Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định cấp phép cho Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Với quy trình sản xuất tóm tắt: Rác thải sinh hoạt → Bể chứa rác → Đảo trộn → Lò đốt → Lò hơi → Tuabin hơi → Máy phát điện → Điện → Hệ thống phân phối điện.
Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép tại giấy phép này và phải dừng ngay việc xả khí thải, nước thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kịp thời về cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố khác dẫn đến ô nhiễm môi trường; trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi khác với các nội dung đã được quy định tại Giấy phép phải kịp thời báo cáo đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xả bụi, khí thải không đảm bảo các yêu cầu tại Giấy phép này ra môi trường.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm hoặc đột xuất; công khai thông tin môi trường và kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung cập nhật về khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh; Thực hiện trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường; Thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nêu tại Giấy phép môi trường này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất xử lý rác thải sinh hoạt là 4.000 tấn/ngày đêm (gồm 5 lò đốt, công suất 800 tấn/ngày đêm/lò đốt; lượng rác tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày đêm; lượng rác đưa vào lò đốt 4.000 tấn rác/ngày đêm). Công suất phát điện 90 MW (gồm 3 tổ máy). Tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã xử lý được khoảng 1 triệu tấn rác của thành phố Hà Nội. Hiện nhà máy vận hành 3 lò đốt, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác, tương đương khoảng 40 - 50% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Các chuyên gia ước tính, mỗi năm, số rác thải của thành phố sẽ tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Cùng với Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hiện có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Các khu xử lý chất thải này giải quyết vấn đề ùn đọng rác thải đang gây nhức nhối với người dân.
Được biết, Nhà máy điện rác là một loại nhà máy sản xuất điện năng bằng cách đốt cháy rác thải, cũng được gọi là nhà máy xử lý rác thải. Quá trình này tạo ra nhiệt năng từ việc đốt cháy rác, sau đó sử dụng nhiệt năng này để tạo ra hơi nước và điện. Điện rác có thể giúp xử lý rác thải một cách hiệu quả và đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn, cả nước hiện còn có một số nhà máy điện rác vận hành hiệu quả, như Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, Bình Thuận, với công suất 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30 MW; Dự án nhà máy điện rác Phù Ninh, Phú Thọ, với công suất 500 tấn rác/ngày, công suất phát điện 25 MW; Dự án nhà máy điện rác Củ Chi, TP.HCM với công suất 1.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 50 MW…