Giờ đây, sử dụng nhà vệ sinh trong trường học không còn là ám ảnh đối với sinh viên. Thay vào đó, mỗi lần sử dụng toilet nhà trường, sinh viên sẽ kiếm được tiền để ăn vặt hay chi trả cho các sở thích cá nhân.
Sáng kiến này được đề xuất bởi ông Cho Jae-weon, vốn là giáo sư ngành Kỹ thuật đô thị và môi trường tại Viện Khoa học Công nghệ quốc gia (UNIST). Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực của mình, ông đã nảy ra ý tưởng kết nối nhà vệ sinh với một phòng thí nghiệm sử dụng chất thải để sản xuất khí sinh học và phân bón.
Ông Cho Jae-weon, giáo sư ngành Kỹ thuật đô thị và môi trường, Viện Khoa học Công nghệ quốc gia (UNIST).
Ông Cho đã đặt tên cho loại nhà vệ sinh đặc biệt này là Beevi. Beevi có một máy bơm chân không để đưa chất thải vào bể ngầm, giúp giảm thiểu việc sử dụng nước. Tại đây, các vi sinh vật sẽ phân hủy chất thải thành khí mê-tan, sau đó chuyển hóa khí này thành nguồn năng lượng cho cả tòa nhà, giúp nấu nướng, chạy máy sưởi hay sạc pin nhiên liệu.
“Trên thực tế, chất thải từ nhà vệ sinh có giá trị rất lớn trong việc tạo ra năng lượng và phân bón. Trung bình mỗi người sẽ thải ra 500g chất thải một ngày, tương tứng với 50 lít khí mê-tan. Lượng khí này nếu tận dụng tốt có thể cho 0,5kWh điện năng, đủ để một chiếc ô tô di chuyển quãng đường 1,2km”, GS Cho chia sẻ.
Để khuyến khích sinh viên tham gia sáng kiến của mình, GS Cho còn phát minh ra một loại tiền ảo có tên “Ggool”. Mỗi lần sử dụng loại nhà vệ sinh thân thiện này, sinh viên sẽ kiếm được 10 Ggool.
Loại tiền này có thể được sử dụng để thanh toán hóa đơn tại căng-tin nhà trường hoặc thư viện. Thao tác giao dịch cũng rất đơn giản, người học chỉ cần bật ứng dụng trên điện thoại lên và quét mã QR.
Thời Vũ (Theo Reuters)
Mỗi tuần cả nước tiêu thụ khoảng 938 triệu túi nilon
- Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, trong lần sửa Luật bảo vệ môi trường này, cần thiết phải đưa nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên nếu muốn giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.