"Nói cho mà biết, ai muốn biết tận sâu cuộc đời ông già Trần Hạnh, thì phải hỏi tôi...", người gắn bó với Trần Hạnh suốt 11 năm qua cho biết.

{keywords}

Diễn viên Trần Hạnh

Khi được phóng viên hỏi, chiếc xe máy cũ kỹ dựng sát tường nhà cụ Trần Hạnh luôn nghĩ nó là 1 món đồ may mắn nhất trần gian.

Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời nó được trả lời phỏng vấn - với tư cách 1 người con lâu năm của Trần Hạnh.

Nó đã chứng kiến quá nhiều đau khổ, tủi nhục, hạnh phúc của Trần Hạnh hơn bất cứ 1 ai. Nói chuyện với chúng tôi, nó liên mồm gọi Trần Hạnh là "ông già" và nói mình là người con trai đặc biệt của ông.

- Xin chào… anh Honda Cub. Lần đầu phỏng vấn, anh run không?

Đừng gọi tôi Honda Cub, tôi thích được gọi là "người con trai đặc biệt của Trần Hạnh" hơn. Tại sao lại biết tôi là con trai ư? Vì tôi cõng bố Hạnh trên lưng, đi khắp nẻo đường suốt 11 năm qua đó. Con gái sao có đủ sức khỏe mà cõng đúng không.

Còn run thì cũng có 1 tý đấy, nhưng cái tôi tiếc hơn là không thể mời nhà báo 1 cốc nước như... người bình thường được. Tôi không có tay chân, chỉ có mỗi cái miệng, nhưng tôi lại thích... uống xăng.

- Ồ, thì rõ chúng ta đang làm cái điều bất thường mà?

Cũng đúng nhỉ. Tôi là xe máy còn anh là người. Nhưng nói cho mà biết, ai muốn biết tận sâu cuộc đời ông già Trần Hạnh, thì phải hỏi tôi.

Ông già tôi ít nói, nên mọi người đôi khi chẳng hiểu ông. Tôi – với tư cách là "một người bạn lâu năm" đã cùng ông trải qua rất nhiều biến cố.

{keywords}

Chiếc Honda Cub gắn bó với nghệ sĩ Trần Hạnh 11 năm.

- Anh gắn bó với nghệ sĩ Trần Hạnh được bao lâu rồi?

Tôi về ở với ông vào 1 ngày đẹp trời năm 2005. Đấy, tới nay, là 11 cái Tết rồi đấy. 11 năm ấy đã đủ để anh tin vào những chia sẻ của tôi chưa nào?

- 11 năm ư? Xin lỗi, tại nhìn bề ngoài, anh trông vẫn trẻ quá, lại còn được bọc yên bằng nilon đen nữa chứ!

Ấy, tôi đã bảo anh tôi là chiếc xe may mắn nhất thế giới rồi cơ mà! Vì sao à? Vì tôi được về ở với ông Hạnh chứ sao. Nói không phải khoe chứ, tôi không phải là 1 cái xe vô tri vô giác bình thường đâu nhé. Xuất xứ của tôi cũng đặc biệt lắm đấy.

- Đặc biệt á, đặc biệt như thế nào?

Nói ra điều này, không biết tôi nên vui hay nên buồn. Năm 2005, khi tôi đang nằm trong cửa hàng bán xe trên phố lớn thì thấy 1 ông lão cùng 1 cô gái trẻ đi vào.

Tôi không hi vọng mình được chọn vì nghĩ 2 bố con đi chọn xe cho cô gái kia, nghĩa là tôi “không có cửa” được chọn đâu.

Ấy thế mà, cô gái rất quyết đoán, lựa chọn tôi ngay mà bỏ qua rất nhiều cái xe đẹp mã khác để tặng cho bố của cô – chính là cụ Hạnh đi cùng cô ấy.

Và tôi về ở với ông từ khi ấy. Về rồi, tôi mới biết, ông là 1 diễn viên, nhưng giản dị lắm. Thật ra ông không thích tôi. Ông thích loại Honda Cub 50 thôi, nhưng cô con gái ông nghĩ tôi tốt hơn, nên cứ yêu cầu ông dùng.

Dù vậy, ông vẫn sử dụng và vẫn rất trân trọng tôi vì đó là món quà mà cô con gái tặng cho ông bằng tiền mồ hôi nước mắt mà cô lao động ở bên Đức.

Sau đó mấy năm thì cô ấy mất, chính ông phải lặn lội từ Việt Nam sang Đức đưa cô về với đất mẹ Việt Nam.

Năm ấy, chứng kiến cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh mà tôi không khỏi đau lòng. Đó là 1 trong số những biến cố lớn từ lúc tôi về ở với ông.

Nhưng cũng từ khi ấy, ông chăm sóc tôi cẩn thận hơn, gắn bó với tôi hơn. Bởi tôi là kỷ vật mà cô con gái quá cố đã gửi gắm lại.

- Sống với ông 11 năm, điều gì khiến anh yêu quý ông?

11 năm trong cuộc đời 1 người khác có thể chỉ là 1 cái chớp mắt, nhưng đối với ông thì đó lại là 1 quãng thời gian ba chìm bẩy nổi.

Tôi về ở với ông, chưa thấy ông thảnh thơi ngày nào cả. Ngày ngày, ông chăm sóc cho cụ bà (vợ nghệ sĩ Trần Hạnh – PV) rất chu đáo. Cụ bà bị tai biến, nằm liệt, không làm được việc gì.

Anh thử tưởng tượng, 1 người đàn ông ở cái độ tuổi “cổ lai hy” vẫn ngày ngày giặt giũ, cơm nước cho vợ một cách chu đáo, ân cần nhất có thể mà chẳng 1 lời phàn nàn, kêu ca.

Nhiều lần, tôi thấy ông lặng lẽ nhìn bà, cái nhìn của ông buồn lắm, buồn đến mênh mang và chứa đầy xót xa, thương cảm. Có những đêm, tôi thấy ông trằn trọc mãi không ngủ, vì ông lo bà thức giấc giữa đêm, lo những cơn đau hành hạ bà.

Ông thì chỉ nghĩ đơn giản đó là việc ông phải làm vì “Biết làm sao được, bà ấy là vợ mình, mình không chăm thì ai chăm!” nhưng tôi thì tôi cho đó là cái nghĩa, cái tình đáng trân trọng của 1 con người đối với 1 con người.

Mà nào có phải ông chỉ chăm sóc mình bà. Ở cái tuổi xế chiều ấy, ông 1 tay chăm bà, 1 tay chăm con. Cậu Kiên, con trai thứ 5 của ông bị tai nạn chấn thương sọ não, nửa tỉnh nửa “ngơ”. Năm ấy, cậu Kiên cũng ngoài 40 rồi.

Nhà có 2 người ốm, ông 1 mình lo tất thảy mọi việc trong nhà. Đi đâu ông cũng quáng quàng về với vợ với con vì lo lắng.

Nhà báo nghĩ mà xem, 1 ông lão ngoài 70, chăm chút cho 2 người bệnh, bằng tất cả tình yêu thương và sự kiên nhẫn, giữa những khốn khó bộn bề của cuộc sống, mấy ai làm được? Ấy vậy mà ông vẫn sống, vẫn đi diễn, vẫn tự tìm thấy được niềm vui cho mình.

Ông chẳng bao giờ oán hận cuộc đời, mà luôn cho rằng “trong cuộc sống, mọi thứ diễn ra đều rất bình thường: người sướng người khổ, kẻ ốm yếu, người khoẻ mạnh là lẽ đương nhiên, giống như mặt trời mọc xong thì lặn vậy”.

- Toàn những chuyện buồn, vậy mà cậu cứ nói cậu là cái xe may mắn nhất trần gian?

Ô hay! Tôi được sống cùng 1 người nghệ sĩ được cả xã hội yêu mến, 1 người đàn ông trọng nghĩa trọng tình, được ông nâng niu chăm chút, lại chẳng phải là điều may mắn ư?

Này anh xem, từ những anh xe đời mới, đắt tiền như SH, Liberty, Vespa… làm gì có ai được theo chân ông đi đóng phim, được cùng ông đi lấy hàng cho con dâu. Làm gì có ai vẫn còn được cưng chiều, vẫn còn được sử dụng sau 11 năm như tôi.

Đấy là còn chưa kể, tôi từng làm ông bị ngã đau, gãy cả xương vai, mà ông vẫn không giận, không quan niệm tôi “đen” mà vẫn sử dụng, vẫn chăm chút tôi nhé!

Lần ấy, ông đi diễn về giữa đêm, trời mưa, đường lại trơn, tôi bám đường không tốt lắm nên ông ngã. Người ta đưa ông vào viện, chẩn đoán ông bị gãy xương vai.

Thế mà bác sĩ không cho mổ để xếp lại xương, vì tuổi của ông cao quá rồi, người ta sợ biến chứng! Khốn khổ vậy đấy! Tôi đã nghĩ: Thế là hết, tôi đã gây ra 1 tội tày đình. Ông bị như vậy, từ nay tôi sẽ bị xếp xó, hoặc bị bán đi!

Ấy vậy mà ông về nhà, tự tìm thuốc lá để bó vào vai, thế mà lại khỏi nhé! Bây giờ, vai của ông chỉ còn hơi lệch 1 chút thôi, chứ ông lại khỏe mạnh bình thường rồi đấy!

Và ông lại cùng tôi thong dong đi diễn, đi lấy hàng cho cô Hồng (con dâu thứ 2 của nghệ sĩ Trần Hạnh – PV).

Ông quý cô Hồng nhất nhà, vì cô hiếu thảo lắm! Là con dâu, nhưng khi bà cụ ốm, cô ngày ngày giúp ông chăm sóc bà. Những hôm ông phải đi diễn xa, cô không nề hà gì, làm mọi việc để ông yên tâm.

Thế nên, khi rảnh rang, ông thường tạt qua trông cửa hàng giúp cô, còn đi lấy hàng giúp cô nữa. Mà nhắc tới việc đi lấy hàng, tôi kể anh nghe, buồn cười lắm!

Những hôm ông lên chợ lấy hàng hộ cô Hồng, có những bà, những cô nhìn thấy, họ túm lấy ông, trêu chọc.

Tính ông hiền lành, nên nghe họ trêu: “Sao bố không đi làm diễn viên mà lại đi buôn thế này!”, ông chỉ cười rồi len lén kéo sụp mũ xuống. Ai trêu gì, ông cũng chỉ biết cười xòa.

Ấy thế mà nụ cười hiền lành, chất phác của ông lại “hiệu quả” lắm nhé! Họ thấy ông cười, họ cũng cười, rồi… “tha” cho ông.

Đấy, anh xem! Tôi được chứng kiến những điều ấy, chả phải may mắn là gì?

- Anh cho tôi hỏi thật, nghệ sĩ Trần Hạnh không dư giả gì, có khi nào cậu ước được ở với nhà có điều kiện hơn không?

Này, xin lỗi anh, tôi và ông già tôi chưa bao giờ thấy mình thiếu thốn nhé! Nói thực, ông thì không dư giả gì đâu, nhưng cũng chẳng đến mức như mọi người nói.

Mỗi tháng, ông nhận lương hưu từ Nhà hát Kịch Hà Nội, đâu chừng hơn 3 triệu đồng ấy. Thỉnh thoảng ông cũng đi đóng phim, có chút cát-xê nữa. Với số tiền ấy, ông cháu tôi vẫn sống thoải mái mỗi ngày. Có ngày, ông còn chả tiêu hết 100 nghìn!

Ông không thích mua đồ đạc mới, không thích sắm sửa quần áo mới, thế là người ta gán cho ông nghèo, ông khổ! Nhưng ông chẳng nghĩ vậy, ông hài lòng với cuộc sống như bây giờ. Và tôi cũng vậy!

- Chẳng lẽ, anh không có điều gì phiền lòng về nghệ sĩ Trần Hạnh?

À, thì cũng có! Đó là cái thói quen hút thuốc của ông! Anh biết không, hơn 80 rồi, mà mỗi ngày ông hút những 2 bao thuốc! Sức khỏe nào chịu cho nổi! Tôi bực lắm! Muốn khuyên can ông mà đâu có được!

Nhưng anh ạ, nói thì nói vậy, chứ tôi cũng chẳng nỡ ép ông bỏ thuốc. Thú vui tuổi già của ông, chỉ có là chiều chiều, ra đầu ngõ, ngồi uống cốc bia hơi và hút thuốc, trò chuyện cùng bà con lối xóm.

Phải bỏ đi cái gì cũng không đành! Tôi chỉ mong ông già tôi hạn chế hút thuốc đi, vì nó có hại lắm! Ông cũng nhiều tuổi rồi.

Theo Trí Thức Trẻ