Nhà văn Lê Phương Liên cảnh báo về bài mẫu trên mạng
Hiện nay đang là giai đoạn các bạn học sinh gấp rút hoàn thành bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019, chủ đề "Hãy viết một bức thư về người hùng của em". Trao đổi với ICTnews, nhà văn Lê Phương Liên đến từ Nhà xuất bản Kim Đồng, Thành viên Ban giám khảo quốc gia của cuộc thi đã đưa ra một vài lời khuyên và định hướng hữu ích gửi tới các bạn học sinh.
Hiện nay trên Internet có không ít bài mẫu được chia sẻ tràn lan. Về hiện tượng này, nhà văn Lê Phương Liên cảnh báo: "Việc bắt chước, viết theo các bài văn mẫu sẽ làm cho bức thư của em khô cứng thiếu tình cảm, câu chữ sẽ rất giả tạo. Điều đó sẽ khiến các cô chú trong Ban giám khảo từ sơ khảo đến chung khảo dễ dàng phát hiện ra ngay, và thật đáng tiếc bài của em sẽ bị loại bỏ, các em sẽ mất đi một cơ hội được vào các vòng giải thưởng".
Nhà văn Lê Phương Liên cũng gợi ý điểm mấu chốt trong hướng lựa chọn đề tài, đó là tình cảm chân thật của bản thân: "Đề bài năm nay có tính chất "mở", tạo ra việc lụa chọn các nhân vật "Người hùng của em" rất phong phú. Tuy nhiên lá thư hay khiến người đọc rung động là lá thư có tình cảm chân thật".
"Nếu các em có chọn nhân vật rất kiệt xuất nổi tiếng nhưng thực tế em không thực sự yêu quý nhân vật, khâm phục nhân vật thì lá thư của em cũng sẽ thiếu đi "chất lửa" nồng nhiệt của lòng đam mê khâm phục thực sự nhân vật anh hùng. Em có thể chọn nhân vật anh hùng là một người không nổi tiếng nhưng với em người đó thực sự khiến em khâm phục yêu quý".
Dù trên mạng các bài mẫu viết thư UPU khá tràn lan nhưng nhà văn Lê Phương Liên cũng đã có những lời khuyên và định hướng mấu chốt để các bạn học sinh hoàn thành bài dự thi và thuyết phục được ban giám khảo (ảnh được cung cấp trên Facebook cá nhân của nhà văn). |
"Hãy kể câu chuyện mà em được trải nghiệm, chứng kiến về người hùng của em"
Như đã biết, năm nay Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 sẽ có chủ đề: "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Tiếng Anh: Write a letter about your hero). Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng".
Vì chủ đề năm nay khá rộng nên các bạn học sinh có thể tự do lựa chọn vị anh hùng mà mình thần tượng, yêu mến nhất; các em có thể lựa chọn những vị anh hùng có thật ngoài đời, hoặc anh hùng trong lịch sử, trong truyền thuyết, trong truyện cổ tích..., hoặc đơn giản là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè…
Bên cạnh đó, nhà văn Lê Phương Liên cũng đưa ra một số lời khuyên để các bạn học sinh triển khai đề tài của mình một cách hoàn thiện nhất: "Để thể hiện được tình cảm khâm phục của em với người hùng, em cần kể được một câu chuyện ở đó nhân vật của em đã thể hiện cá tính nổi bật, vượt qua khó khăn, làm được một việc mà em cho là rất phi thường".
"Điều cần thiết của bức thư là em kể cho người đọc thư một cảnh ngộ, tình huống mà em được trải nghiệm, chứng kiến để từ đó em yêu quý ngưỡng mộ và khâm phục noi theo nhân vật người hùng của em mãi cho đến giờ phút em viết thư này".
"Đó có thể là một nhân vật tưởng tượng ở một cuốn sách, một bộ phim nào đó khiến em rất say mê. Nhân vật đó luôn ở trong tâm hồn em, có thể nhân vật đó đã khiến em thay đổi lối ứng xử hành động của mình, nhân vật đó đã khiến em say mê học tập, phấn đấu theo một định hướng nào đó và em đạt được thành công".
"Nhân vật tưởng tượng, nhân vât kịch sử hay nhân vật có thật gần gũi bên em như bố mẹ, người thân, bạn bè... đều tùy thuộc và tình cảm của em khi lựa chọn. Hãy viết thật trung thực từ trái tim của mình, từ những điều mà chính em hiểu rõ nhất, không thể có sự gợi ý nào hay bằng việc em lắng nghe tiếng nói từ nội tâm của mình".
"Ban giám khảo sẽ rất chán nản khi đọc những bức thư giống như một báo cáo thành tích hay một sự liệt kê các hành động anh hùng vô cảm" - nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ thêm để định hướng cho các bạn học sinh tham gia cuộc thi viết thư UPU năm nay 2019.
"Tôi thiết nghĩ rằng, các ca sỹ, các diễn viên hay các cầu thủ, vận động viên thể thao đều có thể được các em lựa chọn là "người hùng của em", miễn rằng trong lá thư em viết, em đã thuyết phục được cho người đọc thấy rõ "tính anh hùng" của nhân vật ấy đã lan tỏa trong tâm hồn em khiến em sống tích cực và nhân hậu, thúc đẩy em có những thành công".
Và cuối cùng, nữ nhà văn gạo cội này gửi lời động viên tới các bạn học sinh: "Hãy viết một bức thư chân thành dù được giải hay không, em cũng nên giữ một bản lưu kỷ niệm. Sau này lớn lên đọc lại rất thấy nhiều điều hay lắm đấy các em ạ".