Hai năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải, chủ một vựa hải sản ở Tân Phú, TPHCM đều không có Tết vì phục vụ... khách hàng nhà giàu.
Nhiều khách quen dùng hải sản chỗ anh, muốn đặt dùng trong những ngày Tết với yêu cầu hải sản tươi sống cung cấp theo ngày, không đông lạnh. Để đáp ứng được điều này, chỉ còn cách phục vụ xuyên Tết.
Nhiều vựa hải sản không nghỉ Tết chỉ để phục vụ nhóm khách nhà giàu |
Anh Hải cho biết, giá hải sản trong dịp Tết đều tăng, hàng bán trong những ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết còn cao hơn nữa. Nhất là chi phí phục vụ, giao hàng trong những ngày này đều tăng gấp nhiều lần. Vựa hải sản nhà anh, mở cửa những Tết này chỉ để phục vụ cho vài khách nhà giàu.
Năm nay, anh có 5 khách hàng, đặt hàng nhiều đợt trong từ 28 đến mùng 5 Tết. Họ đặt nhiều loại như cua, bào ngư, cua huỳnh đế, tôm hùm, chưa kể các cá, tôm ngoại nhập đắt đỏ... toàn tiền triệu.
Trứng cá hồi tươi, gần 400.000 đồng/hũ bé tí, khách nhà giàu đặt lần hàng chục hũ |
"Có một anh ở Phú Nhuận, đặt 4 đợt cho gia đình và thêm 4 đợt tặng đối tác, sếp. Đơn hàng lên đến gần cả trăm triệu.
Bán cho vài khách nhà giàu trong những ngày Tết có thể bằng cả thu nhập nửa năm nên mất Tết cũng bõ", anh Hải hồ hởi.
Chị Lê Thị Thúy, chuyên thực phẩm Nga xách tay cho biết, đến hết ngày 29 Tết chị mới chính thức nghỉ chỉ để phục vụ hàng cho vài khách VIP.
Khách cần hàng chuyến mới nhất, ngon nhất. Hơn nữa, do cuối năm, nhóm khách hàng này cũng rất bận rộn nên đến sát ngày họ mới nhận hàng.
Chị Thúy kể, chị về 100 hũ trứng cá hồi tươi, hũ bé chỉ 90gr giá thời điểm này là 400.000 đồng/hũ chỉ đủ để dành cho nhóm khách này. Có vị khách lấy lần 40 hũ.
Cánh ngỗng, một món nhậu được ưa thích |
Rồi các loại pate, lạp sườn, xúc xích, phô mai, giò, cánh ngỗng cho đến các loại socola, bánh kẹo Nga, bia rượu.. nhập từ Hàn Quốc bình thường giá đã cao, dịp Tết càng cao hơn.
Nhóm khách nhà giàu đặt rất nhiều, mỗi đơn ít nhất cũng hàng chục triệu, ngoài dùng họ còn mua tặng, biếu, gửi về quê. Thậm chí năm nay khách mua nhiều hơn do không đi du lịch hay về quê, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh hơn.
Chị Thúy cho biết: "Hôm kia, tôi về 50kg cánh ngỗng, lập tức mấy khách chia nhau ngay, không đủ để bán. Đến nhà tôi cũng không còn để dùng".
Chiều 29 Tết, chuyến hàng cuối cùng, chị Thúy giao cho chị khách quen là phó giám đốc một ngân hàng rồi mới lên đường về quê. Ngay từ đầu mùa, vị khách này đã đặt 50 triệu tiền thực phẩm, bánh kẹo, đến sát ngày, báo lấy thêm.
Theo chị Thúy, năm rồi kinh tế khó khăn, nhìn chung việc buôn bán đều bị chậm lại rất nhiều, khách giảm chi tiêu rất nhiều. Tuy nhiên, nhóm khách nhà giàu vẫn chi tiền mạnh tay mua sắm, phải nói là cứu cánh đối với dân kinh doanh.
"Nói thật, mình buôn bán mà nhìn nhiều khách mua hàng, còn thấy... run. Tiền mua vài ký kẹo của họ có thể bằng tiền sắm Tết của một gia đình bình thường. Với họ giá cả không là vấn đề, miễn hàng ngon và chất lượng. Nhiều người giàu khủng khiếp", chị xuýt xoa.
Nhiều mặt hàng đắt đỏ chị Thúy nhập về không kịp đáp ứng cho đơn hàng của khách VIP |
Ngày 29 Tết, chị Nguyễn Thị Sinh, bán thực phẩm, nhà ở Phan Thiết vẫn gửi hai đơn hàng lớn nhất trong năm lên cho khách ở TPHCM.
Chị gửi các loại hải sản, gà ta, thịt bò, thịt lợn, thịt vịt, giò chả, nếp, rau củ quê lên cho khách quen, mỗi đơn gần 30 triệu đồng. Do vướng dịch, nên khách đặt thêm nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu.
Với hai đơn hàng này, chị Sinh bỏ túi một khoản kha khá để sắm sửa Tết.
Chị Sinh cho hay, năm rồi khó khăn nhưng công việc bán thực phẩm quê của chị vẫn khá ổn định. Trong đó, phải nói nhờ công lớn của những khách hàng có điều kiện kinh tế, họ ngày càng quan tâm, đầu tư đến vấn đề thực phẩm, ăn uống.
(Theo Dân Trí)