Những người bị rình rập sẽ được sống trong nhà tạm lánh do chính quyền xây dựng. |
Vụ nữ nhân viên nhà ga bị sát hại trong nhà vệ sinh tại ga Sindang, Seoul vào ngày 14/9 đã gây chấn động dư luận khắp Hàn Quốc. Kẻ gây án là nam đồng nghiệp từng bị nạn nhân tố cáo vì quấy rối và quay lén. Cô gái 28 tuổi bị giết chết ngay trước phiên xử của tòa.
Công chúng Hàn Quốc đang tập trung vào vấn đề phụ nữ trở thành mục tiêu rình rập, thậm chí bị sát hại bởi kẻ theo dõi. Nhiều người cho rằng các biện pháp bảo vệ của cảnh sát với người bị đeo bám là không hiệu quả trong nhiều trường hợp, theo Korea Times.
Ngày 26/9, trong cuộc họp tại trung tâm hỗ trợ khẩn cấp cho phụ nữ Seoul 1366, thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã thông báo vào rằng thành phố sẽ mở 3 cơ sở bảo vệ cho các nạn nhân bị rình rập vào tháng 10. Đây cũng là những cơ sở đầu tiên thuộc loại này. Nơi này sẽ cung cấp nơi trú ẩn và tư vấn cho người cần.
Đây là sáng kiến của Bộ phận Chính sách Bình đẳng Giới thuộc Văn phòng Chính sách Phụ nữ và Gia đình thuộc chính quyền thành phố nhằm ngăn chặn các vụ việc rình rập tiếp theo.
Những cơ sở này được gọi là "nhà tạm lánh". Sẽ có 3 cơ sở đầu tiên được mở, 2 nơi dành cho tối đa 10 phụ nữ và một cơ sở khác dành cho tối đa 4 đàn ông. Họ có thể ở lại trong một năm.
Lần đầu tiên tại Hàn Quốc, nhà tạm lánh không chỉ cung cấp sự bảo vệ và tư vấn tâm lý mà còn giúp người bị rình rập duy trì cuộc sống.
Giám đốc điều hành Seoul Metro Kim Sang-bum cúi đầu trước công chúng khi đến hiện trường nơi nữ nhân viên bị sát hại. Ảnh: Yonhap. |
Trước đó, không có cơ sở nào dành riêng cho người bị theo dõi và đeo bám. Một số người đã sử dụng cơ sở dành cho nạn nhân bị bạo hành gia đình hoặc bạo lực tình dục.
Những người bị rình rập là nam giới được gửi tới những nơi trú ẩn tạm thời hoặc cơ sở cho người vô gia cư.
Hiện tại, các nhà tạm lánh được thiết kế để bảo vệ nạn nhân, hạn chế họ tiếp tục công việc hàng ngày để giảm rủi ro bị lộ tung tích cho những kẻ theo dõi.
Bắt đầu từ năm 2023, thành phố cũng sẽ triển khai "dịch vụ một cửa dành cho các nạn nhân bị rình rập": cung cấp các liệu pháp tâm lý, hỗ trợ pháp lý, điều trị y tế và bảo vệ cùng một nơi. Hiện tại, những dịch vụ như vậy được cung cấp bởi các tổ chức khác nhau.
Một biện pháp khác được tiến hành trong năm nay. Trong đó, chính quyền thành phố và Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul cung cấp 3 thiết bị an ninh gia đình, bao gồm chuông cửa thông minh, camera an ninh gia đình và cảm biến mở cửa, cho 500 người đang bị rình rập được cảnh sát theo dõi.
Một loại dịch vụ vệ sĩ cũng đang được lên kế hoạch nhằm giúp những người bị theo dõi có thể đi làm mà không bị quấy rầy.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc tuần trước đã thông báo sẽ cung cấp nhân viên bảo vệ cho những nạn nhân có nguy cơ cao trong 14 ngày, và sẽ thử nghiệm dịch vụ này từ năm sau, bắt đầu từ khu vực thủ đô và mở rộng dần.
Cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền ở Seoul vào ngày 12 tháng 2. Ảnh: AP. |
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm rình rập, chính quyền thành phố có kế hoạch xuất bản cuốn sách hướng dẫn những điều nên làm để tránh kẻ đeo bám; mở rộng chương trình giáo dục và giới thiệu phòng trò chuyện trực tuyến để tư vấn và chia sẻ thông tin cho những người bị kẻ xấu đeo bám.
Chính quyền Seoul cho biết các biện pháp trực tuyến sẽ đặc biệt hiệu quả vì hầu hết nạn nhân đều ở độ tuổi 20 và đầu 30, họ đã quen với công nghệ và mạng xã hội.
Các tổ chức liên quan cũng sẽ thường xuyên khảo sát công chúng 3 năm một lần kể từ năm 2023 để đánh giá mức độ ảnh hưởng của tội phạm đến xã hội.
Kim Seon-soon, Trưởng phòng Bình đẳng giới của thành phố cho biết: "Từ trung tâm hỗ trợ trong tương lai đến các nhà tạm lánh, chúng tôi sẽ hình thành một mạng lưới hợp tác chung và củng cố sự liên kết giữa chính quyền thành phố đến cảnh sát. Chúng tôi sẽ trao quyền cho hệ thống hỗ trợ bằng cách thường xuyên theo dõi các đối tượng có nguy cơ và giới thiệu các cơ sở quản lý và điều trị cho các nạn nhân sau sự cố".
Theo Zing