Mời độc giả chia sẻ quan điểm về vấn đề này hoặc những tình huống khó quên trong mùa cưới 2024 qua địa chỉ email [email protected].
Mọi chuyện bắt đầu từ cách mẹ chồng tính toán cho ngày trọng đại của chúng tôi.
Gia đình anh dự định tổ chức tiệc cưới tại nhà, với danh sách khách mời lên tới 50 mâm. Nhưng thay vì chuẩn bị đủ số mâm cỗ, mẹ anh bảo chỉ cần làm 40 mâm là đủ.
Bà lý giải: "Không phải ai cũng đến. Nhiều người chỉ mừng mà không đi ăn cỗ. Nếu có ai đến mà không đủ chỗ ngồi thì ghép vào mâm khác, chật một chút cũng được. Mẹ rút kinh nghiệm từ đám cưới chị con rồi".
Nghe bà nói, tôi cảm thấy vừa bất ngờ vừa thất vọng.
Đám cưới lẽ ra phải là ngày vui, là lúc gia đình tiếp đãi khách khứa một cách chu đáo để thể hiện sự trân trọng. Nhưng trong mắt mẹ chồng, đây lại giống như một bài toán kinh tế, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.
Bà còn dự trù cả phương án "nếu đông khách quá thì đành chịu khó chật chội một chút, người ta cũng thông cảm".
Thực tế không diễn ra ra như bà dự đoán và còn tệ hơn thế. Ngày cưới, khách đến đông hơn dự kiến. Một số người, ăn mặc chỉnh tề, mang theo phong bì mừng cưới nhưng lại không có chỗ ngồi.
Có người còn đưa cả con cái đến để dự tiệc. Nhìn họ loay hoay, ngại ngùng đứng trước sân, rồi lặng lẽ ra về, tôi cảm thấy xấu hổ thay cho gia đình chồng.
Không chỉ tôi mà một số khách mời ngồi bên trong thấy cảnh đó cũng tỏ ra không hài lòng. Những bàn cỗ đông đúc, người ngồi chen chúc, thức ăn chia phần không đủ... khiến ngày vui bỗng thành bức xúc, khó xử.
Lễ cưới không chỉ là ngày hai người gắn bó với nhau mà còn là dịp để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn trọng với những người đến chung vui.
Việc khách khứa phải ra về vì không có chỗ ngồi hay những ánh mắt ngao ngán khi bàn tiệc quá tải khiến tôi tự hỏi: Phải chăng, trong mắt gia đình anh, danh dự và sự tôn trọng cũng chỉ đáng giá vài mâm cỗ?
Sau buổi tiệc, tôi đã nói chuyện với chồng. Anh bảo: "Em nghĩ nhiều quá, ai cũng hiểu mà. Mẹ chỉ muốn tiết kiệm, đâu có ý gì xấu".
Nhưng trong lòng tôi, đây không chỉ là chuyện tiết kiệm hay tính toán. Đây là vấn đề quan niệm và cách cư xử.
Tôi lo lắng, liệu đây có phải là dấu hiệu cho những bất đồng lớn hơn sau này? Nếu những điều như vậy đã không được coi trọng, liệu sau này tôi có thể sống hòa thuận, vui vẻ?
Tôi nghe nhiều lời bàn tán sau đám cưới và nói với chồng nhưng anh chỉ bảo: "Mọi người nói gì kệ họ. Cưới xin qua rồi, ai còn nhớ làm gì!".
Anh có thể dễ dàng bỏ qua nhưng với tôi, những lời đồn thổi ấy cứ bám riết lấy, như muốn nhắc nhở rằng đám cưới không trọn vẹn là dấu hiệu cho những điều không tốt đẹp trong cuộc hôn nhân này.
Độc giả giấu tên