Nhà hát Tuổi trẻ vừa ra mắt vở nhạc kịch Zorba - Chú mèo thám tử (tên gốc: Cat Zorba), đánh dấu sự hợp tác với Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế dành cho thiếu nhi và gia đình.

Sức mạnh của lòng can đảm và trí tuệ tập thể

Vở nhạc kịch được chuẩn bị suốt 2 năm, quy tụ 50 nghệ sĩ biểu diễn, nhà sáng tạo, chuyên gia kỹ thuật sân khấu... chính thức công diễn ngày 14 và 15/9.

Zorba - Chú mèo thám tử kể câu chuyện phiêu lưu của thám tử Zorba tại vương quốc mèo Ypres - vùng đất do nữ hoàng Freya trị vì, tể tướng Pitha với những tham vọng đen tối, luôn tìm cách chia rẽ hòa bình tại vương quốc để thâu tóm quyền lực. Tâm điểm của câu chuyện xảy ra khi Hoàng tử Ode - con trai của nữ hoàng Freya đã phải lòng Mimi - một cô mèo ở thế giới loài người.

Sự việc bị Pitha lợi dụng và can thiệp khiến cho vương quốc mèo phải đối mặt với những sóng gió và hiểm nguy. Thám tử mèo Zorba, với lòng dũng cảm và mưu trí, đã cùng bạn bè vượt qua thử thách, đánh bại mọi âm mưu của tể tướng Pitha, khôi phục hòa bình giữa thế giới loài mèo và loài người.

Zorba   Chú mèo thám tử (77).jpg
Phần âm nhạc của Zorba - Chú mèo thám tử được sáng tác, thu âm và xử lý hậu kỳ tại Hàn Quốc.

Ông Um Dongyoul - Giám đốc nhà hát SangsangMaru, đồng thời là tác giả kịch bản văn học của Zorba – Chú mèo thám tử cho biết, vở diễn được đón nhận nồng nhiệt tại Hàn Quốc.

Thông qua vở diễn, ê-kíp muốn truyền thông điệp về sức mạnh của lòng can đảm và trí tuệ sẽ giúp mọi người vượt qua những định kiến sai lầm và nỗi sợ hãi vô căn cứ, sự đoàn kết và niềm tin vào những điều tốt đẹp, ngay cả khi đối mặt với nhiều thử thách.

Nỗ lực vượt qua chính mình của nghệ sĩ Việt Nam

Chia sẻ với VietNamNet, đạo diễn nhạc kịch Lee Jong Seok cho biết, vở diễn được giữ nguyên so với bản gốc trình diễn tại Hàn Quốc. Để tạo nên thành công của một vở nhạc kịch thực thụ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các yếu tố như: âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo và thanh nhạc… cùng các phương tiện hỗ trợ và hiệu ứng thị giác ấn tượng nhằm tối đa hóa trải nghiệm của khán giả. Chính vì thế, việc lựa chọn diễn viên đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật nhạc kịch thực sự là một thách thức đối với đạo diễn và đội ngũ sáng tạo.

Ông đánh giá cao tinh thần học hỏi của diễn viên Việt Nam: "Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã không ngừng nỗ lực, từng bước chinh phục những thử thách với tinh thần cống hiến và khát khao mang đến một vở diễn hấp dẫn, gần gũi với khán giả Việt Nam, đặc biệt là khán giả nhí".

nhackich.jpg
Vở nhạc kịch dành cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Trong khi đó, đạo diễn âm nhạc Rhim Seyoung chia sẻ, phần âm nhạc của Zorba - Chú mèo thám tử được sáng tác, thu âm và xử lý hậu kỳ tại Hàn Quốc, các ca khúc được chuyển ngữ và phổ lời Việt với sự tỉ mỉ và tuân theo các tiêu chuẩn cao, đảm bảo cả giai điệu lẫn lời ca đều giữ được tinh thần và ý nghĩa của nguyên tác, phù hợp về ngôn ngữ, hài hòa trong nhạc tính giúp tiếp cận khán giả Việt Nam một cách gần gũi và giàu cảm xúc.

"Khi nhận lời làm đạo diễn âm nhạc cho Zorba – Chú mèo thám tử, tôi đã lên mạng xã hội nghe các bài hát của Việt Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng với bài Si tình của Hoàng Thùy Linh, từ đó tìm hiểu các tác phẩm khác. Âm nhạc không có biên giới, không phân biệt ngôn ngữ... vì thế tôi hy vọng khán giả sẽ cảm nhận được sự hoành tráng, niềm vui, hơi ấm và giá trị quý báu của gia đình mà nhạc kịch mang lại”, đạo diễn âm nhạc Rhim Seyoung bày tỏ.

Trong khi đó, khi tham gia vở diễn với cách dàn dựng chuẩn quốc tế, NSƯT Nguyệt Hằng cho biết gặp không ít thử thách.

“Hiện nay, Việt Nam chưa có nghệ sĩ trình diễn nhạc kịch được đào tạo chuyên nghiệp. Mỗi nghệ sĩ đều theo đuổi một chuyên ngành nên khi thực hiện vở diễn này, ê-kíp rất vất vả để huấn luyện cho diễn viên các kỹ năng khác. Ngược lại, diễn viên cũng phải nỗ lực gấp nhiều lần. Chúng tôi đã chăm chỉ rèn luyện để có một kết quả tốt nhất”, NSƯT Nguyệt Hằng chia sẻ.

Nhạc kịch vẫn là lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát SangSangMaru đã khéo léo lựa chọn phân khúc nhạc kịch gia đình, nơi trẻ em và phụ huynh đều có thể cùng nhau thưởng thức.

Theo NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, với phương châm “nghệ thuật không biên giới”, ông mong muốn mang bộ môn nghệ thuật nhạc kịch chuyên nghiệp tiếp cận gần hơn với khán giả, thể hiện nhiệt huyết và đam mê, lòng tận tụy đối với nghề và ước mơ được cống hiến của các nghệ sĩ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ