- Giá nhà ở xã hội tại Hà Nội dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/căn. Các chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều cho rằng, khả năng xây được nhà 100 triệu đồng như Bình Dương là điều khó thực hiện được tại Hà Nội.
Đắt vì chưa có giá chuẩn
Mặc dù, được công bố với mức giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng/căn nhưng thực tế, giá bán nhà ở xã hội (NOXH) những dự án gần đây trên thị trường Hà Nội đang đắt dần lên, đắt ngang ngửa với một số dự án nhà ở thương mại.
Theo khảo sát tại các dự án như Tây Nam Linh đàm (Hoàng Mai), 143 Trần Phú (Hà Đông), 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) có mức giá từ 13 – 15 triệu đồng/m2. Dự án của CEO ở Quốc Oai có diện tích từ 48m2 - 65m2 với giá bán dưới 10 triệu đồng/m2.
Đây đều là mức giá tạm tính, vì dự án nhà ở xã hội phải chờ quyết toán xong mới có giá chính xác. Cùng loại, cùng được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất nhưng mỗi dự án lại có mức giá bán khác nhau, chênh nhau tới vài triệu đồng mỗi mét vuông là điều khiến người dân băn khoăn.Trong khi đó, hiện nay trên thị trường có khá nhiều dự án nhà ở thương mại chào bán với giá tương đương, thậm chí có dự án giá còn thấp hơn.
Ông Vũ Hồng Thành – Giám đốc Ban Quản lý Tòa nhà Ecohome1, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho hay, công ty chưa đưa ra mức giá cụ thể vì còn căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng cùng các liên ngành Thành phố xác định giá và báo cáo UBND Thành phố. Hiện nay dự án Ecohome đang được Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ xác định giá.
Giá nhà ở thương mại trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh mạnh ở tất cả các phân khúc trên thị trường, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện nay, theo đánh giá của ông Tạ Văn Tố - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư C.E.O, giá nhà khó có thể giảm sâu hơn và đang có xu hướng tăng trở lại.
Giá bán nhà ở xã hội những dự án gần đây trên thị trường Hà Nội đang đắt dần lên |
Hiện tại giá chênh lệch giữa nhà ở thương mại và NOXH cùng vị trí dao động từ 3 - 5 triệu/m2 nên NOXH vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn so với nhà ở thương mại. Người dân đủ điều kiện mua NOXH được vay vốn với lãi suất 5%/năm cho suốt 15 năm, trong khi mua nhà ở thương mại lãi suất cao hơn nhiều.
Nguồn cung nhà xã hội vẫn thấp hơn so với nhu cầu của thị trường. Hơn 2000 hồ sơ đăng ký mua trong khi đó chỉ có 800 căn, dự án Ecohome tại quận Bắc Từ Liêm đã bán hết ngay sau khi được công bố.
Hay như Viglacera đã đưa ra thị trường gần 900 căn, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7-2014, chủ đầu tư đã nhận được hơn 1.200 hồ sơ đăng ký mua nhà. Tương tự như vậy, các dự án như Tây Nam Linh đàm (Hoàng Mai), 143 Trần Phú (Hà Đông) cũng đều nhận được số người mua gấp ba bốn lần số lượng căn hộ thực tế.
Các doanh nghiệp vẫn chỉ mới phát triển được một vài dự án và đang thiếu đất để triển khai thêm. Đại diện CT CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà, ông Nguyễn Trọng Phước cho hay sau khi dự án 143 Trần Phú bàn giao cho khách hàng, vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào triển khai. Hiện nay, công ty vẫn đang tiến hành triển khai tìm kiếm và mục tiêu trong vòng 2 - 5 năm tới, sẽ thực hiện nếu được Bộ xây dựng và UBNN thành phố Hà nội phê duyệt.
Không thể làm nhà 100 triệu
Mặc dù đã có nhiều dự án triển khai song, mức giá bán thấp nhất một căn hộ cũng phải lên tới 500 triệu đồng/căn. Duy nhất có dự án Nhà máy bê tông đúc sẵn Xuân Mai đã làm nhà cho công nhân, kỹ sư khoảng 50 m2 , với giá khoảng dưới 5 triệu đồng/m2 (250 triệu/căn hộ).
Khả năng xây được nhà 100 triệu đồng như Bình Dương là điều khó thực hiện được tại Hà Nội. |
Chủ đầu tư dự án NOXH ở Quốc Oai cũng lắc đầu cho rằng, việc đầu tư căn hộ 100 triệu đồng là điều không thể. Đơn cư như dự án của ông mức giá đưa ra khoảng 10 triệu đồng, như vậy 1 căn hộ bé nhất cũng lên tới 480 triệu đồng.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hà Nội, có người cho rằng là nơi đất chật người đông, không thể làm như Bình Dương được.
Ông Liêm cho rằng, Bình Dương đang có bí quyết thành công. Ngoài giá đất rẻ thì họ xây nhà theo phố, tầng một bán cho người làm kinh doanh, các tầng trên bán hoặc cho công nhân thuê ở. Doanh nghiệp kiếm lãi từ việc bán cho người mua tầng 1, phía trên bán rẻ… nên thu hồi vốn nhanh. Với Bình Dương, hòa vốn trong nhà ở là đã tốt, bởi cái lợi mang lại là thu hút người lao động đến địa phương.
“Nếu muốn làm, thì Thành phố nên tạo điều kiện xây những tòa nhà 20 tầng, trong đó bán giá cao những tầng 1, 2, 3 để làm kinh doanh, rồi các tầng cao hơn bán căn hộ tương đối sang trọng, 8 tầng trên cùng làm căn hộ nhỏ bán hòa vốn hay giá rẻ. Lấy lãi này bù cho thiệt kia. Nếu ai đưa ra dự án như vậy thì Thành phố tạo điều kiện. Tiền thuế của những tầng cao thì giảm… như vậy, tạo ra điều kiện cho người giàu và người nghèo cùng được hưởng hạ tầng xã hội như nhau”, ông đề xuất.
Trong năm 2014 đã có 9 dự án nhà ở xã hội được Hà Nội chấp thuận đầu tư với hơn 6.000 căn hộ.Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 38 dự án nhà ở xã hội với 19.686 căn hộ đã bán hết.
Duy Anh