Ý tưởng ấn tượng này được ông nêu ra tại Bàn tròn Xã Hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) tổ chức ở Tokyo ngày 2/4/2018 với sự tham gia của nhiều nhân vật tinh hoa Nhật Bản bao gồm những nhà lãnh đạo và sáng tạo trí tuệ nhân tạo.
Mở đầu Bàn tròn ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo, thành viên nhóm sáng kiến AIWS trình bày mô hình 7 lớp của Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo. Đây là mô hình định hình, quản trị xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng ở khắp mọi mặt đời sống, kể cả chính trị xã hội, để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến những điều tốt đẹp và quản trị, giảm thiểu những đe doạ, nguy hại có thể gây ra cho nhân loại.
Mô hình 7 lớp của AIWS này cũng đã được trình bày ở Bàn tròn xây dựng một nền chính trị mới cho nhân loại do Liên minh Lãnh đạo Thế giới (tổ chức của các Cựu Tổng thống, Cựu Thủ tướng trên thế giới) tiến hành ở San Francisco trong 2 ngày 25 và 26/2/2018 với sự tham dự của nhiều Cựu Tổng thống, Cựu Thủ tướng, cùng các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Facebook, Microsoft…các học giả của Đại học Stanford, Harvard…
Những nhân vật tinh hoa tham gia Bàn Tròn Xã Hội Van Vật Trí Tuệ Nhân tạo ở Tokyo ngày 2/4/2018. Ảnh: Song Nam |
Từ Hội nghị này Liên minh Lãnh đạo Thế giới và Viện Michael Dukakis đã trở thành đối tác củng áp dụng mô hình 7 lớp AIWS xây dựng nền chính trị mới dựa trên nền tảng công nghệ AI.
Tiếp theo, nhà lãnh đạo và đi tiên phong về công nghệ AI ở Nhật bản ông Kazuo Yano của Tập đoàn Hitachi đã trình bày về tình hình ứng dụng AI và những ý tưởng phát triển kinh tế, xã hội AI ở Nhật Bản.
Ông Kazuo Yano nêu ý tưởng được các nhân vật tinh hoa tham gia Bàn tròn thảo luận sôi nổi, ông cho rằng phải chấp nhận trí tuệ nhân tạo, chấp nhận những công dân trí tuệ nhân tạo và coi đó là một phần của nhân loại.
Ông Yano cũng nêu lên những ưu điểm của công dân trí tuệ nhân tạo như trung thực, trung thành, thuỷ chung, bền bỉ, và điều cần thiết là kiểm soát con người làm ra những công dân trí tuệ nhân tạo, ông quan tâm đến lớp thứ 3 của AIWS, lớp các chuẩn công nghệ, quản trị công nghệ, bao gồm cả những con người làm công nghệ. Ông phấn khởi tham gia xây dựng AIWS.
Nhà lãnh đạo và tiên phong về AI ở Nhật Bản - Kazuo Yano trình bày tại Bàn tròn |
Đại sứ Shunji Yanai, Toà án quốc tế về Luật Biển và Cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ tâm đắc với việc AIWS đưa ra ý tưởng Chính trị AI. Ông cho rằng nếu làm tốt thì AI sẽ góp phần làm lành mạnh nền chính trị thế giới, ông tham gia làm cố vấn xây dựng một toà án quốc tế AI cho AIWS.
Giáo sư Koichi Hamada, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Shinzo Abe, người giúp xây dựng học thuyết kinh tế Abenomic nhận định, Nhật bản cần đi đầu xây dựng nền kinh tế AI, ông sẵn sàng cùng các nhà sáng tạo công nghệ AI, tạo dựng chiến lược kinh tế AI cho Nhật bản trong thế kỷ 21. Không chỉ là nhà kinh tế, ông còn là người cảm nhận văn hoá sâu sắc, sáng tạo các tác phẩm âm nhạc vì hoà bình, ông cho biết AI có thể giúp sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, và Nhật Bản nên quan tâm đến cả văn hoá nghệ thuật AI.
Các nhà sáng tạo công nghệ AI Nhật bản đóng góp nhiều ý kiến thiết thực từ thực tế và đồng hành cùng xây dựng AIWS.
Như vậy AIWS đã có những bước phát triển nhanh chóng từ Bàn tròn AIWS đầu tiên ngày 12/12/2017 ở Đại học Harvard. Mô hình 7 lớp AIWS với 2 lớp đầu tiên: Hiến chương (lớp 1) và Chuẩn mực đạo đức (lớp 2) sẽ được trình bày và chuyển cho đại diện chính phủ Canada ngày 25/4/2018 tại Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Boston nêu sáng kiến cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2018.
Nguyễn Song Nam