Một phiên tòa diễn ra tại Trung Quốc vào hôm nay đã tuyên án 3 năm tù giam đối với nhà khoa học Trung Quốc từng công bố 1 năm về trước là đã tạo ra cặp song sinh chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới, làm dấy lên những quan ngại trên toàn cầu rằng ngành di truyền học đã bắt đầu bước vào thời kỳ đen tối.
Hi Jiankui là nhà khoa học đứng đầu dự án sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR lên các phôi thai, kết quả cho ra các em bé có DNA đã được thay đổi để kháng virus HIV. Tòa còn yêu cầu ông He - vốn đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ sau bài phát biểu tại một hội thảo về di truyền học tại Hong Kong vào năm ngoái - phải trả khoản án phí lên đến 3 triệu Nhân Dân Tệ (tương đương 430.000 USD) vì đã tiến hành các hoạt động y tế trái phép, bao gồm sử dụng thuốc khi chưa được cấp phép và giả mạo các tài liệu đánh giá quy chuẩn đạo đức. Hai đồng nghiệp của ông He, những người từng giúp ông tiến hành các thử nghiệm, cũng bị tuyên án 2 năm 18 tháng tù giam.
Theo tòa án thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phía Nam mà ông He từng làm việc, thì hành vi của cả ba "đã vi phạm chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học và y học".
Nhà khoa học He Jiankui
Hồi tháng 11 năm ngoái, các trang tin MIT Technology Review và Associated Press đã tiết lộ về sự ra đời của cặp chị em song sinh chỉnh sửa gene người Trung Quốc, Lulu và Nana, từ các thí nghiệm của ông He. Ông này đã tuyển chọn 7 cặp vợ chồng, trong đó người chồng dương tính với HIV, còn người vợ thì không, và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm sau khi chỉnh sửa các phôi thai để tạo ra khả năng kháng virus HIV. Thí nghiệm của ông He đã nhận vô vàn chỉ trích trên toàn cầu lẫn từ cộng đồng khoa học Trung Quốc vì vi phạm các quy tắc trong nghiên cứu CRISPR: cụ thể, các nhà khoa học không được khuyến khích sử dụng các phôi đã qua chỉnh sửa gene vào thai kỳ. Hiện nay, khi những tiến bộ trong nghiên cứu thuốc điều trị HIV đã có thể giúp bảo vệ con cái khỏi bị lây nhiễm HIV từ người cha, hành vi can thiệp vào gene của He - dù có thể có giá trị về mặt y học - nhưng nguy cơ từ những hệ quả không lường trước được của nó nhiều khả năng còn lớn hơn nhiều.
Ông He từng nói tại hội thảo hồi năm ngoái rằng có một người phụ nữ khác đã mang thai một em bé chỉnh sửa gene.
Phía Trung Quốc cực lực phê phán hành vi của ông He, và sau vụ việc này đã có nhiều động thái thắt chặt các quy định trong nghiên cứu chỉnh sửa gene, yêu cầu các nhà khoa học phải có sự chấp thuận từ một cơ quan quản lý trực thuộc Hội đồng Nhà nước trước khi có thể sử dụng những công nghệ tiềm ẩn nguy cơ y sinh cao như vậy. Tuy nhiên, lại có nhiều thông tin cho rằng nghiên cứu của ông He trên thực tế có thể đã được tài trợ bởi 3 viện nghiên cứu thuộc chính phủ Trung Quốc, trong đó có Bộ Khoa học quốc gia.
Tham khảo: Quartz