Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến giữa năm 2024, số hộ nghèo huyện Cần Giuộc giảm còn 449 hộ, chiếm tỷ lệ 0,79%; hộ cận nghèo giảm còn 869 hộ, chiếm tỷ lệ 1,52%. Mới đây nhất, theo rà soát cuối năm 2024, huyện chỉ còn 345 hộ nghèo (0,6%) và 743 hộ cận nghèo (1,3%).
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024, tháng 11, UBND xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc (Long An) tổ chức giải ngân dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo cho 4 hộ dân nghèo, cận nghèo và khuyết tật thuộc 3 ấp trên địa bàn xã.
Bốn hộ dân được hỗ trợ con giống là trâu và bò. Trong đó, 2 hộ được nhận trâu (3 con trâu/hộ) và 2 hộ nhận bò (mỗi hộ nhận 2 con bò). Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 242 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 111 triệu đồng, 4 hộ dân đối ứng hơn 131 triệu đồng.
Trước đó, hồi tháng 9, 2 hộ gia đình thuộc diện hộ cận nghèo tại xã Đông Thạnh cũng được nhận 30 con lợn rừng từ nguồn vốn đa dạng hóa sinh kế, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 92 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 55 triệu, số còn lại 2 hộ dân đối ứng.
Ngoài nhận con giống, 6 hộ nhận vật nuôi là bò, trâu và lợn rừng trên đây còn được hướng dẫn, hỗ trợ về cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi. Mô hình thực hiện nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Lãnh đạo UBND xã cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ và hiệu quả của dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp hộ nghèo, cận nghèo và khuyết tật phát triển kinh tế gia đình vươn lên trong cuộc sống.
Tại huyện Cần Giuộc, năm 2024, huyện được tỉnh phân bổ hơn 7 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Huyện triển khai thực công trình đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tại xã Phước Vĩnh Đông là bê tông đường đê Vĩnh Tân; đồng thời duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, huyện còn tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Các mô hình tạo động lực thoát nghèo được Cần Giuộc thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của địa phương này.
Quan tâm đa chiều
Tại địa phương này, công tác giảm nghèo đa chiều cho người dân được sự vào cuộc của cả cộng đồng, qua đó, đã làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo.
Hàng năm, huyện chủ động điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đây là cơ sở để xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó, các cấp từ huyện đến ấp, xã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Ngân sách để hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình tham gia chương trình, dự án sinh kế, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… được bố trí kịp thời. Riêng năm 2024, UBND huyện đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ cho 139 lượt khách hàng, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt hơn 10 tỷ đồng và giải quyết cho 693 lao động có việc làm ổn định.
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng, hỗ trợ dự án sinh kế (chăn nuôi gia súc, gia cầm), cải thiện dinh dưỡng, truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Song song với đó, các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở… nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, cải thiện điều kiện sống của người dân được hỗ trợ tích cực.
Tại đây, 100% người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Trong 2 năm 2022, 2023, huyện Cần Giuộc đã cấp trên 7.600 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền trên 5,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2023, huyện còn thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo với 13 căn nhà tình thương được xây dựng, kinh phí 520 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 308 căn nhà tình thương với tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng.