Theo Kotaku, hôm 18/12, Alfonso Ribeiro, diễn viên đóng vai Carlton trong The Fresh Prince of Bel-Air, series phim truyền hình ăn khách của Mỹ thập niên 90 đệ đơn kiện hãng game Epic vì sử dụng điệu nhảy của mình mà không hề xin phép.
Trong game Fortnite, để sở hữu điệu nhảy biểu cảm "Fresh", người chơi phải bỏ ra số tiền dao động từ 4,99-9,99 USD để nạp vào 800 V-Buck tiền ảo trong game. Điệu nhảy "Fresh" của diễn viên Alfonso Ribeiro trong phim là một biểu tượng trong nền văn hóa đại chúng Mỹ.
Đoạn clip ngắn trích đoạn "The Carlton Dance" trên YouTube có hơn 18 triệu lượt view. Theo TMZ, vụ kiện điệu nhảy "Fresh" là kết quả của việc Ribeiro cố gắng đăng ký sở hữu bản quyền bước nhảy thương hiệu của mình.
Fortnite không phải là game duy nhất thu lợi nhuận từ điệu nhảy. Alfonso Ribeiro còn đệ đơn kiện nhà phát hàng game bóng rổ NBA 2K16 mang tên 2K.
Trả lời TMZ, luật sư của diễn viên Alfonso Ribeiro cho rằng hãng Epic đã kiếm được một khoản kha khá khi bán những biểu cảm liên quan đến nền văn hóa đại chúng Mỹ.
"Chúng ta có thể nhận thấy tài sản trí tuệ của Ribeiro bị lợi dụng và kiếm lời bởi hãng Epic Games cho tựa game đình đám nhất thế giới, Fortnite. Tuy nhiên, Epic Games không hề trả một đồng bạc tiền bản quyền hay thậm chí xin phép thân chủ tôi", vị luật sư nói.
Theo Gamespot, Terrance Ferguson từng kiện Epic Games vì sử dụng điệu nhảy Milly Rock cho biểu cảm "Swipe it" mà không hề xin phép. Rapper người Mỹ Chance the Rapper lên án hành động này của nhà sản xuất game Fortnite và cho rằng đây là hành vi "bào mòn chất xám của nghệ sĩ Mỹ gốc Phi".
"Fortnite thử mix nhạc và hát rap trên nền các bài nhảy mà các người lấy làm Emote kiếm tiền ấy mà xem. Trong khi nghệ sĩ gốc Phi chúng tôi sáng tạo và truyền bá những điệu nhảy ấy miễn phí thì các người thu lợi từ chúng. Thử tưởng tượng bao nhiêu tiền đã đổ vào game để sở hữu những Emote trong Fortnite", Chance the Rapper viết trên trang Twitter cá nhân.
Hiện tại, Epic Games vẫn chưa đưa ra lời bình luận về vụ việc trên.
Từ lúc Fortnite trở thành hiện tượng toàn cầu cho đến nay, nhà sản xuất Epic Games liên tục vướng phải những vụ kiện tụng, tranh chấp pháp lý.
Tháng 5, PUBG Corp, nhà phát hành game PlayerUnknown Battlegrounds, tiên phong trong thể loại game sinh tồn bắn súng kiện Fortnite vì "Fortnite có khả năng đánh tráo những trải nghiệm mà PUBG từng mang lại". Tuy nhiên, vụ kiện đã bị hủy bỏ ngay sau đó.
Theo Zing