Cô con dâu nhà ông bà Cảnh bề ngoài lúc nào cũng ngọt nhạt, một điều “bố cháu”, hai điều “mẹ cháu”. Chỉ có bà Cảnh mới thấm được nỗi khổ tâm trong tim mình.

Bà Cảnh vốn là người phụ nữ hay làm hay làm, thương chồng yêu con. Bà về hưu trước chồng, nên cáng đáng mọi việc nhà. Mấy bố con ông Cảnh không bao giờ phải mó tay vào việc gì, bởi nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ lau li, cơm nước nóng hổi.

Có con dâu rồi, bà Cảnh vẫn giữ nếp sinh hoạt như vậy. Bà thương con dâu bởi “nó đi làm đã mệt rồi”, việc nhà không đáng là bao, vẫn từng ấy công việc, có chăng là thêm vài cái bát, mấy bộ quần áo… Nhất là sau khi con dâu có bầu thì bà cưng như trứng mỏng.

Cháu lớn, đi học mẫu giáo, cũng là lúc sức khỏe bà Cảnh đi xuống do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường. Lúc nào trong người bà Cảnh cũng thấy mệt mỏi, trong khi cả núi việc nhà vẫn tới tay. Con dâu quen thói được mẹ chồng làm hết, nên ngoài giờ làm còn tham gia thể thao ở công ty. Hôm nào về nhà cũng tối mịt.

Bệnh tật, mệt mỏi, cáu gắt, bà Cảnh không tránh khỏi sự cằn nhằn, đá thúng đụng nia, nói bóng gió, so sánh qua lại… Vốn được chiều sẵn, giờ lại bị mẹ chồng cáu kỉnh, sai làm nọ kia, con dâu bà Cảnh khó chịu lắm.

Bực nhất là những hôm vừa đi làm móng tay về, lại phải nhặt rau, rửa bát, hỏng hết. Ngoài ra, giờ cô cũng không được chơi thể thao hay lang thang cùng bạn bè sau giờ làm việc mà phải tất tả đón con mỗi chiều…

Mẹ chồng, con dâu bằng mặt không bằng lòng. Để tỏ thái độ của mình, con dâu bỗng nhiên hóa thành “người trầm lặng” với mẹ chồng. Ngày cô chỉ nói với mẹ hai câu trước lúc đi làm và sau khi về nhà: “Con đi làm đây”, “Con về mẹ ạ”.

Nếu chỉ có hai mẹ con ở bếp, cô hát ông ổng, hoặc ỉ eo rên rỉ khiến bà không chịu nổi. Không chỉ có vậy, cô lại tỏ ra thân mật đặc biệt với bố chồng. Cô cố tình kể chuyện to, cười giòn tan, trêu đùa ông khiến nhiều hôm bà Cảnh nằm trong phòng phát cáu. Không nhẽ lại xông ra làm ầm ĩ. Bệnh tật, ức chế, lại bị con dâu trêu ngươi khiến bà thêm đau tim.

{keywords}
Đã có lúc bà nghĩ, hay mình phải đi thuê nhà, để các con tự sống với nhau (Ảnh minh họa).

Bà Lành cũng mang trong mình nỗi buồn về con trai, con dâu. Nhà chỉ có hai mẹ con, nên ngay sau khi con trai đưa người yêu về ra mắt, bà Lành đã rất thích. Bà quan niệm, nhà neo người, nay có thêm thành viên nữa, bà sẽ có thêm con, cháu cho tuổi già đỡ buồn.

Mặc dù hai gia đình chưa đi lại, nhưng bà đã đưa chìa khóa nhà cho Hằng (người yêu của con), để cô ấy có thể tự do đi về, ngủ lại nhà bà. Vì chuyện này mà bà Lành bị họ hàng nói ra nói vào, rằng bà vẽ đường cho hươu chạy. Có người còn nói: Sao bà phải làm thế khi có nhà đẹp giữa thủ đô, con trai đẹp giai, giỏi giang, sắp tốt nghiệp. Bà định rước nó về để nuôi cả hay sao?

Nghe vậy, bà Lành chỉ cười. Người ngoài không hiểu được hoàn cảnh của mẹ con bà. Bà có cái lý của riêng mình. Song chính sự quá dễ dãi ngay từ đầu đã khiến Hằng không biết điều. Cô thấy mình “cao giá” và cho mình cái quyền được người khác phục vụ.

Thói quen chăm sóc con trai, giờ chăm sóc thêm con dâu chả đáng phàn nàn. Bà Lành thường để các con thoải mái ngủ, tới giờ dậy ăn sáng, đi làm. Chuyện nhà cửa, cơm nước, giặt giũ bà làm hết. Vốn có lương hưu khá cao, lại có tích lũy từ trẻ nên bà không yêu cầu các con đóng góp bất kỳ khoản chi phí sinh hoạt nào. Tự bà nói với chúng: “Các con còn trẻ, lương thấp, tiêu cho bản thân còn không đủ, đừng câu nệ với mẹ”.

Hằng vô tư đón nhận những điều đó và coi như việc đương nhiên. Tới khi có con, bà Lành cũng lại nhận hết phần chăm sóc cháu, mua sắm sữa, bỉm… Chuyện không có gì đáng nói nếu như mâu thuẫn không nảy sinh. Hằng thấy cách chăm con của bà Lành lạc hậu, thấy bà chậm chạp mỗi khi Hằng gọi nhờ bà việc này, kia.

Bà Lành cũng thấy khó chịu khi con dâu to tiếng với mình. Bực nhất là nó luôn mồm nhờ bà việc giặt tã lót, quần áo, lau nhà…, trong khi bà thèm bế cháu thì nó không đưa. Hằng luôn viện lí do: Cháu ngủ, bế nhiều nó bện hơi…

Có hôm bà tức, cháu hết sữa, bỉm không thèm mua. Hằng sẵn bức xúc trong người sau mấy tháng nằm nhà ở cữ, hét toáng lên với mẹ chồng và lu loa gọi điện cho chồng. Con trai bà Hằng chỉ nghe lời vợ, không hỏi kỹ mà trách luôn mẹ, khiến bà Lành khóc thầm.

Tưởng nhà có thêm thành viên mới sẽ vui, ai ngờ có vợ con rồi, con trai bà Lành chỉ biết tới vợ con, không màng tới mẹ. Hễ bà Lành định kể nể thì nó chặn họng: “Mẹ thoáng thoáng lên chút, thời đại nào rồi?”. Ức chế quá, bà sinh ra cả nghĩ, bần thần.

Có hôm bà quên cả nấu ăn cho con dâu, nó lại được dịp “tố” chồng. Đã có lúc bà Lành nghĩ, hay mình phải đi thuê nhà, để các con tự sống với nhau. Nỗi buồn tủi này, bà không dễ nói ra bởi ngay từ đầu bà đã không nghe theo lời khuyên của mọi người.

Những câu chuyện như bà Cảnh, bà Lành không hiếm gặp trong cuộc sống hiện nay. Đã có trường hợp bố mẹ chồng chán đời, đau khổ, trầm cảm vì không dạy được con dâu, thậm chí có người phải nhập viện tâm thần vì nàng dâu.

Theo các chuyên gia tâm lý, người già nên giữ cho mình một chút riêng: Tiền bạc, sức khỏe và cả… tình cảm. Đôi khi phải sống thật lý trí để không rơi vào cảnh quá phụ thuộc vào con trai, con dâu, đi không được ở không xong. Nếu có điều kiện thì để các con sống riêng, ở gần, để chúng tự lập lo cuộc sống của mình.

(Theo NNVN)