LTS: Vụ tai nạn ô tô KIA Forte đâm liên hoàn 17 xe máy tại nút giao Võ Chí Công- Xuân La (Hà Nội) chiều ngày 5/4 với lời khai từ tài xế "do nhầm chân ga" đã làm dấy lên trong cộng đồng các câu chuyện kinh nghiệm và bài học kỹ năng lái xe. Lỗi nhầm chân ga xảy ra không hiếm. Vậy, cách nào để tránh sai sót này? Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Lỗi nhầm chân ga, bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng tránh". Mời bạn đọc gửi bài viết về trải nghiệm của mình đến email: [email protected]. Xin cảm ơn!

Sau vụ tai nạn liên hoàn ô tô đâm 17 xe máy ở Hà Nội, hầu hết các ý kiến trên các diễn đàn người dùng xe cho rằng, tình huống tài xế đạp nhầm chân ga gây ra tai nạn không phải là vấn đề mới.

Trao đổi với PV VietNamNet, anh Phạm Thành Lê, admin của diễn đàn Otofun: "Khi người tài xế đang không thật sự tập trung vào việc điều khiển phương tiện giao thông, cộng thêm yếu tố tác động bên ngoài dễ khiến họ bị giật mình, không nhớ chân mình đang đặt ở vị trí nào nên dễ dẫn đến việc đạp nhầm chân ga."

Chuyên gia đào tạo đua xe Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ thêm: Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Mỹ (NHTSA) đã nhấn mạnh vấn đề nhầm chân ga là một "Lỗi bàn đạp". Các va chạm do lỗi bàn đạp có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an toàn cho người ngồi trong xe, những người lái xe xung quanh, người đi bộ và tài sản.

Đáng chú ý, những sự cố này xảy ra thường xuyên nhất ở những phương tiện đang di chuyển ở tốc độ rất thấp, nhưng tình huống sẽ phát triển nhanh chóng khiến người lái xe giật mình và dễ mất kiểm soát trước khả năng tăng tốc bất ngờ của xe.

Nữ tài xế đạp nhầm chân ga khiến xe lao xuống Hồ Tây chiều ngày 1/4 vừa qua. (ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước đó ít ngày, một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại khu vực Hồ Tây (Hà Nội) khi một người phụ nữ trẻ nhấn nhầm chân ga khiến xe lao thẳng xuống hồ. May mắn, vụ việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Một nghiên cứu cũng chỉ ra những người lái xe dưới 20 tuổi hoặc trên 65 tuổi hay gặp phải các vụ va chạm do lỗi bàn đạp thường xuyên hơn khoảng 4 lần so với các nhóm tuổi khác.

Điều đó cho thấy sai lầm đạp nhầm chân ga có thể xảy ra với bất cứ tài xế nào, kinh nghiệm lái xe lâu năm và lão luyện không giúp ích nhiều trong việc giảm thiểu rủi ro này. Vì vậy, dưới đây sẽ là một số tư vấn để trách bị nhầm chân ga khi lái xe.

Tư thế ngồi lái thoải mái

Tư thế ngồi thoải mái giúp việc xoay xở bàn chân linh hoạt hơn.

Khi bước lên xe, hãy điều chỉnh tư thế ngồi lái xe sao cho cảm thấy thoái mái nhất, vị trí đặt chân vào bàn đạp phanh và ga không bị gò bó. Việc ngồi quá gần với vô lăng dễ khiến bàn chân mất đi sự linh hoạt khi chuyển từ chân phanh sang chân ga và ngược lại.

Do đó, với những chiếc xe lần đầu tiên ngồi lên lái, bạn hãy thử đạp sâu chân phanh và chân ga trước khi chuyển sang chế độ lái để tạo cảm giác quen chân cũng như tìm được cho mình tư thế lái xe phù hợp.

Về số N khi dừng xe

Về vị trí N khi đang dừng tạm thời là cách hiệu quả để tránh đạp nhầm chân ga.

Những lúc dừng chờ đèn tín hiệu trong thời gian dài, có khá nhiều tài xế lái xe số tự động vẫn có thói quen vẫn để vị trí số D và đạp phanh. Khi bị phân tâm, người lái thường vô tình bỏ chân phanh và đạp ga, khiến xe lao về phía trước một cách bất ngờ.

Để tránh trường hợp này, các tài xế nên chuyển về số N, có thể giữ phanh chân hoặc kéo phanh tay khi phải dừng xe tạm thời. Như vậy, dù có nhấn nhầm chân ga thì xe cũng không thể đi được.

Cần tập trung khi cầm lái

Tập trung lái xe sẽ hạn chế tối đa những sai lầm khi điều khiển phương tiện.

Khi điều khiển phương tiện, chỉ cần một vài giây xao nhãng cũng có thể khiến bạn phải trả bằng một cái giá rất đắt, không chỉ là tiền mà còn cả chính mạng sống của bản thân và những người khác.

Thế nên, các tài xế cần rèn luyện thói quen tập trung vào việc lái xe, hạn chế sử dụng các thiết bị di động, ăn uống hay lấy đồ. Bên cạnh đó, tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng tới khả năng tập trung. Nếu bạn đang giận dữ hoặc mệt mỏi thì không nên lái xe.

Đi giày dép phù hợp

Việc đi giày dép không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga.

Giày dép ảnh hưởng đến khả năng vận hành xe là điều được nhắc nhiều đến khi bạn bắt đầu học lái xe. Các loại dép như xỏ ngón, ủng nặng hoặc giày cao gót có thể góp phần gây ra lỗi nhầm chân ga. 

Tốt nhất là nên mang giày đế bằng và nhẹ bất cứ khi nào bạn ngồi trên ghế lái. Ngoài ra, kích cỡ giày dép cũng phải phù hợp với bàn chân, tránh đi các loại giày dép quá chật hay quá lỏng cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của đôi chân.

Nắm quy tắc gót chân đặt thẳng bàn đạp phanh

Do vị trí bàn đạp phanh và ga đều nằm ở vị trí bên phải của ghế lái nên để đảm bảo an toàn, tài xế nên chỉ sử dụng chân phải để điều khiển 2 bộ phận này.

Gót chân luôn đặt nhẹ dưới sàn để tạo điểm tựa. Vị trí gót chân luôn thẳng với bàn phanh giúp cho việc chuyển từ chân ga sang chân phanh dễ dàng theo phản xạ tự nhiên và nhanh chóng hơn.