Đau đầu với rác thải
Tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Phần lớn chất thải được chôn lấp mà không qua xử lý. Chôn lấp rác là công nghệ lạc hậu, tốn đất và gây ra nhiều tác hại, tạo ra nguy cơ cháy; ô nhiễm nước ngầm; phát tán khí metal; ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân sống xung quanh. Việc chôn lấp rác ngoài tác động xấu đến môi trường thì còn phải đối mặt với sự phản đối của người dân ở gần khu xử lý rác, trong khi tài nguyên này bị lãng phí.
Trong khi đó, trên thế giới, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện, ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tại các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức… ngày nay rác được coi là tài nguyên quý giá, dùng để phát điện. Nó có ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác là làm biến mất tới 90-95% khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính; giảm thiểu ô nhiễm đất, nước, không khí...
Các dự báo cho thấy, lượng rác thải tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Lượng rác thải hàng ngày quá mức, các chương trình tái chế kém hiệu quả, làm vấn đề môi trường càng thêm nghiêm trọng. Hiện rác thải đang trở thành vấn đề đau đầu với chính quyền các địa phương. Việc xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, là vấn đề rất nóng. Định hướng của Chính phủ trong việc xử lý rác thải là khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, trong đó có điện rác.
Cách đây 1 năm, Tập đoàn AMACCAO đã nhận chuyển nhượng nhà máy xử lý rác đốt thiêu hủy công nghệ lạc hậu và đề xuất thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh công suất, điều chỉnh công nghệ từ đốt rác tiêu hủy lạc hậu sang đốt rác phát điện hiện đại tại Sơn Tây Hà Nội. TS. Tô Nhật - Tổng Giám đốc AMACCAO cho biết, xu hướng chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng, đang phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Động lực tăng trưởng của nó xuất phát từ các nước phát triển và trong những năm gần đây được chú trọng hơn ở các nước đang phát triển.
Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng, sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế, tạo thêm việc làm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn và định hướng phát triển của Tập đoàn AMACCAO, trong việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, bao gồm điện mặt trời, điện gió và điện rác.
Tài nguyên quý
“Với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, nhà máy điện rác của AMACCAO sẽ tiêu thụ tối thiểu là 1500 tấn, tối đa là 2000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm từ tấn rác thải mỗi ngày của thành phố Hà Nội. Công nghệ điện rác nhập khẩu từ châu Âu, thuộc loại hiện đại hàng đầu thế giới. Tuy là công nghệ châu Âu, nhưng đã được cải thiện thiết kế phù hợp thích nghi với rác thải châu Á, cụ thể là Việt Nam với loại rác thải có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp, đặc biệt là chưa phân loại”, TS. Tô Nhật nói.
Theo kế hoạch, do đầu tư xây dựng 01 nhà máy lớn phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục nhưng Tập đoàn AMACCAO đã thần tốc triển khai các thủ tục để dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021, sau 2 năm xây dựng, sẽ đi vào hoạt động và điện sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án chia ra các phần gồm xử lý nước thải, xử lý khí, đốt rác phát điện. Quy trình hoạt động hoàn toàn khép kín. Xe ô tô đưa rác vào đường ống kín, sau đó được hút vào bồn chứa, ủ từ 7-10 ngày để khô nước. Tiếp theo là công đoạn cào, xới, đảo, rồi đưa vào phễu chảy xuống dây chuyền có quạt thổi hơi nóng làm khô, rồi đưa vào đốt, tạo ra nhiệt dùng để phát điện. Nước rỉ xuống từ rác trong thời gian ủ, sẽ được xử lý, trở thành nước sạch, quay lại phục vụ quá trình hoạt động phát điện.
Khí đốt rác, sẽ được hấp thụ và sử dụng công nghệ phun sương với vôi, sút, than hoạt tính, để xử lý, dưới sự giám sát của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đạt tiêu chuẩn mới thải ra ngoài. Tro xỉ sau khi đốt, sẽ được lấy ra phân loại. Nếu là kim loại thì mang bán, các chất rắn tồn tại sẽ được nghiền vụn, tất cả dùng để đóng gạch, hoặc san lấp mặt bằng, phục vụ cho các công trình xây dựng của Tập đoàn AMACCAO. Còn lại lượng nhỏ tro bay, sẽ được thu gom đóng gói đưa đến nơi chôn lấp theo quy định của thành phố.
Như vậy, với công nghệ điện rác thì rác thải thời gian tới sẽ là nguồn nguyên liệu có giá trị để tạo ra năng lượng sạch. Cùng với các dự án điện rác khác đang xây dựng, sẽ giúp Hà Nội từ bỏ công nghệ chôn lấp lạc hậu hiện nay.
Với kinh nghiệm là tập đoàn sản xuất công nghiệp, tập đoàn đầu tư, AMACCAO sẽ liên kết với công ty nước ngoài đảm nhận đảm nhận sản xuất và chế tạo nhiều thiết bị giảm sự thiết bị phải nhập khẩu, góp phần giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước nhưng vẫn đảm bảo hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu do các kĩ sư tại Việt Nam để thiết kế, giám sát sản xuất và thi công.
Theo TS. Nhật, hiệu quả năng lượng từ đốt rác không lớn như điện mặt trời, điện gió và các loại nhà máy điện khác, trong khi chi phí đầu tư ban đầu lớn, khả năng thu hồi vốn của dự án chậm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự việc theo góc độ sinh thái và lợi thế sản xuất công nghiệp của Tập đoàn AMACCAO. Với việc xử lý hiệu quả chất thải rắn, vừa làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm đất đai và tạo ra nguồn năng lượng sạch, sẽ đưa kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững. Tập đoàn AMACCAO tự hào được đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Trần Thủy