Clip: Toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện của nhà văn Chu Lai.
Nhà báo Hà Sơn: Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng tuổi thơ có phải là một cậu học trò nghịch ngợm hay ngoan hiền nhiều người chưa nắm được rõ?
Nhà văn Chu Lai: Tuổi thơ của tôi không phải dữ dội nhưng cũng ghê gớm. Ông già tôi đẻ 10 con, toàn con trai và chiến tranh loạn lạc, bom đạn toàn cư rồi hy sinh trận mạc hết 8 người, bây giờ chỉ còn 2 anh em.
Tôi đã từng chết trên đường tản cư, khi bác địu sau lưng. Trên một bờ đê bom đạn của Pháp khi ấy, tôi chết tím trên lưng bác, định đem chôn nhưng người ta bảo thôi cứ đi đến điểm nào đó hẵng chôn, còn có dấu. Nhưng kỳ lạ là đến chỗ chôn tôi lại sống lại. Vì vậy sau này tôi chắc mẩm tuổi thơ mình đã chết một lần lâm sàng thì sau này sẽ không bao giờ chết nữa. Khi chiến tranh chống Mỹ khốc liệt 10 năm trời, trong một binh chủng đặc công tôi không hề mang một vết thương nào.
Tuổi thơ của tôi còn là đói. Hồi đó ở khu tập thể Nhà hát kịch trung ương mà bố tôi là giám đốc. Cuộc sống đói đến nỗi đang đêm tôi phải mò xuống bếp một bà nấu cơm tên Viu xem cơm cháy cơm thừa còn không để ăn. Cái đói theo tôi kéo dài cho đến hết thời kỳ bao cấp vào bộ đội.
Có cái rất hay của tuổi thơ tôi là sống trong một gian phòng chật chội kinh khủng, mỗi khi bạn bố đến nói chuyện về văn học nghệ thuật, các con trong đó có tôi phải ra ban công nằm vừa nằm co quắp ngủ vừa nghe những tiếng nói chuyện của những người tài năng ngày ấy như Đào Mộng Long, Thế Lữ... về sân khấu, về Sếch –xpia, về Victor Hugo...
Hình như những đêm nằm như thế, trong tiếng muỗi bay như thế, âm hưởng văn học nghệ thuật vào đầu dần và biến thành một bản năng văn chương. Ngoài ra, nhờ có tuổi thơ trốn học ra bờ sông Hồng ngồi nhìn bờ sông hoang mạc, bờ sông khi mặt trời chuẩn bị tắt, một bà gánh cỏ như một cái chấm đen di động trên cát, lúc đó trong tôi mở ra cái gì đó dường như là dấu hiệu của những mầm mống văn chương.
Nhà báo Hà Sơn: Như vậy có thể hiểu dù ít hay nhiều người cha đã gián tiếp gieo cho ông tình yêu với văn chương. Trong gia đình giữa cha và mẹ, ông bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ai?
Nhà văn Chu Lai: Gien văn chương nó tự nhiên trong máu chứ bố hay mẹ không khuyên nhủ hay tạo cho mình được. Không chỉ những đêm nghe các cụ Thế Lữ, Tào Mạt nói chuyện mà mình trở thành nhà văn, dường như có cái gien gì nữa tôi hưởng từ bố, kể cả gien dữ đòn.
Tôi nhớ sắp giải phóng Điện Biên, bố sợ anh tôi là nhà văn Hồng Phi sẽ bị bắt đi lính ngụy, mới cho người vào trong thành cáng tất cả anh em tôi ra, mỗi một đứa ngồi trong một cái thúng, riêng anh tôi đi bộ ra chiến khu Đại Từ. Ở đó tôi nhớ có một buổi sáng mình đã làm gì đó không phải, ông cụ đuổi suốt để đánh. Ông cụ dữ đòn lắm và tôi chạy thì không ai bằng. (cười).
Cho đến khi về đến Hà Nội, khi tiếp quản Hà Nội, tôi vẫn là một đứa trẻ ngang tàng và hư đốn, thích cầm đầu đám trẻ con đi đánh nhau, lớn lên một chút cầm đầu một băng đánh nhau với học sinh miền Nam. Đến năm 15 tuổi ông già giơ gậy lên đánh như mọi lần tôi rút lại cái gậy đó và trừng mắt lên nhìn, từ đó ông cụ không bao giờ đánh tôi nữa, khi ấy tôi có máu đặc công rồi hay sao ấy...
Ngược lại mẹ tôi rất hiền, bà cụ có lai lịch tầng lớp trên của ông cụ, là tiểu thư của quan án sát Hưng Yên khi ấy. Mẹ tôi tiếng Pháp rất giỏi, học trường thuốc, còn bố tôi con đại địa chủ. Một lần bố tôi khi mới 16 tuổi, bị bắt, mẹ tôi theo cha ra xử án, khi ấy mẹ hơn bố 5 tuổi nhưng thấy tên tù trẻ đẹp, lại đỗ tú tài đầu tiên của tỉnh nên trái tim xúc động. Bố tôi lúc ấy vì chưa đến tuổi nên được tha và quản thúc ở quê.
Mùa đông trên đê Hưng Yên rét vô cùng, bố tôi áo vải phong phanh, mẹ tôi chạy theo dúi cho cái áo bông rồi quên đi. Mấy năm sau mẹ tôi cũng hoạt động, bị bắt, ở trong buồng giam nghe tiếng ngâm thơ sang sảng từ phòng nam hỏi ra mới biết đó chính là người ngày xưa mình đưa áo bông. Vậy là hai người bắt liên lạc với nhau, ra tù thành vợ thành chồng và đẻ ra một đàn con. Mẹ tôi có cái quý tộc riêng, không mắng mỏ hay đay nghiến mà yêu chồng yêu con đến tận cùng.
Ngoài phông văn hóa mẹ tôi có bản năng của người mẹ Việt Nam, tần tảo, chịu thương chịu khó, định vị trong lòng tôi người phụ nữ mẫu mực. Bố tôi là người tài hoa và đẹp trai không thể không phong tình, nhất là quản lý một đoàn văn công khổng lồ, rất nhiều mỹ nhân mỹ nữ, mẹ tôi biết nhưng cho qua hết, bởi dòng họ Chu của tôi hay nói đùa rằng tất cả đều phong tình và chính sự đa tình đó là nhân tố làm nên sức sáng tạo, chứ làm nghề viết mà không đa tình thì viết cái gì?... Thế nhưng không ai bỏ vợ vì hình như có một cái yếu đuối trong trái tim dòng họ Chu, người vợ không có tội tình gì mà mình bỏ để ở với cô khác trẻ hơn đẹp hơn thành ra không nỡ lòng nào.
Nhà báo Hà Sơn: Ông có nhắc đến chi tiết gia đình có 10 người con bị mất tới 8 người chỉ còn 2. Mẹ ông là người phụ nữ đặc biệt vậy mỗi lần phải xa cách một người con nào đó, bà có đớn đau và day dứt?
Nhà văn Chu Lai: Cám ơn câu hỏi của bạn vì nó động tới vỉa quặng sâu xa trong gia tộc nhà tôi. Khi tôi đã là diễn viên kịch của Tổng cục chính trị, lúc ấy bom đạn tơi bời chúng tôi đang sơ tán ở Thạch Thất, tôi nhận tin của bố nói người anh ruột hy sinh, đó là người anh tôi thân yêu nhất, quý nhất, hy sinh ở cung đường Yên Bái.
Tôi vội phóng về nửa đêm đưa mẹ đi tàu hỏa lên Yên Bái, trong đêm mưa dầm gió bấc. Mẹ tôi cao 1m50 đường ray khoảng cách rộng, tôi một tay cầm đuốc một tay dắt mẹ, bà cụ cứ nhảy nhảy các bậc ray 9km như thế đến khi tới nấm mồ kiệt sức, nhìn thấy mộ con có bát cơm quả trứng, mẹ chỉ quỳ xuống và không khóc được nữa.
Đấy là người con sau này hy sinh, còn người con cả lại khác, người anh tôi chưa biết mặt. Cả nước Nam Tiến đánh Pháp, trong đó anh ruột tôi 16 tuổi ăn cắp khẩu súng ngắn của ông chủ tịch tỉnh để xung vào đoàn Nam Tiến. Một tháng sau anh gửi ra một bài thơ, 2 tháng sau gửi ra 2 bài thơ, nhưng đến tháng thứ 3 người ta gửi về giấy báo tử. Mãi sau này mẹ tôi vẫn cứ khắc khoải về người anh cả chết mất xác ở Buôn Ma Thuột nên tôi quyết định bỏ ra một tuần đi tìm xác anh.
Tôi đi khắp nơi hỏi có một cái đền thờ những người liệt sĩ Nam Tiến và lấy dưới đáy bia một ít đất cho vào trong lọ mang về cho mẹ coi như hương hồn anh trở về. Mẹ tôi nhìn cái lọ đấy mặc dù là biểu tượng không khóc nhưng thấy thanh thản và một thời gian bà ra đi. Người mẹ trước khi đi ra khỏi cuộc đời bao giờ cũng ám ảnh ghê gớm về những đứa con, nhất là những người con mất hài cốt. Điều đó khiến tôi càng thấy rằng người mẹ Việt Nam sức chịu đựng phi thường như thế nào khi con cái của mình hy sinh và cho đến cuối đời vẫn không lấy được hài cốt.
Tôi từng viết một tùy bút về mẹ, viết một cách rất xúc động. Tôi đi gặp các bà mẹ Việt Nam anh hùng để thấy rằng trong lòng mỗi bà mẹ có một ẩn số lịch sử, có một ẩn số tâm linh. Phàm sinh ra ở đời người ta mong muốn mình đạt được kỷ lục gì đó nhưng không ai mong mình đạt được kỷ lục đau thương. Các bà mẹ Việt Nam qua các cuộc chiến tranh có thể khẳng định đã đạt được những kỷ lục đau thương nhất hành tinh.
Những người mẹ khác thấy đất nước chúng ta vừa tự hào vừa đau thương, vừa hùng anh vừa tội tình và người lính nếu sức bỏ ra một phần người mẹ ở hậu phương phải bỏ ra hàng nghìn lần bởi chiến đấu, hy sinh, bị thương, vất vả gian truân không là gì so với người mẹ ở hậu phương đêm nào cũng thao thức chờ tiếng chân con trở về mà không đêm nào thấy cả. Cuối cùng toàn quốc thắng lợi, tiếng chân của con cũng không trở về, nằm khuất nẻo ở một góc rừng xa xăm nào đó, đó là nỗi đau, sức chịu đựng của người mẹ Việt Nam phi thường.
Nhà báo Hà Sơn: Nhiều độc giả yêu mến những trang viết của ông vì họ cho rằng từng câu chữ được viết lên bằng những những từ ngữ chứa chan cảm xúc. Trong 10 năm cầm súng và hơn 40 năm cầm bút, tác phẩm nào hay câu chuyện nào khiến ông ấn tượng nhất?
Nhà văn Chu Lai: Chỉ một ngày ở rừng đã tràn trề những cảm xúc trái chiều nhau, chỉ một ngày ở rừng biết thế nào là sự sống và cái chết, biết thế nào là lòng can đảm và sự yếu hèn, biết thế nào là sự xảo trá và lòng trung thực. Kỳ lạ lắm, một khoảnh khắc dữ dội nó khiến cho tất cả những xúc cảm trong tâm hồn con người lên hết không giấu được. Nó là một giọt dung dịch nhỏ xuống khiến cho mọi gam màu có thể lên hết, đời thường hôm nay, đen trắng có thể lẫn lộn xấu tốt có thể đổ đồng còn trong chiến tranh, chiến hào ai như thế nào lộ rõ và chính đó là cảm xúc trung thực nhất để từ cảm xúc đó mình thai nghén đưa nó vào văn học.
Chiến tranh đòi hỏi anh hãy miêu tả nó như nó vốn có, nếu anh tô đen nó lắc đầu, tô hồng nó cũng lắc đầu. Nó vừa trần trụi vừa hào hùng, vừa khốc liệt nhưng vừa lãng mạn. Chúng ta hay quên một điều rất quan trọng rằng sở dĩ ta chiến thắng trong một cuộc chiến kỳ tích thường hay nói về lý trí, khí phách, lòng tự tôn lý tưởng mà quên một điều quan trọng hơn có lẽ chỉ quân đội Việt Nam mới có đó là sự lãng mạn. Sự lãng mạn là cội nguồn văn hóa, cội nguồn hàng nghìn năm của ông cha mới đúc kết thành kết tủa như vậy. Văn hóa đó chính là sự lãng mạn, nó làm giảm nhẹ rất nhiều sự chết chóc, giảm đi nhiều đau thương như đôi cánh nâng ý chí con người tạo nên sức mạnh tinh thần.
Cuốn sách đầu tiên tôi viết ở Đà Lạt khi Tổng cục chính trị hớt hết những tài năng văn chương từ tất cả các quân binh chủng thành trại viết. Có một thế hệ vàng tất cả anh em hành quân vào Đà Lạt tham gia trại viết đầu tiên. Trên đường đi tôi lại may mắn hay là không may mắn lại dính phải một cô biên tập viên duy nhất của nhà xuất bản quân đội cũng ở trong rừng ra, nước da còn xanh xao màu lãng mạn. Đến Đà Lạt buồn vô cùng, tê tái và sương mù giăng mà không yêu nhau cũng dễ đông lạnh lắm.
Giữa tôi, người lính đặc công và cô biên tập viên ngoài chiến trường tạo thành một tình yêu, bắt đầu từ khả năng biên tập. Cứ một ngày tôi viết xong một chương 35-40 trang, tạo nên một kỷ lục để có động lực đêm hôm đó 11h lén vào đọc cho cô biên tập viên nghe vì không phải biên tập cho mình tôi, cô ấy còn phải biên tập cho nhiều nhà văn khác hầu hết chưa vợ. Thế rồi biên tập từng trang sách cuối cùng kỹ quá lại biên tập cả cuộc đời nên về đến Hà Nội chúng tôi lấy nhau.
Nhà báo Hà Sơn: Ông chia sẻ rằng ra đường từ ông xe ôm đến bà bán rau cũng nhớ mặt. Tình cảm của người hâm mộ dành cho "người nổi tiếng Chu Lai", có gì đặc biệt?
Nhà văn Chu Lai: Sở dĩ người ta biết nhiều đến tôi không phải do năng lực văn học mấy đâu, sau này càng ít người đọc, văn hóa đọc ngày càng bị trồi sụt. Họ biết nhiều đến tôi do hay vác mặt lên truyền hình, trong những ngày trọng lễ. Hơn nữa mặt tôi lại có những nét đặc thù, khó quên. Kể với bạn chuyện này, sau giải phóng miền Nam không biết làm gì nghe nói ở Vũng Tàu tuyển sinh tình báo, tôi đại đội trưởng đặc công Chu Lai phóng xe một mạch từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu vừa vào phòng tuyển sinh, một đồng chí nói: "Xin mời đồng chí đi về", tôi nổi nóng: "Này, đồng chí ăn nói cẩn thận, tôi đã 10 năm đánh Mỹ, yêu cái nghề này, đồng chí phải trả lời tôi đàng hoàng, có cái gì mà bảo tôi đi về?". Lúc này người đàn ông kia mới bảo: "Xin lỗi anh, tình báo chúng tôi khuôn mặt nhìn 10 lần còn quên, còn mặt anh chưa nhìn đã nhớ thì không làm được".
Thậm chí có những lần đi công tác bạn bè rủ vào những chỗ nhạy cảm như massage hoặc karaoke có người nhìn thấy chào: "Em chào nhà văn Chu Lai", tôi cười bảo: ''Này, các em không được nhầm tôi với thằng nhà văn khốn nạn ấy nhé, tôi đàng hoàng chứ thằng kia vớ vẩn lắm!". Nhiều khi nổi tiếng cũng có những phiền phức, sự quen mặt và quen tên là một hạnh phúc, nhưng nếu anh ngủ say trên sự quen mặt quen tên đó là giết nghề, bỏ nghề.
Nhớ lại câu hỏi của chị, khi tôi ra cuốn sách "Cuộc đời dài lắm" từ trên Yên Bái có lá thư một cô gửi viết: "Em là cô giáo trung học, em xin phép được lấy tên nhân vật chính, Vũ Nguyên của anh đặt tên cho đứa con mới chào đời được không?”. Hay có một cô hoạt động văn hóa ở Thái Nguyên, một buổi trưa bao cấp gõ cửa nhà tôi hồi ở Lý Nam Đế. Cô ấy mở cửa nhìn tôi chăm chú rồi thất vọng sửng sốt hỏi: "Em xin lỗi có lần thấy anh trên báo, biết anh là tác giả của truyện ngắn. Em ngày xưa là một cô gái làng, em yêu một người lính huấn luyện đặc công ở xã, xong người lính đó đi không trở về, người ấy giống anh kinh khủng. Trong bài báo em đọc cũng nói anh là huấn luyện lính đặc công, biết đâu anh vào chiến trường đổi tên. Hôm nay em từ Thái Nguyên xuống để gặp anh hy vọng gặp lại được người cũ nhưng giờ em thấy không phải, em xin lỗi anh".
Tôi nghe vậy mới bảo: "Không phải xin lỗi gì cả, người yêu của chị và tôi giống nhau quá tốt, chúng tôi đã giống nhau từ trước đều là đặc công, là gian khổ, hy sinh, khó trăm bề. Chị không hề nhầm đâu, tôi hy vọng sẽ đem lại chút nào phản ánh của người đàn ông kia, có thể anh ấy hy sinh có thể chưa nhưng chị phải đi tìm tiếp. Đấy, đôi khi cầu văn học khiến mình có những câu chuyện như vậy.
Nhà báo Hà Sơn: Ngoài viết văn, tiểu thuyết, ông vốn rất tích cực xuất hiện bình luận trên truyền hình, từng tham gia chấm các cuộc thi nhan sắc, làm MC ca nhạc, viết kịch... Nhưng thời gian gần đây ông không hào hứng với những công việc phụ này nữa, vì sao vậy?
Nhà văn Chu Lai: Nó gọi là cái duyên. Trước đây tôi liên tục là giám khảo các LHP và các hội diễn sân khấu, chấm hoa hậu vùng này vùng kia... Nhưng sau lần chấm Hoa hậu các dân tộc ở Hội An tôi bảo sẽ không bao giờ đi chấm nữa bởi hôm trước một rừng mỹ nữ các thí sinh đi qua trước mặt hành lang cô nào cũng cúi xuống: "Em chào thầy ạ" nhưng tối hôm sau đăng quang mà không có giải các em nhìn mình lạnh lẽo ngay.
Chưa kể giám khảo sẽ thường chọn những người lớn tuổi sẽ không có kích thước hoàn chỉnh như tôi chẳng hạn mà đêm đăng quang có một nguyên tắc các giám khảo phải đứng cạnh các cô chụp hình, quay phim. Cỡ như tôi đi kiểu gì cũng chỉ được 1m65, đứng cạnh một cô gái cao1m75 lại đi đôi guốc 10 phân, người giám khảo như "thằng trẻ con mắc bệnh già", vô duyên lắm nên thôi tốt nhất tránh được thì tránh.
Phần 2: Bí ẩn mối tình đẹp, ám ảnh của nhà văn Chu Lai
Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc - Đức Yên
Ảnh: Lê Anh Dũng, An Thành Đạt
Thiết kế: Võ Tú Uyên