Nhà mạng chờ băng tần 4G như “nắng hạn chờ mưa”, nhưng đấu giá băng tần gặp khó vì pháp lý. |
Ngày 14/10/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Viettel và VNPT. Tuy nhiên, các nhà mạng này sử dụng băng tần 1800 MHz đã được cấp phép trước đó và chờ đợi Bộ tiến hành đấu giá băng tần 2,6GHz cho 4G. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay băng tần này vẫn chưa thể đem ra tiến hành đấu giá.
Theo khảo sát 50 nhà mạng ở 17 nước thì Việt Nam đứng hàng cuối bảng Băng tần dành cho 4G. Cụ thể băng tần dành cho 4G với băng thông 15*2 MHz cho mỗi nhà mạng, trong khi đó, con số này của SK Telecom - Hàn Quốc là 70*2 MHz, Telstra của Úc là 80.*2 Mhz, China Mobile của Trung Quốc là 220 MHz (tương đương 110.*2 MHz).
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, với số thuê bao 4G của Viettel hiện nay thì nhà mạng này không còn đủ băng tần phát triển các thuê bao 4G. Viettel là nhà mạng có số thuê bao 4G lớn nhất và đang sử dụng những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Vì vậy, Viettel kiến nghị sớm đấu thầu băng tần 2.6 GHz để các nhà mạng như Viettel có thể đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G. Vietnamobile cho biết họ đang rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ vì thiếu băng tần 4G.
Trước đó, ngày 26/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cấp thêm băng tần để nâng chất lượng, dịch vụ mạng 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Song giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.
Cho dù Chính phủ và Bộ TT&TT rất nỗ lực để triển khai đấu giá băng tần 4G, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng về vấn đề pháp lý. Bộ TT&TT cho biết, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới này. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Để giải quyết vấn đề khó khăn này, Bộ TT&TT đã phối hợp, lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trên cơ sở ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT đang dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai cấp băng tần 2,6GHz. Đối với nội dung về xác định giá khởi điểm, Bộ TT&TT đã thuê Tổ chức thẩm định giá xác định giá trị băng tần 2,6GHz theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Tổ chức thẩm định giá, Bộ TT&TT báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.