nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu

Đúng là tôi có thể đăng ký xét giải từ lâu, chẳng hạn 7 năm trước nhiều người đã khuyên tôi. Nhưng lúc đó tôi không muốn, vì tôi vừa vào Ban chấp hành (BCH) Hội nhà văn Việt Nam (2010) mà đã đăng ký giải thưởng thì cho dù được một cách xứng đáng tôi vẫn cảm thấy áy náy với các hội viên của mình.

Điều này xuất phát từ một quan niệm lâu nay rằng khi một người ở vị trí nào đó, ví dụ như BCH, được giải thì dư luận dễ nghĩ người đó nhờ vị trí. Đúng là trong hiện thực có những người ngồi ở một vị trí nào đó luôn giành được nhiều quyền lợi hơn. Song, cách nhìn nhận như thế cũng cho thấy sự thiếu công bằng và chưa chính xác trong xã hội ta.

Ngay tại một số nước phương Đông rất gần gũi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, họ rất rành mạch. Dù cho anh ở vị trí nào thì tác phẩm của anh là tách biệt, nó không liên quan tới cái “ghế”, tới xuất thân của anh… mà chỉ duy nhất liên quan tới việc tác phẩm có xứng được giải hay không.

Bây giờ nhìn nhận lại, tôi thấy mình đăng ký là chuyện bình thường và việc xét thưởng chỉ liên quan đến những gì tôi đạt được trong tác phẩm của mình.

nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu

Lâu nay người ta vẫn đặt ra cái nghịch lý là các giải thưởng mang tính chất chính thức đôi khi chưa đồng vọng được với tiếng nói, mong muốn của phần đông độc giả. Anh nghĩ gì về chuyện này?

Người ta vẫn nói giải thưởng của bạn đọc là cao nhất, nhưng đó cũng chỉ là cách nghĩ của một phía. Tôi cho rằng mọi giải thưởng đều có ý nghĩa khi nó được nhìn nhận và xét trên sự công bằng, vì nghệ thuật, vì con người. Giải thưởng của một tổ chức nghề nghiệp, một cộng đồng, một chính thể, một nhà nước…cũng quan trọng chứ, không ít quốc gia có giải thưởng của Nhà nước, hay ở Nga có giải thưởng của Tổng thống chẳng hạn.

Còn chuyện giải thưởng đồng vọng được bao nhiêu với số đông độc giả là một điều thật không dễ dàng, có những giải thưởng mà có thể khi đưa ra dư luận không mặn mà hay cảm thấy không xứng đáng. Có hai lý do.

Song, hướng thứ hai có thể là có những tác phẩm xứng đáng, nhưng việc tiếp cận nó chưa đảm bảo, chưa đến nơi, không chỉ với bạn đọc thông thường, mà ngay cả những người nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Trên thế giới không thiếu những tác phẩm đoạt giải bị ruồng bỏ, tới sau này người ta mới thấy sự quay lưng đó là một sai lầm.

Sáng tạo ra một tác phẩm lớn, một tác phẩm vừa kinh điển, sâu sắc vừa là một tác phẩm để mọi người đều hiểu, đều yêu thích không chỉ là mơ ước của nhà văn Việt Nam, mà là mơ ước của toàn bộ những người cầm bút trên toàn thế giới, trong mọi thời đại. Nhưng khát vọng ấy đôi khi cũng trở thành vô vọng, bởi khả năng thấu hiểu, tiếp cận một tác phẩm là khác nhau giữa các độc giả/ nhóm độc giả.

Như quan sát của chúng tôi, những người ngoài cuộc, có lẽ nhiều năm rồi văn đàn Việt Nam thường chỉ được quan tâm mỗi khi có tranh cãi về một giải thưởng hay tác phẩm nào đó. Vậy với một “người trong cuộc”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thấy những cuộc tranh cãi trong nội bộ các nhà văn có đưa đến sự trưởng thành hơn của nền văn học nước nhà không?

Bạn dùng từ “tranh cãi” khi bàn về đời sống văn học Việt Nam là khá chính xác. Đấy là những tranh cãi có tính vị kỷ, độc đoán, không chịu chấp nhận, chê bai, phủ nhận, thậm chí phỉ báng, vùi dập người khác là một đặc điểm của một số nhà văn Việt Nam. Tranh luận thực sự phải dựa trên những cơ sở những lý luận, những phản biện đầy khoa học chứ không phụ thuộc vào yêu, ghét cá nhân.

Và điều này tác hại vô cùng, nó khiến đời sống văn học “chậm lớn”, không lành mạnh, rối tung. Chỉ khi sòng phẳng, công tâm chúng ta mới có thể làm cho một lĩnh vực, một xã hội phát triển. Tôi có thể mất đi quyền lợi cá nhân khi phát biểu điều này, nhưng tôi nghĩ cần nói ra để nó tác động một phần nào đó, cho dù rất nhỏ vào đời sống văn học của chúng ta.

Cảnh báo quan trọng nhất
là về sự suy đồi tâm hồn

Đọc một số tác phẩm của anh, chẳng hạn như “Mùa hoa cải ven sông”, người ta có thể thấy hụt hẫng vì những cái kết không có hậu. Điều gì khiến anh “đưa đẩy” nhân vật của mình đến chỗ đó?

Người đọc luôn luôn có một mong muốn vừa hay nhưng cũng vừa dở, đó là muốn những cái kết có hậu. Nhưng những tác phẩm khiến chúng ta cảm thấy mất mát một cái gì đó chứa đựng trong nó một sự cảnh báo, điều đó đánh thức con người mạnh mẽ hơn, có tính giáo dục cao hơn.

Trong Mùa hoa cải ven sông, rốt cuộc đôi trai gái đã phải trả cái giá rất đắt, vĩnh viễn không đến được với nhau. Đó là cái kết buồn, nhưng cũng là lời cảnh báo lớn, mọi cái ác, cái cực đoan, phong kiến đôi khi chúng ta phải chấp nhận cái giá của nó và có lúc nào đó chúng ta không đi qua nổi nó. Điều đó cũng gửi đi một thông điệp để không bao giờ con người đi lại con đường ấy nữa. Còn nếu cho họ gặp nhau, đám cưới xum xuê, hai gia đình hòa hợp thì người ta sẽ mất cảnh giác, người ta có thể lại lặp lại con đường cũ.

Văn học đến với người đọc từ hai phía. Nó vừa làm con người tin rằng dù thế nào đi nữa người ta vẫn hướng đến điều tốt đẹp, vừa cảnh báo rằng dẫm vào những vết xe đổ của sai lầm sẽ dẫn con người đến vực sâu.

Anh vừa nói đến chức năng cảnh báo như một chức năng rất quan trọng của văn học. Với tư cách một nhà văn, anh thấy đâu là vấn đề lớn nhất mà văn học phải lên tiếng hiện nay?

Đối với tôi, cảnh báo là yếu tố quan trọng nhất. Cảnh báo trong văn học là cảnh báo về sự suy đồi tâm hồn. Khi con người trở nên mỗi một ngày vô cảm và giá lạnh, ích kỷ thì họ bắt đầu gây ra những hành động tội ác. Tôi cho rằng đó là cái cốt lõi nhất mà văn học muốn chạm đến, muốn lý giải, muốn đào sâu, muốn mở rõ ra, muốn gửi thông điệp tới tất cả mọi người là về “cái chết tinh thần” của nhân loại.

Có phải cũng chính vì thế mà anh không ngừng trăn trở về việc sống tử tế?

Nó là điều không bao giờ rời bỏ nhà văn một khi anh ta còn cầm bút. Bởi cái khiến nhà văn cảm thấy bị xúc phạm, sợ hãi và cần phải lên tiếng chính là những điều không tử tế. Thế gian chúng ta sẽ không mang nỗi sợ hãi hết thóc gạo để ăn, nhưng con người cần mang nỗi lo sợ thường trực về nguy cơ bóng tối tràn lên và chiếm phổ toàn bộ tâm hồn con người.

Tôi vẫn thường cảnh báo từ cách đây hàng chục năm rằng xã hội Việt Nam có 3 ngôi nhà giống như 3 thành trì quan trọng, đầu tiên và cuối cùng bảo vệ đức hạnh, cái tốt của con người, mà nếu một trong số đó bị phá vỡ thì con người cũng có nguy cơ bị giết chết. Đó là nhà trường, nhà chùa và ngôi nhà của mình.

Tôi nghĩ trong cả ba ngôi nhà đó đều đang có những lỗ thủng lớn và chúng ta phải bắt đầu đi lại từ đầu, một cách bền bỉ, để tìm lại tất cả nguy cơ, nguyên do. Làm việc này rất lâu dài, bởi ném một cái rác bẩn xuống chỉ mất một giây, nhưng để một người đi qua biết cúi xuống nhặt nó lên thì mất cả trăm năm.

Liệu trong những lỗ thủng mà anh vừa đề cập, nền văn học Việt Nam có phải chịu trách nhiệm phần nào? Có phải những tác phẩm của chúng ta vẫn chưa lên tiếng đủ, chưa thực sự đi vào những vấn đề đáng phải cảnh báo đúng lúc?

Tất cả những người không thuộc về trẻ con, nói cách khác người lớn chúng ta, đều có lỗi. Nhưng với nhà văn, chính họ phải dày vò, phải day dứt hơn trước mọi người, phải cảm thấy bị xúc phạm hơn trước mọi người và họ phải cảnh báo trước mọi người.

Đến lúc nào đó chúng ta phải cùng nghiên cứu, cùng bàn giải tại sao ngày xưa có những cuốn sách có thể thay đổi những con người, đưa vào họ một thế giới khác. Tôi tạm nghĩ có hai lý do.

Thứ nhất là sách lúc đó rất ít, các phương tiện nghe nhìn khác hầu như không có, cho nên những cuốn sách luôn là con đường duy nhất để những con người hay những đứa trẻ bước vào một thế giới đầy trí tưởng tượng, đầy đức hạnh và vẻ đẹp. Hai nữa là mọi cuốn sách hồi đó hầu như đều thống nhất là truyền bá cái đẹp, mang đến vẻ đẹp.

Còn bây giờ chúng ta xuất bản sách một cách tràn lan, cho phép những cuốn sách vô bổ, có thể tác động xấu ra đời. Bên cạnh đó, ngày nay mở mạng ra chúng ta có thể xem được bất kỳ cái gì, nào sách ngôn tình, những cuộc tình ngập nước mắt, rồi scandal giới showbiz…

Hãy nhìn sang một đất nước rất gần gũi với Việt Nam là Nhật Bản, nơi mà tính giáo dục nhân tính cao và hiệu quả vô cùng. Xem những phim tài liệu về giáo dục, những nghiên cứu về thiên nhiên, con người, nội dung giáo dục cơ bản trong các trường tiểu học, trung học hay đại học Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy họ đã làm xuất sắc vì con người.

Vừa rồi tôi xem một bộ phim tư liệu của Nhật Bản rất xúc động và sâu sắc về một dự án gọi là Cứu vớt kỷ niệm. Với dự án này, người Nhật đi tìm lại những cuốn sổ ghi chép, những cuốn nhật ký, những bức ảnh gia đình…đã tan nát sau thảm họa kép động đất sóng thần. Họ có thể mất nhà, mất xe và mất cả thành phố nhưng không được đánh mất ký ức. Chỉ có những đất nước vì con người, hiểu thấu cái gì sẽ tạo dựng nên thế giới của nhân tính, mới làm được những việc như vậy.

Chúng ta thường nói đến nỗi trăn trở văn học Việt Nam chưa sản sinh được những tác phẩm lớn, xứng tầm thế giới. Là một người cầm bút, cá nhân ông suy nghĩ gì về điều này?

Tôi từng nói nhân loại không bao giờ bỏ sót vĩ nhân của mình, cho dù người đó sống trong một căn buồng chỉ 3m2. Điều quan trọng với những người cầm bút là, hãy viết những tác phẩm thật chân thực và khát vọng lớn, cho dù có những tác phẩm hiện nay chưa xuất bản được bởi rất nhiều điều, bởi những quy định, bởi cả sự tiếp cận, bởi cả dân trí.

Tất nhiên ở ta, do nhiều lý do, nhiều điều kiện mà sự tự do xuất bản chưa được mở rộng đến như mong muốn của một số nhà văn.

Nhưng lấy điều này, điều kia làm cớ để không có tác phẩm lớn là ngụy biện. Nếu thật sự vì dân tộc, vì con người thì hãy viết những điều lớn lao nhất, để đến một ngày kể cả khi anh mất rồi, chúng tôi sẽ đến ngôi nhà của anh như một cuộc hành hương, mở tác phẩm của anh đọc, tôn vinh nó.

Có phải anh ám chỉ rằng sự dấn thân của nhà văn Việt Nam vẫn chưa đủ?

Xin kể một câu chuyện. Có một người năm đó làm đơn vào Hội nhà văn không được, anh ấy nói với tôi sẽ không viết văn nữa. Tôi nói lại với anh ấy rằng, nếu anh ấy viết văn chỉ để vào hội nhà văn, để nổi tiếng, để lấy một giải thưởng thì đừng viết, không ai đợi chờ những tác phẩm đó với mục đích đó. Anh ấy phải viết văn như thể anh ấy không còn cách nào nữa, đau đớn phải bật tiếng kêu lên, hạnh phúc phải bật tiếng kêu lên, kinh ngạc phải bật tiếng kêu lên.

Sự dấn thân, đồng thời nhận thức đời sống, xã hội cũng như kiến thức của nhà văn chúng ta còn mong manh vô cùng, nó còn chưa đầy đủ. Họ phải sống, phải học, phải lao động, phải dấn thân, phải vô lợi ích… Lúc đó hội tụ tất cả, cộng với nhiều điều khác nữa mới làm nên một nhà văn lớn.

Đấy là về mặt lý tưởng, nhưng xét cho cùng nhà văn cũng phải sống, giờ anh bảo là hy sinh tất cả như thế để có một tác phẩm lớn thì liệu người ta có thể theo đuổi?

Câu hỏi đấy đã chứa đựng sự yếu hèn của một nhà văn. Hãy đọc tiểu sử của nhiều nhà văn danh tiếng trên thế giới, không phải tự nhiên họ lớn, họ phải làm tất cả các thứ, phải sống đôi khi như một kẻ cùng quẫn và ăn mày, để được viết văn.

Trừ khi anh không có cái gì ăn thì chết đói, hoặc bị cách bức với việc sáng tác… còn thì chúng ta tự do trên máy tính, tự do trên trang giấy và toàn quyền với trí tưởng tượng, với ngòi bút của mình.

nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu

Văn học cũng như mọi lĩnh vực đều cần sự tiếp nối. Anh thấy thế hệ các nhà văn trẻ hiện nay ra sao?

Tôi nghĩ rất nhiều người trẻ thực sự đã mang lại một hơi thở, cách nhìn và một thi pháp mới mẻ đặc biệt trong thi ca, có những người khi xuất hiện khiến tôi hoàn toàn nể phục. Trong nghệ thuật, người đi sau luôn luôn khó khăn, anh ta phải chọn một con đường mà chưa ai đi cả, mở một con đường mới, làm nên một chiều kích mới.

Không thiếu những định kiến cho rằng nhà văn trẻ ngày nay còn mù mịt, họ làm mất bản sắc, xa lạ với tính dân tộc. Nhưng đó là một cách nhìn nhận không công bằng, phiến diện đôi khi sai lầm. Hãy thấy rằng, họ viết bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, viết bằng hiện thực dân tộc họ, gia đình, xã hội…của họ nhưng bằng một cách nhìn khác. Và qua đó, họ giúp tiếng Việt mở rộng chiều kích, mang tới vẻ đẹp mới cho tiếng Việt.

Nhìn vào thế hệ kế tiếp, ông có kỳ vọng sẽ có tác phẩm lớn cho Việt Nam?

Có những nhà văn nước ngoài nói với tôi rằng họ khát vọng “một mẩu” hiện thực của dân tộc ta. Đúng vậy, dân tộc Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố, hiện thực đầy phong phú, đa dạng và đầy bi thương trong lịch sử. Đó là những năng lượng, nguyên liệu tuyệt vời cho một nền văn học, cho những nhà văn lớn.

Ngay như cuộc chiến tranh của chúng ta, nó đã đi qua 40 năm, nhưng tôi tin sẽ có những nhà văn với những dữ liệu, tư liệu thực sự của cuộc chiến tranh này sẽ viết nên những tác phẩm tầm cơ đúng với bản chất của cuộc chiến tranh này.

Nếu phải mở một cánh cửa quan trọng nhất để những thế hệ nhà văn đi sau làm được việc mà thế hệ nhà văn hiện nay chưa làm được theo anh đó là cái gì?

Đây là một câu hỏi khó. Điều quan trọng nhất có lẽ là mỗi thế hệ làm đúng bổn phận của thế hệ mình và tôn trọng sự khác biệt của những thế hệ khác. Đôi khi sự động viên, chia sẻ và tôn trọng là chất xúc tác vô cùng quan trọng giữa những người viết với nhau, đặc biệt giữa những người viết ở các thế hệ khác nhau.

Không thiếu những định kiến cho rằng nhà văn trẻ ngày nay còn mù mịt, họ làm mất bản sắc, xa lạ với tính dân tộc. Nhưng đó là một cách nhìn nhận không công bằng, phiến diện đôi khi sai lầm. Hãy thấy rằng, họ viết bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, viết bằng hiện thực dân tộc họ, gia đình, xã hội…của họ nhưng bằng một cách nhìn khác. Và qua đó, họ giúp tiếng Việt mở rộng chiều kích, mang tới vẻ đẹp mới cho tiếng Việt.

Có không ít những người trẻ khi bị các nhà văn, nhà thơ lớn tuổi chê, họ bắt đầu thay đổi hướng đi, dù họ đang đi trên một con đường tắt, một con đường tự do băng qua cánh đồng, mạo hiểm nhưng đầy kỳ vĩ.

Khi tôi cất lên giọng nói của chính tôi trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, đã có những người cùng thế hệ rời bỏ tôi, vì cho tôi là một kẻ vô loài, lạc lõng. Nhưng tôi phải ra đi, phải trải nghiệm, phải tìm con đường của tôi, cho dù có thể tôi sẽ không trở thành gì cả.

Điều quan trọng của mỗi một nhà văn là anh ta phải mang chính giọng nói của anh ta. Sự khác biệt làm cho con người muốn sống, muốn sáng tạo, còn tất cả đều giống nhau thì khác nào đám hàng mẫu bày trong tủ kính, chúng ta chỉ đi qua một lượt và không bao giờ muốn quay lại.

Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện.

nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu