Tại cuộc họp báo chuyên đề công tác cổ phần hóa ngày 28/3, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đề cập trường hợp bán dự án đắp chiếu giấy và bột giấy Phương Nam.

Ông Đặng Quyết Tiến nói: “Dự án đấu giá 4 lần không ai mua. Chúng tôi cho rằng phải tính theo giá thị trường, còn cứ bảo nhà máy hoạt động rồi mà muốn bán hơn 1.000 tỷ đồng thu hồi rất khó, trong khi thực tế nhà máy đã hoạt động đâu”.

Còn dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 đang dở dang, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng có thể bán cả doanh nghiệp này nhưng muốn bán phải xử lý vấn đề tồn tại về tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư.

{keywords}
Nhà máy nằm đắp chiếu, bán không ai mua.

Vừa qua kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu nhiều sai phạm tại dự án, cho nên phải xác định rõ sai phạm mới bán được. "Quan trọng phải xử lý tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Rõ ràng vấn đề này không thể xử lý một sớm một chiều được", đại diện Cục Tài chính DN chia sẻ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tiến độ cổ phần hóa đang rất chậm. Năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Còn thoái vốn nhà nước, năm 2018 chỉ thực hiện thoái vốn 57 doanh nghiệp, trong khi đó theo kế hoạch mà Chính phủ đặt ra là phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp.

Hiện tại, một loạt doanh nghiệp như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam,... xin lùi thời điểm thoái vốn và cổ phần hóa.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa nhà nước trong hai năm qua, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, là do vướng mắc đất đai, tài chính nên cần thời gian để xử lý.

Mặt khác, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư trong mua cổ phần. Bên cạnh đó, có những dự án thua lỗ, khó khăn nên nhà đầu tư không mua.

Lương Bằng