được không? Hơn thế, cũng cần trả lời sòng phẳng câu hỏi, có một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập nào mà trong bản chất của nó có thể là XHCN hay mang tính định hướng XHCN để có được nền kinh tế thị trường vận hành thông suốt trong hội nhập và cạnh tranh gay gắt? Câu hỏi này tôi chưa có câu trả lời.
Dường như, nếu ta cứ loay hoay tìm định hướng XHCN để gán ghép từ đầu vào nền kinh tế thị trường (mà lại là thị trường hiện đại, hội nhập) thì cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, làm chậm việc mục tiêu tốt đẹp này.
Theo tôi hiểu, các nghiên cứu của Hội đồng lý luận trung ương cũng cho thấy, các nước đều phải phát triển mạnh mẽ hết cỡ nền kinh tế thị trường. Chỉ có thể trong quá trình và nhất là sau khi đã phát triển mạnh mẽ, sẽ “xuyên qua đó” để tiến hành các bước tăng cường tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường.
Nói rộng ra, nền kinh tế hoạt động thông suốt chủ yếu phụ thuộc vào các quy luật kinh tế khách quan, bảo đảm cho phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực, kết hợp hiệu qủa các nguồn tài lực, vật lực, nhân lực...Như vậy, các nhân tố chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ ngày càng có giá trị quyết định tới năng suất lao động.
Các vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia, vấn đề phân phối và phân phối lại theo quan điểm phát triển nền kinh tế hài hòa, bao trùm (inclusive) chỉ có thể gắn vào xây dựng nền kinh tế, chứ không thể chia trước cái bánh khi chưa làm cái bánh nó to ra vì mọi người.
Trong khi đó, hiệu quả của nền kinh tế có thể nâng cao thêm đòi hỏi xử lý đúng đắn các quan hệ về lợi ích (dựa trên các quan hệ sở hữu, không chỉ vốn đóng góp mà cả đóng góp của sức lao động và sở hữu trí tuệ) liên quan vấn đề công bằng trong phân phối.
Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện định hướng XHCN, cần ngay từ đầu chú ý tới xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, có khả năng xử lý các quan hệ hài hòa về lợi ích trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.
Quan điểm về phát triển hài hòa cho phép thực hiện tốt hơn nền kinh tế thị trường hiện đại. Đương nhiên cần chú ý các tầng lớp yếu thế, nhưng cũng vì toàn xã hội mà phải có sự phát triển đất nước trong cạnh tranh toàn cầu.
Nếu chỉ chú ý đến người nghèo, người yếu thế, thậm chí phân phối “công bằng” trước khi chưa rõ nền kinh tế có khả năng cung ứng bao nhiêu, thì cuối cùng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sẽ rất yếu. Tình trạng nợ công tăng nhanh vừa qua cũng có nguyên nhân từ việc quyết định chi khi không rõ ngân sách có bao nhiêu, nên lúng túng cân đối.
Do đó, trước khi nói về quan điểm “hài hòa”, không chỉ chú ý người yếu thế, mà cần chú ý tất cả các giai tầng xã hội, trung lưu, người nghèo, người giầu... để phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Từ đó có thêm nguồn lực để phân phối công bằng. Đó chính là việc coi con người là trung tâm của sự phát triển. Như vậy, vấn đề là giải bài toán ăn chia trước cái bánh bé, hay là giải bài toán làm sao cho cái bánh to ra, để ai cũng có phần hơn.
Nhân dịp này, xin nhấn mạnh các kiến nghị của Chương 2 trong Báo cáo "Việt nam 2035" liên quan đến phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại (hiện đại hóa nền kinh tế); Tăng cường các nền tảng kinh tế thị trường (Tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Áp dụng nguyên tắc thị trường đối với DNNN, Tăng cường quản trị DNNN, Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế); Hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp (Tạo thuận lợi cho việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn; Tạo thuận lợi cho sử dụng nguồn nước, hiệu quả và bền vững hơn; Cải cách triệt để các dịch vụ khuyến nông; Tăng cường các hệ thống và năng lực quản lý rủi ro về an toàn thực phẩm); Một số ngành chủ yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu (như Công nghệ thông tin và truyền thông gắn kết với các tiến bộ mới nhất của công nghệ, các ngành Giao thông vận tải và hàng hải, logistic và liên kết các phương thức vận tải trong điều kiện mới, phát triển nối kết đa dạng các điểm đến du lịch trong và ngoài nước...).
Đó chính là các giải pháp cụ thể hướng tới xã hội thịnh vượng và công bằng, dân chủ…
(còn nữa)
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt nam VIDERI
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]