NHÀ HÁT PHẢI CÓ NHƯNG CẦN TÍNH LÀM Ở ĐÂU, VÀO LÚC NÀO

- Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải có nhà hát nhưng nằm ở đâu và làm lúc nào là bài toán mà thành phố phải làm rõ cùng với việc minh bạch thêm nhiều thông tin mà dư luận còn băn khoăn.

Mời quý vị xem video cuộc trao đổi:

Việc Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng Nhạc và Vũ kịch đạt chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm với mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng đang gây tranh cãi mạnh mẽ.

Góc nhìn thẳng báo Vietnamnet trao đổi với ông Dương Trung Quốc về những vấn đề mà dư luận đang thắc mắc này.

Xin cảm ơn ông Dương Trung Quốc đã nhận lời tham gia chương trình với chúng tôi

Nhà báo Hà Sơn: Thưa ông,ông nhìn nhận thế nào về việc HĐND TP.HCM đồng ý việc xây nhà hát giao hưởng Nhạc và Vũ kịch đạt chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm với mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng?

Ông Dương Trung Quốc: Trước hết, HĐND là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân ở địa phương, khi đã quyết định, chúng ta hết sức tôn trọng.

Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không phải chỉ ở chỗ ấy. Con số 1.500 tỷ có thể gọi là lớn nhưng thiết chế cần có nhà hát tương xứng với thành phố ấy, trên không gian đang phát triển Thủ Thiêm, tôi cho rằng việc xây nhà hát cũng được nhiều người chia sẻ.

Có lẽ, vấn đề đặt ra trong một tâm thế xã hội là người dân mất lòng tin. Luôn nhìn dự án ở mặt trái. Tôi cho rằng, có vấn đề liên quan đến cách giải trình của thành phố hay nói cách khác là tính thông tin minh bạch.

Nhà báo Hà Sơn: Không ít ý kiến băn khoăn rằng, hiện thành phố còn quá nhiều các vấn đề xã hội như ngập, thiếu bệnh viện, trường học...lẽ ra đầu tư những thứ đó trước rồi mới đến nhà hát, tựu trung lại là lo cơm no áo ấm chữa bệnh, học hành trước đi rồi sẽ đến nhà hát, ông có thể lý giải gì về luồng ý kiến này?

{keywords}
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc: Thông thường thì đó là cách nhìn rất dễ chia sẻ,  cách nói đó cho rằng mọi việc là phải từ thấp lên cao, từ ăn no, mặc ấm rồi mới đến ăn ngon, mặc đẹp. Đó là cách nhìn rất thường tình. Nhưng với quy hoạch, phát triển thành phố, phải  bài bản. Không phải có cái này mới có cái kia. Vấn đề cái nào hợp lý nhất và phù hợp, không ảnh hưởng vào nhau, không vì xây dựng cái này mà bỏ cái kia.

Tôi lấy ví dụ, vấn đề chống triều cường thì thực ra Nhà nước đã có vốn, triển khai rồi nhưng nó có nhưng sai sót ở trong khâu điều hành và yếu tố khác chứ không phải vấn đề tiền. Nếu không ta cứ làm như thế, suốt ngày lao vào ứng phó với cuộc sống hàng ngày thì không bao giờ chúng ta nghĩ được lợi ích lớn, không bao giờ làm được cái gì lớn cả, mãi mãi chúng ta ở tầm này. Tôi muốn nói, càng ngày, chúng ta càng nhìn thấy vai trò của đời sống văn hóa quan trọng, chứ không phải phú quý rồi mới sinh ra lễ nghĩa.

Có khi lễ nghĩa sinh ra phú qúy. Tại sao chúng ta không nghĩ cách làm đó? Vì thế tôi nghĩ,  quan trọng nhất là thành phố  nên giải trình rõ tất cả lộ trình của tất cả nhu cầu xã hội. Nó sẽ được đáp ứng theo một quy trình nào, bài bản nào để người dân yên tâm rằng, cái gì cần làm ngay. Còn cái gì thì chúng ta cũng cần có một quá trình. Đời sống hàng ngày, bức xúc của người dân tôi cho rằng sẽ luôn nảy sinh trong đời sống chứ không thể dứt điểm ngay được. 

Trường học chẳng hạn, bây giờ thành phố phát triển thì trường học hôm nay tưởng như đủ, ngày mai là không đủ. Vì thế, phải xây dựng quy trình. Còn một nhà hát, chắc chắn phải có nhưng nằm ở đâu và làm lúc nào. Đó là bài toán mà thành phố phải làm. Nhưng phải làm trên cơ sở quy hoạch chứ không phải bây giờ có tiền tôi làm, hay thu xếp được thì tôi làm. Hơn nữa, tôi cũng thấy trong ý kiến đặc biệt của nhà chuyên môn họ có lưu ý rằng, đã làm Nhà hát lớn thì phải nghĩ câu chuyện của 20, 30 năm sau. Không phải làm hôm nay để thời gian sau nó trở nên lạc hậu.

Nhà báo Hà Sơn: Cũng có một số ý kiến cho rằng Thủ Thiêm vừa kết thúc thanh tra, có một số vi phạm đang trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm, và nhiều người dân mất đất, khiếu kiện trong đau khổ suốt chục năm qua, nay Nhà hát giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch xây tại đó thì có điều gì đó không thuận, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Thủ Thiêm là một không gian rất rộng. Câu chuyện kia nó cũng chắc chỉ ở một bộ phận nào thôi. Cho nên dùng khái niệm là xảy ra trên vùng đất đó,  thì nếu mà đúng là xảy ra trên mảnh đất ta tạm gọi là như tranh chấp, hoặc chưa minh bạch thì rõ ràng là nếu xây dựng trên mảnh đất chưa sạch thì không nên. Nếu như mảnh đất đó đã được quy hoạch như thế rồi thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Vấn đề cần xem xét lại là làm những gì tương xứng sự phát triển lâu dài hay không thì điều đó phải do các nhà chuyên môn mới quyết định được.

Câu chuyện giải quyết những tồn đọng trong quá trình xây dựng Thủ Thiêm, đặc biệt quan hệ với người dân thì ta phải làm sao rốt ráo. Không có nghĩa vì làm cái này mà không làm cái kia. Quan trọng nhất là câu hỏi nhà báo mới đặt ra tôi muốn hỏi là có phải xây trên mảnh đất, phần đất đang diễn ra tranh chấp, gây bức xúc xã hội không?

Tôi biết Thủ Thiêm là mảnh đất rất rộng và sai sót cũng chỉ nằm trong bộ phận nào đó chứ không nằm trong tổng thể tất cả địa phận rộng lớn ấy. Cho nên, nếu nói như thế phải giải quyết xong thì tất cả những cái khác mới triển khai được.

Nhà báo Hà Sơn: Có thể nói, chúng ta như con nhà nghèo, nhà nghèo thì cái gì cũng cần và chắc chắn phải có thứ tự ưu tiên trong đầu tư xây dựng, mua sắm, nếu nhìn từ góc độ này, ông đánh giá thế nào về quyết định xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch của TP.Hồ Chí Minh?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi không nghĩ cách nói con nhà nghèo là đúng. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng, chúng ta chưa phát huy được tốt. Chúng ta cũng chưa quản lý tốt, để thất thoát. Chúng ta đâu có nghèo. Chúng ta để thất thoát như thế thì chúng ta đâu có nghèo. Vấn đề còn lại là chúng ta quản lý cho tốt, khai thác hiệu quả... 

Lẽ ra, câu chuyện xây nhà hát phải đặt ra từ lâu, có ý kiến của tất cả các cơ quan có chuyên môn rồi. Nhất là những câu chuyện về quy hoạch xây dựng, kiến trúc chẳng hạn. Thậm chí nó phải quy hoạch với cả sự phát triển văn hóa, xã hội. 

Tôi biết, TP.HCM  có một dàn nhạc giao hưởng tốt. Lâu nay họ vẫn phải biểu diễn trong không gian hạn hẹp, không phát huy được hết. Nên người dân cảm thấy rất cần nhà hát. Cho nên, vấn đề hiện nay chính là chúng ta không cung cấp đủ thông tin để người dân và cả lãnh đạo nhìn nhận được một quy hoạch tổng thể và một lộ trình phát triển bài bản, có đích của nó. Hiện nay, cái gì chúng ta cũng đang ngổn ngang.  Vì thế, bức xúc xã hội là đúng.  Nhưng có phải vì ta cứ ứng xử với những bức xúc xã hội theo kiểu mình nghèo ta phải chắt chiu làm việc này trước. Tôi cho cũng phải thay đổi tâm thế đó đi. Tôi không nghĩ nước mình là nghèo.

Nhà báo Hà Sơn:Thưa ông, nhiều người cũng băn khoăn về thời điểm HĐND TP.HCM quyết định việc xây dựng nhà hát, nó đúng vào lúc vừa có kết luận thanh tra và việc xử lý trách nhiệm những người có liên quan chưa kết thúc, cá nhân ông nhìn nhận việc này thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, phải tách hai cái đó ra. Đúng tâm lý xã hội có bức xúc  thật, ta phải quan tâm đến nó. Nếu ta chứng minh được rằng công trình này xứng đáng phải làm và ta làm cho tốt thì sẽ lấy lại lòng tin của người dân, chứ nếu không chúng ta cứ bị tâm thế ấy, bị xã hội nó níu kéo lại. Điều quan trọng nhất là những vấn đề bức xúc với dân ta phải giải toả. Câu chuyện thanh tra, kết luận rồi ta phải xử lý, xử lý cá nhân có trách nhiệm, đừng gắn kết hai cái với nhau.

{keywords}
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và nhà báo Hà Sơn.

Nhà báo Hà Sơn: Một thực tế không thể không nhắc đến là chúng ta đã bỏ ra số tiền lớn để xây những công trình văn hóa không nhỏ, nhưng khi xây xong thì những nội dung bên trong lại quá nghèo nàn, gần như bỏ hoang hoặc hiệu quả sử dụng đúng mục đích quá thấp. Đây mới là lo ngại chính của người dân khi TP.HCM quyết xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch, lo lắng này không phải không có lý, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Chúng ta nếu lấy cái đã xảy ra là có lý, nhưng nếu cứ mãi mãi vì cái xảy ra không dám làm gì thì tôi cũng cho là vô lý. Câu chuyện bạn nói vừa rồi là có ý nhắc đến bảo tàng Hà Nội. Việc đó, đúng là chúng ta sắp có kỷ niệm, ta dồn sức vào làm, làm theo cách việc xây dựng kiến trúc do ngành xây dựng làm, nhưng người tiếp quản và sử dụng nó thì lại là ngành văn hoá. Sự phân cấp đó không hợp lý. Văn hoá là được một toà nhà, anh kiến trúc khi xây nhà thì chẳng biết anh văn hoá có cái gì để bày trong đó cả, cái đó ta phải khắc phục chứ không phải vì thế mà ta không làm nữa. Ta xem lại toà nhà đó có thất thoát gì về tiền bạc, kỹ thuật không. Quan trọng nhất xây dựng bảo tàng đó là câu chuyện của bảo tàng chứ không phải của xây dựng. Bất hợp lý phải xử lý đi, còn bây giờ khư khư lợi ích từng nhóm một, anh này muốn ôm chặt khối lượng công việc làm để anh kia phải là người gánh hậu quả thì mãi mãi chúng ta như thế thôi.

Tôi chưa hình dung ra hết, nhưng ví dụ nhà hát đấy ai biểu diễn ở đó, chúng ta có thể đỏ đèn bao nhiêu ngày trong tháng để nó không lãng phí. Điều đó trong luận chứng kinh tế hoặc luận chứng về công năng phải thể hiện. Vì tất cả chúng ta chưa được tiếp cận với những thông số rất cụ thể của dự án đó, mới chỉ biết là bỏ tiền xây cái này, ở đây,  thế này,  thế kia... Tôi nghĩ, dựa vào dư luận xã hội là rất cần thiết nhưng cơ quan có trách nhiệm, nhất là cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm tham gia việc này, để nói với quần chúng là cái này cần làm hay chưa cần làm. Còn cái gọi là quyết định của HĐND thành phố là chúng ta tôn trọng, nhưng quyết định ấy phải dựa trên cơ sở là đại diện của dân, người dân phải được biết  rõ.

Tôi đặt câu hỏi người dân đã biết việc này chưa, đã bao giờ chúng ta đã lấy ý kiến người dân chưa hay ý kiến của các ngành cơ quan chuyên môn có liên quan trực tiếp về nhà hát chưa? Thấy kiến trúc sư lên tiếng là không ổn, rõ ràng chúng ta chưa làm hết trách nhiệm mà đã trở thành quyết định. Chuyện đó có nhiều yếu tố tác động vào và các nhà quy hoạch, xây dựng, nhà lãnh đạo phải nhận thức rằng chúng ta đang trong môi trường xã hội hay tâm thế xã hội là người dân mất lòng tin. Vì thế, quan trọng là lấy lại lòng tin của người dân bằng tinh thần lắng nghe, tinh thần minh bạch hoá, công khai hoá.

Xin cảm ơn ông Dương Trung Quốc về  những nhìn nhận đa chiều.

Xin cảm ơn quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

VietNamNet

Thực hiện: Hữu Khôi - Hạnh Thúy

Video: Xuân Quý - Bạt Tuấn - Đức Yên

Email: [email protected]

Giới nghệ sĩ lên tiếng về dự án xây nhà hát 1.500 tỷ gây tranh cãi

Giới nghệ sĩ lên tiếng về dự án xây nhà hát 1.500 tỷ gây tranh cãi

Xung quanh dự án xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm gây tranh cãi những ngày qua, nhiều nghệ sĩ và người giữ công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã chính thức lên tiếng.

Từ Thủ Thiêm, nhìn lại các dự án nhà hát nghìn tỷ 'chết yểu' ở Hà Nội

Từ Thủ Thiêm, nhìn lại các dự án nhà hát nghìn tỷ 'chết yểu' ở Hà Nội

TP Hà Nội từng có kế hoạch xây dựng các nhà hát lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Góc nhìn 'triệu đô' của khu đất vàng dự kiến xây nhà hát 1.500 tỷ

Góc nhìn 'triệu đô' của khu đất vàng dự kiến xây nhà hát 1.500 tỷ

Công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng nằm ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hình dáng, vị trí khu đất 'vàng' này ra sao?

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM lên tiếng về chủ trương xây Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm.

Chi 1.508 tỷ đấu giá 'đất vàng' xây nhà hát ở Thủ Thiêm

Chi 1.508 tỷ đấu giá 'đất vàng' xây nhà hát ở Thủ Thiêm

Nhà hát giao hưởng có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng sẽ được xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).