- Vì sao ca sĩ trẻ ở trong nước hát bolero khá nhiều nhưng lại không xuất hiện ngôi sao ghi dấu ấn, theo ông?
Nhạc sĩ Hàn Châu: (Cười) Những người trẻ hôm nay đi theo nhạc trẻ chứ đâu có đi theo nhạc “có tuổi” mà ghi được dấu ấn? Họ hát cũng chỉ là hát vậy thôi, chứ không diễn cảm đạt yêu cầu.
- Ông muốn nói nhiều ca sỹ trẻ hát bolero theo trào lưu?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Họ cũng muốn “chơi” bolero, cũng “trả bài” được nhưng hồn phách không có, ngân nga kém.
- Để trình bày một ca khúc bolero thành công cần những yếu tố nào, theo nhạc sỹ?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Thứ nhất, anh phải thả hồn vào bài hát. Thứ nhì, anh phải biết ngân nga một cách mềm mỏng. Rồi anh phải nhả cái lời cho đúng. Bắc ra Bắc. Nam ra Nam. Có nhiều người hát ba hồi giọng Bắc, lại thình lình cài cắm thêm chút giọng Nam. Nhưng cái dở nhất vẫn là nhiều ca sĩ trẻ hiện nay không ngân được.
Nhạc sĩ Hàn Châu (Ảnh:Internet) |
- Vì sao các ca sĩ trẻ không ngân nga, luyến láy tốt, theo ông?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Vì ca sỹ trẻ hiện nay không dành nhiều thời gian tập bài. Họ thấy người ta hát vậy thì hát theo. Song thực tế ca sỹ lớp trước ngân nga, luyến láy ngọt ngào. Lớp trẻ hát theo vui vui vậy thôi, kỹ thuật không có.
- Nhạc sĩ đánh giá thế nào về Lệ Quyên, nữ ca sỹ được cho là đã làm mới nhạc bolero?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Cô ấy đã trở thành một hiện tượng. Một ca sĩ đi từ nhạc trẻ qua bolero cũng là một điều gây chú ý.
- Với nhạc sĩ Hàn Châu, ưu điểm của Lệ Quyên khi hát bolero?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Cô ấy hát lạ nên thu hút và thành hiện tượng. Nhưng giá như cô ấy luyện ngân cho tròn, cho mềm mại, luyến ngọt hơn, không bị gãy thì sẽ còn thành công hơn nữa.
Giọng hát Lệ Quyên ghi điểm trong những sáng tác mới dành cho giới trẻ và cả những ca khúc xưa (Ảnh: Internet) |
- Thế hệ ca sĩ sau 75 hát bolero, theo nhạc sĩ, có những gương mặt nào đáng kể?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Ca sĩ trẻ ở trong nước thì nhiều người chưa đạt. Còn hải ngoại thì Như Quỳnh và một số ca sĩ khác hát cũng tốt.
- Bolero có mùi “sến” không, theo ông?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Người ta bảo bolero là “sến” chẳng qua là nói theo kiểu miệt thị lẫn nhau. Nhạc sĩ viết dòng này miệt thị nhạc sỹ viết dòng kia. Theo tôi, không có nhạc nào “sến” cả. Âm nhạc được cấu trúc trên 7 nốt: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Sao nói nhạc này “sến”, nhạc kia không “sến”?
- Bài “Hạ thương” của Hàn Châu được khá nhiều ca sĩ lựa chọn thể hiện. Ông “chấm” ca sĩ nào?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Hương Lan cũng hát. Ngọc Sơn cũng hát… Ai cũng có điểm mạnh riêng. Nhưng tôi chọn Như Quỳnh. Tôi nghe Như Quỳnh hát, tôi thích.
Như Quỳnh trình diễn "Hạ thương" của Hàn Châu trên sân khấu hải ngoại (Ảnh: Internet) |
- “Thành phố sau lưng” là một ca khúc nổi tiếng của ông từ trước 75, bây giờ có còn được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Tôi không theo dõi. Thời kỳ dịch thế này, cả ngày tôi xem ti vi, rồi phổ mấy bài thơ của một số tác giả cho vui, thế thôi.
- “Lạy Phật Quan Âm” cũng là một ca khúc “ăn khách” của ông. Tại sao ông sáng tác thành công ca khúc có màu sắc Phật giáo?
Nhạc sĩ Hàn Châu: Người ta đặt bài tôi viết, đưa tài liệu cho tôi tham khảo. Tôi viết mấy ca khúc liền, không chỉ “Lạy Phật Quan Âm” đâu.
Theo Tiền Phong
Phan Đình Tùng không áp lực khi chuyển sang hát Bolero
"So với anh Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên, những người đã quá thành công trước đó thì Phan Đinh Tùng đến với bolero trễ hơn, nhưng không vì thế mà tình yêu không bằng', nam ca sĩ chia sẻ.