Nhà văn Lê Thành Chơn sinh năm 1938 tại Chợ Mới- An Giang. Năm 1952, Lê Thành Chơn đã tham gia Vệ quốc đoàn rồi sau đó được tập kết ra Bắc. Năm 1960, Lê Thành Chơn được cử đi học văn hoá và sau đó được cử đi theo học khoá đào tạo sĩ quan hoa tiêu dành cho lực lượng Không quân. Sau khi tốt nghiệp khoá học, Lê Thành Chơn trở thành một trong những hoa tiêu không quân đầu tiên tại Việt Nam và làm nhiệm vụ dẫn dắt các phi công quân đội tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển Việt Nam.

Nhà văn- Doanh nhân- cựu sỹ quan Không quân nổi tiếng Lê Thành Chơn qua đời ảnh 1
Nhà văn Lê Thành Chơn hồi trẻ

Hơn 20 năm làm nghề, Lê Thành Chơn là một trong những hoa tiêu có nhiều kinh nghiệm nhất trong Không quân Việt Nam, với hàng trăm lần trực tiếp dẫn đường cho các máy bay tiêm kích chiến đấu trên bầu trời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi sau này là chiến trường Tây Nam. Rất nhiều trận đánh quan trọng được ông ghi lại chi tiết trong hồi ký và trong các tác phẩm về không quân Việt Nam do chính ông chấp bút, trong đó có các trận đánh đầu tiên của MiG-17, các cuộc giao chiến của MiG-21, cho đến các trận tập kích bằng A-37 vào sân bay Tân Sơn Nhất…

Năm 1983, Lê Thành Chơn chuyển sang công tác ở Thành ủy TPHCM và sau một thời gian tham gia công tác quản lý kinh tế, ông được phân công quản lý Khách sạn Sài Gòn. Từ một khách sạn tuy có tên tuổi nhưng đã bị xuống cấp sau nhiều năm quản lý kém, nhờ sự nỗ lực và chịu học hỏi, Lê Thành Chơn đã tổ chức lại hoạt động của khách sạn và chỉ trong vòng 5 năm, Khách sạn Sài Gòn đã trở thành một doanh nghiệp hiệu quả, có lãi. Năm 1995, ông Lê Thành Chơn được bầu chọn là một trong 10 giám đốc khách sạn giỏi nhất cả nước. Ngoài ra Lê Thành Chơn còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tuy nhiên, Lê Thành Chơn lại được biết nhiều nhất ở lĩnh vực viết lách khi ông là một trong những tác giả tiêu biểu chuyên viết về đề tài Không quân Việt Nam.

Lê Thành Chơn đã xuất bản 8 tập ký, 6 tập tiểu thuyết, 3 kịch bản phim truyện. Nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý như Đọ cánh, Anh hùng trên chín tầng mây; Người anh hùng chưa được tuyên dương, Canh năm, Bầu trời ước vọng, Tầm cao, Đọ cánh với pháo đài bay B52, Khối mây hình lưỡi búa

 

Lê Thành Chơn đã đạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập ký Anh hùng trên chín từng mây năm 1996, Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng, Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Canh năm…..

Nhà văn- Doanh nhân- cựu sỹ quan Không quân nổi tiếng Lê Thành Chơn qua đời ảnh 2
Lê Thành Chơn trong một lần gặp gỡ hội Cựu chiến binh tại TPHCM

Sau khi nghỉ hưu, ngoài việc viết lách như một thói quen, Lê Thành Chơn còn tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ông rất nhiệt tình kết nối, tìm hiểu đời sống của những cựu chiến binh và tham gia vận động quyên góp để giúp đỡ những đồng đội cùng chung chiến hào một thời.

Theo thông tin từ gia đình, cách đây hơn 1 tháng ông bị bệnh nặng phải vào bệnh viện, do tuổi cao và có bệnh nền nên ông đã qua đời vào lúc 13h ngày 10/9.

Do TPHCM đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên đám tang của Nhà văn Lê Thành Chơn được tổ chức trong phạm vi gia đình.

(Theo Tiền Phong)

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời vì Covid-19

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời vì Covid-19

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời tại bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) sau thời gian điều trị Covid-19, hưởng thọ 65 tuổi.