Mỗi lần nhà văn Nguyên Ngọc vào TP.HCM, ông thường điện thoại rủ cà phê “thông tầm” (nghĩa là ngồi từ sáng đến trưa, ăn trưa xong lại ngồi đến chiều và có khi ăn chiều xong là tranh thủ tiếp khách đến tối).

{keywords} 
Càng về sau này, ông tuổi ngày càng cao mà cứ Hà Nội – Hội An – Sài Gòn – Tây Nguyên đi mải miết. Cũng biết ông là người con của Tây Nguyên, lại có duyên nợ với Hà Nội và vài ba năm trở lại đây rất trăn trở với giáo dục nên góp sức xây dựng và quản lý đại học Phan Châu Trinh ở Hội An. Nhưng tại sao ông hay vào TP.HCM?


Thưa ông, đã bát tuần mà vẫn đây đó, đó đây hàng tháng, lại còn có thẻ khách hàng đặc biệt của một hãng máy bay… Có vẻ ông không biết thế nào là ngơi nghỉ?

Trong gia đình Gia Rai (ở Tây Nguyên), người đàn ông là bên ngoại chứ không phải bên nội, họ luôn ở bên ngoài chứ không phải bên trong, ngoài nhà, trên đường, giữa tự nhiên, say mê lang thang, suốt đời làm khách lữ hành. Tôi là người Tây Nguyên mà. Số tôi là số lang thang… Nói đùa mà cũng là nói thật đấy, nhiều lúc tôi có cảm giác ít ra kiếp trước mình cũng là người Tây Nguyên. Đàn ông Tây Nguyên hay lang thang.

Với lại, tôi thấy những người cầm bút thường có cách sống và làm việc, viết khác nhau. Riêng tôi, tôi viết “bằng cách” đi. Đi thật nhiều, gặp thật nhiều, thấy thật nhiều, nghe thật nhiều, biết thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều.

Trong chuyện này với tôi có ba điều: Một, cứ đi, thế thôi, hầu như không có mục đích gì cả, tôi dị ứng với lối đi cố tình chằm chằm làm cái việc gọi là “lấy tài liệu”. Cứ đi, vậy thôi, cứ như đi chính là mục đích tự thân. Rồi đến một lúc cái đã có được do đi bất ngờ thức dậy dưới ngòi bút, khi ấy sẽ có được một cái gì đó, một trang viết thật sống động. Hai, tôi cũng ghét “tham quan”, đi xem. Tôi đi, đến, và tham gia, làm người trong cuộc đến tối đa có thể. Và ba, tôi nghiệm ra rằng khi viết lên giấy một địa danh nào đó mà mình đã đến đó rồi, thật sự “sống” ở đó rồi, thì chỉ cái địa danh ấy viết ra dưới ngòi bút thôi bỗng sống động khác thường, như thực sự hiện ra, tươi rói, và với không gian ba chiều.

Mà hình như ai cũng biết điều này: viết mà không tạo được không gian ba chiều trên mặt giấy vốn chỉ có hai chiều thì chẳng ra văn học gì hết, chữ nghĩa cứ nằm bẹt ra đấy, nhạt phèo!
Tôi khoẻ ra và làm việc “bằng” đi, nên sao còn cần đến dừng lại nghỉ ngơi?

Trong số hàng trăm chuyến đi của ông trong một năm, dễ thấy hành trình Hội An – Sài Gòn dày đặc hơn cả. Vì công việc hay vì một lý do nào khác, chẳng hạn như có một sức hút nào đó ở Sài Gòn – TP.HCM?

Đối với tôi, Sài Gòn vừa đẩy vừa hút. Thú thật, tôi không định sống ở Sài Gòn. Nhưng cũng không thể thiếu Sài Gòn. Sài Gòn ồn ào quá, chen chúc, hối hả quá, lại lắm lôi cuốn quá, mà tôi lại là người ham chơi, tôi sợ không đủ sức cưỡng lại để có lúc trầm ngâm, và ngồi vào bàn. Tôi cần Hội An để lắng lại. Tôi cần Tây Nguyên để nuôi chất hư ảo, mà tôi biết rất cần cho văn chương của tôi.

Tôi cần Hà Nội, ở đấy tôi có những người bạn kích thích cho nhau sự suy nghĩ. Tôi cần cái ngồn ngộn sự sống của Sài Gòn, như một cái lò nung, thỉnh thoảng đem tất cả ba cái kia, hư ảo, nghĩ suy, lắng động, đổ vào đấy, nung chảy ra, cho thành cái chất văn chương của riêng tôi, mà theo tôi – hoặc ít ra tôi mong muốn – là hợp chất cố gắng nhuần nhuyễn của hiện thực cay đắng và hy vọng lãng mạn không thể tắt, của mê say và tỉnh táo, trầm tư và hành động. Nếu có lúc bạn thấy những chuyến vào Sài Gòn của tôi nhặt hơn, có lẽ ấy là khi tôi cần nhúng mình vào cái vạc sự sống sôi sục ấy để xua đi cái trì trệ hay buồn nản đang có nguy cơ trì kéo mình.

{keywords}

Ảnh: Trần Việt Đức

Quá khứ, hiện tại và tương lai, Sài Gòn với ông như thế nào?

Tôi đã có lần kể rồi, hồi nhỏ tôi có một bà chị họ rất gần bỏ nhà “đi rong” theo một gánh cải lương vào Sài Gòn và lấy một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng – tất nhiên làm lẽ thứ mấy của ông. Cả gia đình tôi bấy giờ đau khổ và xấu hổ vì người con gái “hư” đó. Còn tôi thì tôi yêu chị vì chị rất đẹp, càng đẹp với cuộc bỏ trốn và phiêu lưu vĩ đại của chị.

Tôi yêu Sài Gòn từ đó, nơi để mà say mê phiêu lưu. Theo một cách nào đó, có lẽ cũng có thể nói về sau tôi lang thang lên Tây Nguyên rồi mê mẩn trên ấy hẳn cũng có “tội” của chị và của Sài Gòn: chị với Sài Gòn đánh thức bản năng phiêu lưu và lãng mạn tiềm ẩn trong tôi. Ra từ rất nhỏ, tôi với Sài Gòn đã có duyên nợ, tuy mãi đến năm 1975 mới gặp được nhau…

Tôi không hình dung được nước mình, văn học mình, cả văn chương của tôi nữa, sẽ ra sao nếu không có Sài Gòn sau 1975? Sẽ chật chội, cũ kỹ, quê mùa biết mấy...

Tôi có cái may mắn gắn bó cuộc đời, tất nhiên theo những cách khác nhau, với cả bốn miền đất ấy: Hà Nội, Sài Gòn, Tây Nguyên, Hội An. Và bây giờ do công việc, đứng ở giữa, để từ Hội An thường xuyên lang thang ra Hà Nội, vô Sài Gòn, lên Tây Nguyên, một cuộc quay vòng còn mãi say mê.

Theo SGTT