"Rất khó, rất xa"

Tại phiên hội thảo Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”, sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 2/10, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra những trăn trở trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất.

Sau vụ cháy nhà máy ở phường Hạ Đình, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, chia sẻ về quá trình sản xuất của công ty này.

Vị Chủ tịch gần 80 tuổi không giấu diếm: "Chúng tôi mới ở giai đoạn đầu chuyển đổi hóa sản xuất. Chúng tôi mới thúc đẩy tin học hóa các dây chuyền, mới chỉ làm phần cứng thôi, chứ còn chuyển đổi thành doanh nghiệp có sản xuất thông minh còn rất xa". 

{keywords}
Chủ tịch Rạng Đông: “Một nhà máy thông minh, thực tế ảo như thế còn rất xa”.

Ông Thăng cho rằng: Để thành doanh nghiệp sản xuất thông minh phải có một kho dữ liệu. 60 năm nay Rạng Đông có nhiều dữ liệu lắm nhưng không khai thác được, không tạo ra giá trị, rồi phải có trí tuệ thông minh để dự đoán tình hình, rủi ro, xu hướng sắp tới...

“Một nhà máy thông minh, thực tế ảo như thế còn rất xa”, Chủ tịch Rạng Đông thừa nhận.

Để chuyển đổi đồng bộ dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ, lãnh đạo công ty này cho rằng phải “đòi hỏi chi phí lớn”, nên phải làm từng bước, từng dây chuyền, từng ngày. Khi đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với “nhiều rủi ro” khi tỷ lệ không thành công nhiều lắm.

Có thiết bị hiện đại lại không có người vận hành

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cũng có bài phát biểu với nhiều thông tin từ thực tế ngành may.

Ông Việt tỏ ra băn khoăn về ý kiến cho rằng ngành may có độ sẵn sàng thấp trong báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

“Tôi không biết đánh giá này đã thực sự chính xác chưa”, ông Thân Đức Việt hoài nghi.

Theo lãnh đạo May 10, ngành may đối mặt với 1 sự cạnh tranh lao động rất lớn. “Ví dụ Công ty May 10 có 12 nghìn cán bộ ở 18 nhà máy máy và 7 tỉnh thành phố. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là cố gắng tự động hóa quá trình sản xuất để ít có sự tham gia của người lao động vào là tốt nhất”, ông Việt nói và thừa nhận “đây vốn là ngành mang tiếng là thâm dụng lao động”.

{keywords}
Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về mức độ sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0

Giải thích mức độ sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành may thấp, ông Thân Đức Việt nêu ra một số lý do đặc thù của ngành may, khiến việc áp dụng dây chuyền máy móc hạn chế.

“Sản phẩm may mặc là sản phẩm đặc thù. Nam giới mặc veston, sơ mi thì không cái nào giống cái nào... Nguyên liệu, chất liệu tạo ra sản phẩm cũng đa dạng. Cùng áo sơ mi nhưng có vài trăm chủng loại vải, cấu trúc dệt khác nhau, độ co khác nhau, thành phần khác nhau”, ông Việt nói.

Vì những lý do đó, lãnh đạo May 10 cho rằng “rất khó để xây dựng một nhà máy chuyển đổi số hoàn toàn”.

Nhấn mạnh sẵn sàng mua thiết bị may tiên tiến, hiện đại nhất, nhưng ông Thân Đức Việt đánh giá các thiết bị đó chỉ giải quyết được một vài công đoạn, chỉ tự động hóa được một và một vài công đoạn.

“Các thiết bị hiện nay May 10 áp dụng có 3 khâu sản xuất thì 2 khâu tạm hiểu là một nhà máy thông minh là khâu cắt và hoàn thiện đóng gói, là, gấp. Riêng khâu may rất khó tự động hóa”, lãnh đạo May 10 chia sẻ.

Cuối cùng, vị này thừa nhận để làm một nhà máy thông minh trong ngành may là “rất khó”. Ông cũng hoài nghi trước thông tin cho rằng ngành may có thể dễ dàng bị robot thay thế nhất, rằng ngành may mất tới 80% lao động vào tay robot.

“Không hiểu kết luận này từ đâu. Ngành may tự động hóa được 30% toàn bộ nhà máy là tốt lắm rồi”, lãnh đạo May 10 đúc kết.

Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo, một doanh nghiệp dệt cho biết: "Công nghiệp chúng ta non trẻ. Các công ty có được dây chuyền tự động hóa là rất khó. Có trường hợp chúng tôi mua máy móc hiện đại về rồi, có tự động hóa, nhưng lại không có nhân lực đủ chất lượng để sử dụng máy móc đó. Cho nên doanh nghiệp rất loay hoay trong quá trình chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doanh".

Thực tế, theo đánh giá tại một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới còn thấp, xếp thứ hạng 90 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghệ nền tảng xếp hạng 92, năng lực sáng tạo xếp hạng 77. Về nguồn nhân lực, Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở thứ hạng 70, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao và chất lượng đại học cũng ở mức thấp, lần lượt xếp thứ 81 và 75.

Nếu so sánh trong khu vực SEAN về thứ hạng công nghệ đổi mới và nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia (có xếp hạng tương ứng là 23 và 21), Thái Lan (41 và 53), Philippines (59 và 66) và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (83 và 86).

Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Hãng tư vấn chiến lược A.T. Kearney công bố Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018. Đây là báo cáo đầu tiên phân tích, đo lường vị thế của 100 quốc gia và nền kinh tế nhằm định hình nền sản xuất toàn cầu theo hướng mang lại lợi ích từ sự thay đổi bản chất của sản xuất bằng cách áp dụng công nghệ mới, dựa trên việc đánh giá 59 chỉ số được xem là nền tảng cho sự sẵn sàng của một quốc gia trong sản xuất tương lai.

Theo Báo cáo, tuy không bị đánh giá quá thấp, song Việt Nam được xếp vào nhóm Sơ khởi (Nascent) về tiềm năng sản xuất, tức là còn yếu kém về Cấu trúc sản xuất (xếp ở vị trí 48/100) và Động lực sản xuất (vị trí 53/100). Cho dù quy mô ngành chế tạo của nền kinh tế được đánh giá khá cao, xếp hạng 17 trên thế giới, nhưng Độ phức tạp sản xuất (mức độ áp dụng các kiến thức, công nghệ nhằm tạo ra một sản phẩm phức tạp) chỉ xếp thứ hạng 72. 

Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:

Lương Bằng