- Bà Hạnh day dứt suốt thời gian dài, cố đợi chị Trang trưởng thành và có con rồi mới dám nói ra sự thật. Còn trong lúc đau khổ nhất, chị Trang từng nghĩ: ‘Nếu đã giấu được hơn 40 năm rồi, sao mẹ không cố giấu đến cùng?’
Giây phút biết mình không phải con đẻ của mẹ, chị Trang không tin đó là sự thật. “Tôi thực sự rất sốc. Nhưng đến khi bình tĩnh lại, tôi biết đó là sự thật, chỉ là tôi chưa chấp nhận được thôi” - chị Trang bật khóc.
‘Sao mẹ không cố giấu đến cùng?’
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, trú tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) nhận nhầm con ở nhà hộ sinh cách đây 42 năm tiếp tục là chủ đề nóng.
Sau hơn 40 năm chôn giấu bí mật với tâm niệm “sống để bụng chết mang theo”, bà Hạnh đã đem sự thật kể lại cho chị Trang. Dẫu biết sự thật cay đắng sẽ làm tổn thương không ít người nhưng niềm khát khao được nhìn con đẻ trước khi “nhắm mắt xuôi tay” và cảm giác tội lỗi khi không để con gái tìm về nguồn cội đã không cho phép bà giữ kín.
“Hôm đó là buổi chiều ngày 10/10/2015, đúng sinh nhật thứ 41 của tôi. Mẹ gọi tôi vào nhà nói chuyện. Mẹ bảo khi sinh mẹ nhận nhầm con ở nhà hộ sinh, tôi không phải con đẻ của mẹ, sau đó còn giải thích rất nhiều là tại sao mẹ phải nói, tại sao cho đến bây giờ mẹ mới nói,… Tai tôi ù đi, nước mắt cứ thế chảy ra” - chị Tạ Thị Thu Trang - người con bị bà Hạnh nhận nhầm tại nhà hộ sinh 42 năm trước - kể lại trong nước mắt.
Chị Trang bật khóc khi kể về câu chuyện éo le của mình và gia đình. |
Không tin đó là sự thật, lúc đó chị Trang bật khóc, kêu gào và không muốn nghe một lời nào nữa từ mẹ mình.
“Tôi đã giận mẹ lắm. Vì nếu đã giấu được hơn 40 năm rồi sao mẹ không giấu đến cùng? Nhưng rồi mẹ và các chị phân tích cho tôi hiểu, rằng bất đắc dĩ mẹ mới phải giấu, mẹ sợ nói ra rồi sẽ mất tôi. Mẹ vẫn luôn chờ đợi đến khi tôi có con, hiểu được tấm lòng của người làm cha, làm mẹ rồi mới nói ra. Mẹ khát khao được một lần gặp con đẻ và cũng muốn tôi tìm về cội nguồn”, chị Trang gạt nước mắt tâm sự.
Câu chuyện chị không giống ai trong gia đình đã bị các bạn học và hàng xóm xì xào.
“Lúc tôi học lớp 5 có bạn trong lớp nói là tôi bị nhầm mẹ, mẹ Hạnh không phải mẹ đẻ. Khi nghe thế tôi đã khóc. Về nhà tôi hỏi nhưng mẹ nói không bao giờ có chuyện đó. Tôi lại thắc mắc sao con không giống ai, mẹ chỉ nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng và nói con giống các dì. Nghe câu nói đó của mẹ tôi không còn khóc nữa” – chị Trang kể và cho biết sau ngày đó, câu chuyện không giống ai trong gia đình đi vào quên lãng.
Chị Trang (phải) và em gái Tạ Thị Thu Vân (con đẻ bà Hạnh) |
Bản thân chị, từ khi lớn lên cũng thấy mình khác với các anh chị em từ ngoại hình đến tính cách. Nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến trường hợp mình không phải là con của mẹ Hạnh, dù chỉ một lần.
Tìm lại con đẻ cho mẹ
Trong câu chuyện của bà Hạnh, có thể thấy bà đã phát hiện sự nhầm lẫn này từ rất lâu.
Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà chuyển dạ tại nhà hộ sinh Ba Đình (Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội, nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực) và sinh ra một bé gái. Sau khi chào đời, con gái bà được đánh số vào chân cùng một số với mẹ là 33 rồi chuyển ra ngoài chăm sóc. Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy, số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là số 32.
Biết có sự nhầm lẫn, bà và chồng nhanh chóng tìm các bác sĩ, y tá để hỏi nhưng được giải thích rằng, do lúc tắm cho bé, số 33 bị mờ, mất móc nên biến thành số 32 chứ không phải nhầm con. Vì những đứa trẻ cận kề số đều đã được gia đình đưa về nhà lại không thể thắc mắc thêm với bác sĩ nên vợ chồng bà đành ôm đứa trẻ số 32 về nuôi và yêu thương như con ruột của mình.
Nhà hộ sinh 12 Lê Trực hiện nay (trước đây là nhà hộ sinh Ba Đình - nơi bà Hạnh sinh con và nhận nhầm con cách đây 42 năm). |
Năm chị Trang lên 20 tuổi, bà Hạnh đã lẳng lặng lấy móng tay của chị đi xét nghiệm ADN. Kết quả khi đó đã khiến bà mất ăn mất ngủ nhiều ngày tháng. Không tin đó là sự thật, năm 2013 bà lại một lần nữa đi xét nghiệm và kết quả cho thấy, đích thực, bà đã nuôi nhầm con.
“Trong quãng thời gian hơn 40 năm qua, mẹ đã nhiều lần một mình đi tìm con đẻ. Có thời điểm suy sụp sức khỏe và tinh thần nhưng khi con cái hỏi mẹ chỉ bảo đó là bệnh của tuổi già. Trước đó, bố mẹ chưa từng nói một lời về chuyện con giả, con thật… Ngày bố mất, tôi là người cuối cùng ngồi bên cạnh, vậy mà ông cũng không nói nửa lời. Mẹ kể, trước khi mất, bố còn dặn mẹ đến chết cũng không được nói ra sự thật này nhưng vì day dứt quá nên mẹ vẫn nói”- chị Trang thuật lại.
Đau khổ đã nếm, tổn thương cũng đã qua, niềm mong ước duy nhất của chị Trang bây giờ là tìm lại được bố mẹ thật, còn mẹ Hạnh tìm thấy con đẻ.
“Lúc đầu tôi cũng không muốn tìm kiếm làm gì, càng tìm kiếm thì cuộc sống càng đảo lộn. Nhưng được sự động viên của gia đình, tôi hiểu điều quan trọng nhất là tìm lại người con thực sự cho mẹ Hạnh. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này” – chị Trang cho hay.
Nhị Tiến