Sapo_Phuong Lan.jpg

Khi nghĩ về điện ảnh Việt Nam hiện tại, điều gì khiến bà trăn trở nhất?

Bà Ngô Phương Lan: Điện ảnh Việt Nam đã bước vào guồng phát triển từ hàng chục năm trước, dù hiện nay tốc độ phát triển chưa được như mong muốn. Nếu nhìn theo hướng lạc quan, có thể thấy thị trường phim Việt đang có những bước tăng trưởng đáng kể.

Từ khi tôi còn làm việc đến nay, doanh thu phim Việt luôn tăng trung bình 20% mỗi năm, thậm chí có thời điểm cao hơn. Hiện tại, doanh số từ phim Việt chiếm khoảng 40% trong tổng doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng của ngành, đặc biệt sau sự thành công của các phim do những đạo diễn "nghìn tỷ" như Trấn Thành, Lý Hải thực hiện. Đây là một tín hiệu rất tích cực bởi có những quốc gia khác thậm chí không làm được phim.

Dù vậy, để đạt đến một nền điện ảnh phát triển chuyên nghiệp, bài bản, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài.

Chúng ta đã có chiến lược phát triển điện ảnh nhưng lại gặp nhiều rào cản từ hệ thống pháp luật, trong đó có những quy định chồng chéo, thiếu nhất quán, khiến việc thực hiện chiến lược gặp khó khăn. Hơn nữa, điện ảnh chưa phải là ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, điện ảnh vẫn được đề cao, nhưng cách thực hiện lại thiếu ổn định, lúc mạnh mẽ, lúc chững lại.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành điện ảnh vì một nền điện ảnh vững mạnh đòi hỏi sự phát triển đồng bộ từ nhiều lĩnh vực khác.

Quote 1_Phuong Lan.jpg
Bà Ngô Phương Lan tại buổi làm việc với Chủ tịch và lãnh đạo cấp cao Sony Pictures ngày 03/03/2025 ở Hollywood, Los Angeles, Hoa Kì.

Một bộ phim là kết quả của sự sáng tạo tập thể. Kịch bản dù xuất sắc đến đâu cũng chỉ là những trang giấy nếu không được hiện thực hóa. Nếu một đạo diễn không biết tận dụng ngôn ngữ điện ảnh để kể chuyện bằng hình ảnh, bộ phim sẽ không thành công. Có kịch bản tốt, đạo diễn tài năng, nhưng nếu thiếu một ekip quay phim chuyên nghiệp, dàn diễn viên chất lượng, rồi âm thanh đạt chuẩn thì tác phẩm cũng chưa chắc hay.

Điện ảnh còn là một ngành công nghiệp tốn kém, đòi hỏi sự đầu tư lớn ở nhiều công đoạn. Ngay cả khi đã làm ra một bộ phim hay, nếu không có chiến lược quảng bá hiệu quả thì không tiếp cận được khán giả, hoặc nếu không biết lựa chọn gửi liên hoan phim phù hợp thì khó giành được giải thưởng. Đây chính là vấn đề mà điện ảnh Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.

Vì sao vậy, thưa bà?

Trước đây, chắc các bạn còn nhớ, Việt Nam chưa từng có khái niệm "nhà sản xuất phim" mà chỉ có "chủ nhiệm phim". Khi đó, Nhà nước cấp ngân sách cho đoàn phim, chủ nhiệm phim quản lý chi tiêu cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Giai đoạn phát hành lại do đơn vị khác đảm nhiệm. Trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, có phim để xem là quý giá lắm, nên khán giả gần như mặc nhiên đón nhận.

Sau này, các nhà làm phim tư nhân bắt đầu tự đầu tư sản xuất phim. Tuy nhiên, họ phải đứng dưới danh nghĩa của các hãng phim nhà nước hoặc của tổ chức như Hãng phim Giải Phóng hay Hãng phim Hội Nhà Văn… Điều này khiến họ gặp nhiều hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu và khẳng định trách nhiệm của mình.

Mãi đến cuối năm 2002, các hãng phim tư nhân mới chính thức được phép thành lập và hoạt động độc lập. Khi có tư cách pháp lý rõ ràng, họ buộc phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu và thực sự đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất phim. Vai trò này đặc biệt quan trọng và chỉ khi điện ảnh tư nhân được phát triển, nó mới được đề cao.

Chính vì thế, công tác quản lý cũng cần đổi mới, trở nên chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ ngành điện ảnh phát triển.

Quote 3_Phuong Lan.jpg

Thưa bà, làm phim chắc chắn là cần hợp tác giữa nhà nước và nhà sản xuất tư nhân hay nói cách khác là hợp tác công tư. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là điển hình của câu chuyện thành công của hợp tác công tư. Bà có thể kể lại, vì sao cũng trong khung khổ pháp lý hạn chế mà có thể xây dựng bộ phim đó?

Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, sản xuất năm 2015 theo mô hình hợp tác công tư, là một trong những thành công tiêu biểu của mô hình này.

Thời điểm đó, tôi giữ cương vị Cục trưởng và đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy dự án. Lúc bấy giờ, mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân vẫn còn rất mới mẻ và theo quy định, Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí sản xuất, 30% còn lại do đối tác tư nhân đảm nhận. Chẳng hạn, với một bộ phim có kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, Nhà nước đầu tư hơn 8 tỷ đồng, phần còn lại do tư nhân đóng góp. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa đủ để đảm bảo chất lượng sản xuất, buộc nhà đầu tư tư nhân phải huy động thêm nguồn lực tài chính.

Quá trình triển khai dự án gặp không ít khó khăn và phải mất hai năm để bộ phim được phê duyệt sản xuất. Ban đầu, kịch bản do tác giả kịch bản Việt Linh chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh rất giàu chất điện ảnh, nhưng cả chị Việt Linh và chị Đinh Thanh Hương – Giám đốc Galaxy, đồng thời là Giám đốc sản xuất – tỏ ra e ngại, bởi phim dành cho thiếu nhi thường khó thu hồi vốn. Họ nói với tôi rằng, nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước, họ sẵn sàng thực hiện phim.

Bộ phim được lên ý tưởng từ năm 2012 và phải đến năm 2015 mới chính thức được ra mắt. Galaxy, Phương Nam Phim, Nhà hát Ca múa nhạc Thành phố Hồ Chí Minh là các đối tác cùng tham gia vào dự án phim với 70% kinh phí đặt hàng của Nhà nước.

Quote 2_Phuong Lan.jpg

Khi tư nhân đầu tư 30% kinh phí theo quy định, đồng thời bổ sung thêm vốn, họ có trách nhiệm cao hơn với bộ phim, góp phần thúc đẩy chất lượng và hiệu quả thương mại. Kết quả là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt doanh thu 80 tỷ đồng chỉ sau hơn một tháng công chiếu – một con số ấn tượng đối với phim Việt Nam lúc bấy giờ. Thành công này đã mở ra một xu hướng mới là làm phim về lứa tuổi học trò, những kỷ niệm thời thơ ấu, những tình cảm đầu đời. Nó khác hẳn những phim “câu khách” bằng “sốc và sex” lúc đó!.

Quả là phim đã góp phần nâng cao chất lượng điện ảnh nước nhà trong bối cảnh ngành công nghiệp phim Việt đang có dấu hiệu chững lại. Hơn nữa, chính “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã tạo cơn sốt du lịch Phú Yên sau khi khán giả chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp thơ mộng trong phim, khiến Phú Yên được mệnh danh là xứ “hoa vàng cỏ xanh”.

Như vậy, bên cạnh yếu tố tài chính, sự tham gia của tư nhân còn mang đến những lợi thế đáng kể. Họ không chỉ nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng, xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả mà còn góp phần thúc đẩy du lịch tại các địa phương nơi phim được quay. Đây chính là giá trị cốt lõi mà mô hình hợp tác công tư mang lại – tạo lợi ích hài hòa cho nhiều bên, từ nhà sản xuất, đơn vị phát hành đến khán giả và cả ngành du lịch.

Thưa bà, vậy mô hình hợp tác công tư trong điện ảnh đã được mở ra đấy chứ?

Bộ phim “Đào, Phở và Piano”, một tác phẩm được nhà nước đặt hàng, cũng đã trở thành hiện tượng khi ra mắt. Phim được công chiếu tại rạp và thu hút sự quan tâm của khán giả. Tôi rất vui khi thấy công chúng vẫn dành sự chú ý cho những đề tài truyền thống, đặc biệt là đề tài chiến tranh – vốn thường bị xem là khó khai thác.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi nhận thấy bộ phim này đã bộc lộ nhiều bất cập trong cơ chế phát hành. Thời điểm đầu ra rạp, phim chiếu trong 7- 8 ngày nhưng rất ít người biết đến. Doanh thu có lẽ chỉ đạt trên 100 triệu đồng. Mãi đến khi một TikToker đưa phim lên mạng xã hội, clip đó mới “viral” và tạo ra cơn sốt. Thế nhưng, do phim chỉ được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia – nơi có số lượng phòng chiếu hạn chế – nên không thể đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Một vấn đề lớn là nhà nước chỉ cấp kinh phí để sản xuất phim, nhưng lại không hỗ trợ chi phí phát hành hay đưa phim ra rạp. Điều này dẫn đến tình trạng các hãng phim không có trách nhiệm trong khâu phát hành, vì họ coi như đã hoàn thành nhiệm vụ khi bộ phim được sản xuất xong.

Bất cập tiếp theo là mô hình phát hành: càng phát hành phim, đơn vị phát hành càng chịu lỗ, bởi toàn bộ doanh thu phải nộp lại cho ngân sách, thay vì được giữ lại để tái đầu tư. Những nhà rạp muốn quảng bá thương hiệu có thể sẽ bỏ tiền để phát hành phim, nhưng với các đơn vị lớn đã có tên tuổi – những công ty phát hành nội địa có thương hiệu vững chắc – hay các tập đoàn nước ngoài thì họ không mặn mà với mô hình này.

Những hạn chế trên khiến hợp tác công tư bị nghẽn không tạo động lực cho các đơn vị sản xuất và phát hành trong nước.

Quote 4_Phuong Lan.jpg
Bà Ngô Phương Lan phát biểu tại buổi lễ khai mạc Những ngày phim Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 6/03/2025.

Năm 2025 đánh dấu 50 năm ngày thống nhất đất nước. Là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) bà dự định sẽ làm gì để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này?

Tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần III, năm 2025 dự kiến diễn ra từ ngày 29/6 đến 5/7, chúng tôi quyết định giới thiệu một chương trình đặc biệt mang tên "Phim Việt Nam về đề tài chiến tranh”, trong đó sẽ chiếu lại 20 bộ phim chiến tranh tiêu biểu được sản xuất sau ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; sẽ có những buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà làm phim và khán giả để các thế hệ- đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về giá trị của cuộc sống hoà bình và những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh để Việt Nam có ngày hôm nay. Đây không chỉ là những bộ phim về chiến tranh, mà còn phản ánh giai đoạn chuyển mình của đất nước, khắc họa các giá trị cao đẹp của dân tộc.

Tôi hy vọng thông qua chương trình này, các nhà làm phim quốc tế khi đến với DANAFF III sẽ có góc nhìn khác về điện ảnh Việt Nam. Không nên chỉ xem phim chiến tranh Việt Nam là những phim “tuyên truyền”, mà cần nhìn nhận sâu hơn về giá trị nhân văn mà điện ảnh Việt Nam mang lại. Nhân vật trong các bộ phim không chỉ kể về chiến tranh, mà còn thể hiện những số phận con người với chiều sâu cảm xúc và bản sắc dân tộc.

Bên cạnh trình chiếu phim, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về phim chiến tranh Việt Nam với cái nhìn của các tác giả, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Một tiêu điểm khác của DANAFF III là điện ảnh Hàn Quốc - một nền điện ảnh rất thành công của Châu Á, có nhiều điều để học hỏi. Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ sự phát triển mạnh mẽ của họ.

Trước đây, khi còn làm ở Cục Điện ảnh, tôi từng có cơ hội sang Hàn Quốc. Các đồng nghiệp tại đó đã nói với tôi rằng: “Hai mươi năm nữa, điện ảnh Việt Nam sẽ đạt được những gì mà điện ảnh Hàn Quốc có hôm nay”. Khi nghe điều đó, tôi không khỏi chạnh lòng, bởi hàm ý của câu nói ấy là điện ảnh Việt Nam vẫn còn tụt hậu. Trở về nước, tôi trăn trở rất nhiều. Điều này cho thấy họ đã tiến xa với tốc độ đáng kinh ngạc, trong khi chúng ta lại phát triển chậm hơn, khoảng cách ngày càng nới rộng.

Xem lại bài 1: Nhà phê bình Ngô Phương Lan: ‘Con người Việt Nam đầy cảm xúc, nhân văn’

Box_Phuong Lan.jpg