cong-nghiep-CNTT1.jpg
Cần xem lại những cơ chế, chính sách ưu đãi chung chung, không hỗ trợ được cho doanh nghiệp CNTT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cần kiểm lại các loại ưu đãi

Tại Hội thảo Chương trình Quốc gia Phát triển công nghiệp CNTT do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 31/5/2012 ở Hà Nội, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nhấn mạnh tới việc phải sớm tổng kết lại hoạt động xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp CNTT, trong đó liệt kê các chính sách, cơ chế đã ban hành và đánh giá xem thực tế 5 năm qua, mỗi cơ chế, chính sách có thực sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hay không, những chính sách nào còn chung chung, không đi vào thực tế, và còn những rào cản nào trong quá trình áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi…

Ông Hỷ nêu dẫn chứng: Nghị định số 71/2007 của Chính phủ quy định Khu CNTT được hưởng ưu đãi ở mức tương đương các chính sách ưu đãi hiện hành cho Khu công nghệ cao, đồng nghĩa nếu doanh nghiệp tiến hành ứng dụng công nghệ cao thì phải được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, khi doanh nghiệp TMA thuộc Khu công viên phần mềm Quang Trung nhập khẩu các trang thiết bị CNTT-viễn thông, lắp đặt các phòng thiết bị để phục vụ việc gia công phần mềm, đo kiểm các thiết bị viễn thông chuyên dùng theo yêu cầu của các dự án, thì việc nhập khẩu các trang thiết bị lại vẫn bị đánh thuế.

Góp ý cụ thể cho Dự thảo Chương trình Quốc gia Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020, ông Hỷ cho rằng đối với các cơ chế, chính sách ưu đãi, Bộ TT&TT cần ghi rõ “các dự án công nghiệp CNTT được hưởng mức ưu đãi cao nhất” chứ không nên ghi chung chung là “ưu đãi theo Chương trình này”.

Thậm chí, ông Hỷ còn đề xuất Bộ TT&TT ghi hẳn vào Dự thảo các con số tỷ lệ cụ thể về ưu đãi thuế. Chẳng hạn, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng mức 10% cho hoạt động CNTT trong suốt 50 năm; về thuế giá trị gia tăng và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đưa hoạt động CNTT vào diện đối tượng không chịu thuế và bổ sung điều này vào Luật CNTT, Luật Công nghệ cao; về thuế thu nhập cá nhân, miễn 50% cho người làm việc tại các dự án CNTT và ban hành một thang thuế suất mới (từ 0% - 5%) áp dụng cho những người tham gia trực tiếp hoạt động R&D trong suốt thời gian làm việc trong các Khu CNTT, Khu công nghệ cao.

“Cần có những con số cụ thể về việc ưu đãi để tránh chuyện các cơ quan Nhà nước nói rằng chỉ thấy ghi chung chung trong Luật là “ưu đãi mức cao nhất” chứ không có hướng dẫn cụ thể rồi không duyệt ưu đãi cho doanh nghiệp”, ông Hỷ nhấn mạnh thêm.

Liên quan tới vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành có ảnh hưởng tới sự phát triển của công nghiệp CNTT Việt Nam, ông Hỷ đề xuất các Bộ, ngành làm chính sách cho CNTT cần phải thấm nhuần thông điệp của Chính phủ trong Nghị quyết TW 13 về việc ưu tiên phát triển CNTT như hạ tầng của mọi hạ tầng.

“Các Bộ, ngành phải phối hợp ủng hộ nếu Thủ tướng đã quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia Phát triển công nghiệp CNTT. Những khâu nào không đạt yêu cầu thì phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan. Chẳng hạn không có vốn để triển khai dự án, chương trình khiến chậm tiến độ thì Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải chịu trách nhiệm”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cũng khuyến nghị.

Nhà nước không nên “tranh việc” của doanh nghiệp

Theo ông Chu Tiến Dũng, để các doanh nghiệp công nghiệp CNTT nói riêng và doanh nghiệp CNTT nói chung có thêm “đất” cũng như cơ hội phát triển thì Nhà nước cần phải đóng vai trò là một hộ tiêu dùng hoặc một khách hàng lớn, chỉ làm những việc gì mà các doanh nghiệp không thể làm được.

Trên thực tế, hiện nay đang có hiện trạng các cơ quan chuyên trách CNTT của Bộ, ngành cũng thành lập các bộ phận đảm nhận chức năng tự sản xuất ra các phần mềm để phát hành (nhiều trường hợp bắt buộc sử dụng) trong ngành dọc, vô hình chung đặt ra sự cạnh tranh không bình đẳng đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn như các doanh nghiệp làm phần mềm kế toán khó có cơ hội mở rộng thị phần trong khối cơ quan Nhà nước thuộc Bộ Tài chính; doanh nghiệp làm phần mềm đất đai cũng “dưới cơ” trong khối cơ quan Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường… Sự “tranh việc” như vậy sẽ có thể làm méo mó thị trường.

“Nên chăng các cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo ra nhu cầu, tạo ra nhiều đơn đặt hàng hơn nữa cho doanh nghiệp, có như vậy mới thúc đẩy thị trường phát triển”, ông Dũng khuyến nghị.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng đề xuất: “Nhà nước nên “tự giải phóng”, huy động các hiệp hội tham gia để tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ mà doanh nghiệp, hiệp hội không làm được”.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề thị trường của doanh nghiệp đang là khâu cốt yếu, cần sự hỗ trợ nhất từ phía Nhà nước. “Cơ quan quản lý Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn cho vai trò định hướng, dự báo, dẫn dắt thị trường. Hiện các doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm thấy các bản dự báo, đánh giá với những số liệu chi tiết, cụ thể do cơ quan Nhà nước ban hành hàng năm nhằm giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch phát triển cho mình”, ông Chu Tiến Dũng đề xuất thêm.