Thêm cây xanh, thay đổi màu
sắc căn phòng, treo thêm mành sáo... là những việc đơn giản nên làm để tổ ấm của
bạn dịu mát dưới trời hè oi ả.
Không gian xanh “lên ngôi”
Nếu như 10 năm trở về trước, các công trình đều có xu hướng tận dụng mọi không
gian trong nhà trở thành không gian sinh hoạt thì nay, không gian "xanh" đang
lên ngôi.

Cây cảnh là yếu tố hàng đầu được các nhà thiết kế khuyên dùng để làm "dịu" ngôi
nhà. Để thiết kế được sân vườn đẹp, các bạn cần phải xử lý khéo những khoảng
không gian trong nhà bằng việc trồng cây xanh, đặt những chậu hoa đa sắc, bố trí
đèn tạo hiệu ứng ánh sáng, bệ phun nước, mẫu tượng trang trí sân vườn ...
Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải quá cầu kì với không gian xanh, bạn chỉ
cần tận dụng những góc, không gian nhỏ trong nhà như ban công, gầm cầu thang,
giếng trời .. để biến thành các góc vườn, tiểu cảnh không kém phần độc đáo. Hay
đơn giản hơn, chỉ với một chậu cây nhỏ hoặc mình bình hoa xinh xắn trên bàn
sofa, bàn bếp hay bàn ăn, thiên nhiên đã hiện diện ngay trong ngôi nhà của bạn.

Lưu ý, một vài cây xanh rụng lá theo mùa đặt ở phía nam hay phía tây của ngôi
nhà sẽ giúp cho bạn có một giải pháp điều hòa không khí lâu dài. Vào mùa thu và
sang đông, cây rụng lá sẽ dễ dàng cho ánh sáng mặt trời đi qua và làm ấm ngôi
nhà, ngược lại thì mùa hè cành lá xum xuê sẽ ngăn ánh nắng đốt nóng không gian
của bạn.

Ngoài ra, để không gian nhà được thoáng mát, các không gian trong nhà nên được
thiết kế liên hoàn với nhau, không bị phân chia nhỏ vụn khiến cảm giác căn nhà
tù túng và chật chội bởi cách vách ngăn, nhất là với căn hộ chung cư. Để tạo ra
không gian liên hoàn, bạn còn có thể thay những khối bêtông nặng nề bằng vách
kính trong suốt. Kính cũng là vật liệu khiến ngôi nhà trở nên sang trọng hơn.
Mát mẻ với mành, rèm
Đối với các căn nhà phía tây, cái nóng của nắng chiều mùa hè thực sự là cơn ác
mộng, ánh nắng trực tiếp có thể làm tăng nhiệt độ của căn phòng lên từ 10 - 20
độ C.
"Một rèm, mành chắn cửa sổ màu trắng hay sáng màu để che nắng và giúp phản xạ
lại ánh nắng mặt trời chiếu vào cửa sổ là biện pháp chống nóng đơn giản, rẻ tiền
nhưng thực sự lý tưởng. Vào ban ngày, bạn cũng nên đóng kín cửa sổ ở hướng nam
và hướng tây, kéo rèm kín cho đến khi tắt nắng, ngôi nhà sẽ đỡ oi bức hơn khi
bạn trở về vào cuối ngày.", đó là lời khuyên của KTS. Trương Thành Kiên, Công ty
tư vấn ĐH Xây Dựng.

Theo KTS. Kiên, để phát huy được tác dụng chống nóng của mái phụ, tầng mái này
nên được để hở, tạo đối lưu gió thì mới có tác dụng giảm nhiệt. Ngoài ra, để
tránh nắng đổ trực tiếp vào cửa, cửa sổ, các nhà cũng không nhất thiết phải dùng
ôvăng bằng bêtông mà có thể thay bằng chất liệu ngói hay các vòm bạt, chống nóng
hiệu quả mà vẫn tạo thẩm mỹ cho ngôi nhà. Hệ thống cửa chớp cũng nên được tận
dụng vì cửa chớp vừa có tác dụng che nắng đồng thời vẫn thông gió.

Ngoài ra, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại cửa sổ của các nhà sản xuất lớn đã áp dụng công nghệ film cách nhiệt, làm mát không gian bên trong căn nhà, bảo vệ nội thất mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình. Đây cũng là phương án bạn nên tham khảo để chuẩn bị cho mùa hè đang đến gần.
Diệu An