Trong các ngày 12 và 13/6, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo kêu oan của bà Dung và kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại của VKSND tỉnh.
Kháng cáo của bà Dung cho rằng mình không phạm tội và vụ án có vi phạm về tố tụng. Phía VKS kháng nghị với nội dung, bản án sơ thẩm chưa xem xét hết trách nhiệm của bị cáo Dung đối với thiệt hại trong vụ án.
Chiều 13/6, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bị cáo Dung mức án 15 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Thời hạn tù được tính từ ngày tạm giam 28/3/2022. Như vậy, cuối tháng 6 này, bà Dung sẽ chấp hành xong án phạt.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, cần áp dụng tình các tiết giảm nhẹ cho bà Dung. Việc bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo án tù 5 năm là quá nghiêm khắc, do số tiền hưởng lợi không nhiều, bị cáo có nhân thân tốt và nhiểu thành tích trong công tác.
Bị cáo có quyền đề nghị xem xét lại bản án
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm: Kết quả xét xử có thể làm hài lòng nhiều người khi chỉ ít ngày nữa, bà Dung sẽ được trở về với đời sống xã hội. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, vụ án này có thể sẽ chưa dừng lại ở đây.
Theo quy định của pháp luật, tòa án xét xử hai cấp, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với nội dung bản án phúc thẩm, bị cáo vẫn có quyền đề nghị Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này và bản án sơ thẩm.
Nếu không đồng ý với kết quả xét xử phúc thẩm, VKSND tỉnh Nghệ an cũng có quyền đề nghị VKSND Cấp cao kháng nghị đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên đối với các bị cáo trong vụ án này.
Luật sư cho rằng, với những người bị giam giữ, khát khao tự do đối với họ là rất lớn. Trong những vụ án hình sự mà bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt ở cấp phúc thẩm mà được tòa án chấp nhận thì đó là niềm vui vô bờ bến đối với bị cáo.
Tuy nhiên, đối với người kêu oan, việc được tòa án cấp phúc thẩm giảm án, chưa chắc họ đã hài lòng.
Về nguyên tắc xét xử hai cấp, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét đối với phần bản án mà tòa án sơ thẩm đã xét xử và có kháng cáo hoặc kháng nghị.
Thực tiễn cho thấy, với những vụ án hình sự phúc thẩm mà bị cáo kêu oan, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét họ có oan hay không chứ ít khi giảm mức hình phạt.
Nếu tòa án cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án oan thì tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa bản án để tuyên bị cáo không phạm tội, hủy bản án hình sự sơ thẩm để đình chỉ giải quyết hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, điều tra lại...
Theo luật sư, nếu so sánh kết quả xét xử sơ thẩm với kết quả xét xử phúc thẩm thì thấy rằng, tòa án hai cấp đều xác định các bị cáo phạm tội, xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.
Tuy nhiên, quan điểm về áp dụng pháp luật của hai cấp tòa án là khác nhau. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, với những tài liệu chứng cứ đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa sơ thẩm thì bị cáo phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, Điều 356 bộ luật hình sự.
Trong khi đó, tòa án cấp phúc thẩm lại không áp dụng tình tiết "phạm tội 2 lần trở lên" nên đã xét xử bị cáo ở khoản 1, Điều 356 BLHS.
Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Đối với bản án này, dù bị cáo kêu oan, VKS đề nghị hủy án để tăng trách nhiệm hình sự, nhưng tòa án lại xét xử theo hướng có tội và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là bản án "hiếm gặp" và sẽ không tránh khỏi những quan điểm khác nhau.