Các tin liên quan |
Tôi là một độc giả VietNamNet, một người yêu văn chương. Gần đây, đọc những bài viết về tác phẩm “Những thứ họ mang”, tôi chợt nhớ mình đã mua được bản tiếng Anh (The Things They Carried) trong chuyến công tác nước ngoài gần hai năm trước. Tôi đã đọc bản tiếng Anh đó, và thấy nó thật xứng đáng khi được so sánh với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Vào năm 2009 khi quyển sách được tái bản, nhà xuất bản có ghi rõ trên bìa sách là “The Things They Carried” đã bán được tới hơn hai triệu bản. Thật là một con số kỷ lục nhất trong số các tác phẩm viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tác phẩm cũng đã giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá.
Sau khi nghe những sự ồn ào của dư luận về những từ tục tĩu trong truyện ngắn “How to Tell a True War Story"
(“Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh”) trong tập
truyện nói trên, tôi lần mò tìm kiếm bản dịch bằng tiếng Việt, rồi so
sánh với bản gốc.
Và tôi thấy ngay lập tức rằng, dịch giả đã quá tung
tẩy khi chuyển ngữ tác phẩm này. Với từ “cooze”, có nghĩa là bộ phận
sinh dục nữ hoặc một người phụ nữ được xem như là một món đồ tình dục,
hay nói cách khác, một con điếm, dịch giả lại dịch là “mặt l…”. Tác giả không viết “pussy face”, tại sao dịch giả lại dịch là “mặt l…” trơ trẽn và bẩn thỉu đến thế?
|
|
Trong đoạn “Listen to Rat Kiley. Cooze, he says. He does not say bitch. He certainly does not say woman, or girl. He says cooze”. Bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng: “Nghe Chuột Kiley mà xem. Con mặt l..., hắn nói. Hắn không nói con đĩ chó. Hắn chắc chắn là không nói bà ấy, hay cô ấy. Hắn nói con mặt l...” (tôi buộc phải viết tắt từ tục, nhưng trong bản in đăng nguyên vẹn, không viết tắt). Một lần nữa, dịch giả lại tung tẩy quá đà trong cách dịch của mình. Tra một từ điển thông thường, ta có thể thấy, từ “bitch” nên được dịch là “con mụ lẳng lơ dâm đãng” hoặc “con chó cái”. “Con đĩ chó” thì đúng là đã làm bản dịch tục tĩu hơn bản gốc.
Cách dịch này theo tôi có một số vấn đề như sau: “this real hot spooky night” đáng lẽ dịch là “cái đêm nóng bức đầy bóng dáng ma quỷ” thì dịch giả lại chuyển thành “cái đêm khoái tỉ và thực sự kinh hồn.” “Weird mask” nghĩa là “cái mặt nạ quái dị” thì dịch giả chuyển thành “cái mặt nạ ghê thấy mụ nội” để tăng độ tục tĩu. “Almost stark naked” nghĩa là “gần như trần truồng như nhộng” thì được dịch là “toàn thân hầu như trụi lủi”.
Câu “He tells the guy’s sister he’ll look her up when the war’s over” được dịch giả chuyển ngữ thành “Hắn bảo cô em anh ta rằng hắn sẽ trông nom cô chừng nào hết chiến tranh”. Cụm từ “look her up” ở đây bị dịch sai nghiêm trọng. Đáng lẽ nó phải được dịch là “tìm gặp cô”, thay vì “trông nom cô”. Người lính Mỹ đang nói trong thư với cô em của người bạn đã chết rằng sau chiến tranh, anh sẽ tìm gặp cô. Làm sao với tư cách của một người lạ, anh lại có thể trông nom cô được?
"Những thứ họ mang" đã được thẩm định như thế nào?
Phóng viên VietNamNet liên hệ với phía NXB Văn học. Người làm việc với bản dịch này năm 2011 là chị Trịnh Thị Diệu. "Về nội dung tư tưởng, cuốn sách không có vấn đề gì, chỉ có phần câu chữ - có một vài chỗ không được thanh thoát lắm, thể hiện tâm trạng bức xúc của người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Tôi đã nói với phía Nhã Nam yêu cầu họ viết tắt. Họ trả lời rằng bản gốc không viết tắt để thể thể hiện tâm trạng bức xúc đó. Lúc đó tôi có bản gốc tiếng Anh nhưng cũng
chỉ xem lướt được thôi, bởi chúng tôi cũng phải xử lý nhiều bản thảo.
Hơn nữa, tiếng Anh cũng là từ như vậy thì mình không thể sửa khác được.
Có điều tôi muốn để viết tắt nhưng họ giữ nguyên. Qua trao đổi với họ
cũng có nhiều cái mình yêu cầu được họ, cũng có cái họ thuyết phục được
mình." - chị Diệu nói.
Bản thảo sau đó (không có đề xuất sửa câu dịch) được
đưa lên giám đốc duyệt in. Thời điểm đó, GĐ NXB Văn học là ông Nguyễn
Cừ. Cách đây khoảng 1 năm, ông về hưu, thay thế vị trí của ông là Nguyễn
Anh Vũ - biên tập viên lâu năm tại Ban văn học trong nước. Anh Vũ cho
biết: "Tôi đang cho xem xét lại quy trình biên tập và thẩm định lại bản dịch, nên hiện tại chưa thể trả lời thêm cho báo chí".
Vân Sam
|
Thảo Trang