Thuế tài sản trong đó có bất động sản được nhiều quốc gia trên thế giới xem là công cụ để tránh kiểu mua sang tay nhà đất liên tục gây nên tình trạng "sốt giá", kiềm chế sự gia tăng của giá bất động sản và tình trạng đầu cơ. Thậm chí, nhiều nước mạnh tay áp thuế với người mua nhà thứ hai. Tuy nhiên, có những quốc gia vẫn đang loay hoay với việc đánh thuế bất động sản.
Áp thuế nặng với người mua bán nhà liên tục
Tại Nhật Bản, thuế tài sản do cơ quan thuế địa phương đánh vào bất động sản. Bất động sản bị đánh thuế ở mức 1,7% trên giá trị được cơ quan thuế địa phương thẩm định. Sau khi khấu hao theo luật định thì thuế bất động sản được tính bằng 1,4% giá gốc.
Nếu bất động sản là nhà thứ hai hoặc nhà cho thuê thì thuế suất đối với căn nhà đó là 2% trên giá trị của bất động sản.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, thuế tài sản trong đó có áp dụng với bất động sản hàng năm từ 0,07% đến 5% được tính trên giá trị pháp lý của đất đai, toà nhà, nhà ở... Với các nhà máy được xây dựng mới hoặc mở rộng trong đô thị sẽ phải đóng mức thuế bất động sản gấp 5 lần trong 5 năm đầu tiên.
Tại Hàn Quốc, năm 2020, chính phủ nước này đã công bố nhiều quy định mới về tăng thuế với những người sở hữu nhiều nhà. Đây là một trong những động thái được xem nhằm mục đích kiềm chế tình trạng giá nhà nhảy vọt ở quốc gia này.
Theo đó, những người sở hữu 3 nhà trở lên và những người sở hữu 2 căn nhà nằm ở một số khu vực giá nhà cao bao gồm cả Seoul và các thành phố xung quanh phải chịu mức thuế bất động sản từ 1,2% đến 6%, trước đó là 0,6 đến 3,2%.
Mặt khác, để ngăn đầu cơ bất động sản, chính phủ Hàn Quốc tăng thuế bán nhà đất lên 70%. Ví dụ những chủ sở hữu nhà muốn bán một căn nhà trong 1 năm sau khi mua phải chịu 70% thuế bán nhà đất trong khi những người muốn bán nhà 2 năm sau khi mua để kiếm lợi nhuận phải chịu mức thuế 60%.
Tại Singapore, thuế tài sản áp dụng với bất động sản đã được đưa vào hệ thống thuế từ lâu. Theo đó, những bất động sản dưới 8000 đô la Singapore sẽ không phải đóng thuế, nhưng nhà đất trị giá từ 8000 đô la Sing đến 47.000 đô la Singapore sẽ chịu mức thuế suất tài sản là 4% tức khoảng 1.880 đô la Singapore/năm, sau đó tiếp đến các mức khác và cao nhất là 130.000 đô la Singapore đến hơn mức này chịu mức thuế tài sản 9380 đô la Singapore/năm.
Đó là con số hiệu lực năm 2015 cho đến hiện tại, còn từ năm 2023 sẽ có sự thay đổi, mức 8000 đô la Singapore trở xuống vẫn được miễn thuế, nhưng mức tiếp theo sẽ tính từ ngưỡng 22.000 đô la Singapore chịu 880 đô la Singapore tiền thuế, có nghĩa là chia nhỏ khoảng tính thuế trong ngưỡng 8000 - 47.000 đô la Singapore.
Trong khi đó, với căn nhà thứ hai, Singapore đánh thuế tài sản với công dân nước này ở mức 12% giá mua hoặc giá trị của bất động sản (tuỳ theo mức nào cao hơn). Nếu là thường trú nhân (cư trú lâu dài chưa có quốc tịch) thì phải chịu mức thuế suất 15% khi mua bất động sản thứ hai.
Người nước ngoài sống ở Singapore mua nhà thứ hai sẽ phải chịu mức thuế suất 20% trên giá trị. Tuy nhiên, có trường hợp như công dân Mỹ mua nhà ở Singapore sẽ được miễn mức thuế này do các hiệp định giữa 2 nước.
Tại Mỹ, thuế bất động sản có thể do chính quyền địa phương như thành phố, quận đưa ra, các tiểu bang có mức khác nhau nhưng nhìn chung các thông số cũng ở mức hơi đồng nhất trên toàn quốc.
Nguồn thu từ thuế tài sản trong đó có bất động sản là tài trợ cho các trường học công lập. Điều này cũng có nghĩa bang nào có mức thu thuế bất động sản cao hơn cũng thường chi tiêu cho giáo dục cao hơn mức trung bình toàn quốc.
Tại Mỹ, bang Hawaii là nơi có thuế bất động sản thấp nhất chỉ 0,3% giá trị căn nhà. Trên toàn quốc, thuế suất bất động là 1,1% giá trị nhà trung bình. Mức thuế suất thấp nhưng Hawaii lại là bang có giá nhà đắt đỏ trung bình hơn 600.000 USD. Mức thuế bất động sản cao nhất tại Mỹ là bang New Jersey ở mức 2,21%, trong khi giá nhà trung bình ở đây chỉ hơn 330.000 USD.
Còn ở Anh, thuế bất động sản tính riêng cho căn nhà thứ nhất và thứ hai trở đi. Với ngôi nhà thứ hai, ở Anh, gia chủ phải đóng mức thuế bất động sản 3% cho nhà có giá trị dưới 250.000 bảng, còn từ 250.000 bảng đến 925.000 bảng thì mức thuế là 8%, từ 1.500.001 bảng thì chịu thuế 15%.
Thái Lan là quốc gia áp thuế với căn nhà thứ hai từ năm 2019. Theo đó, căn nhà có trị giá lên đến 50 triệu bath thì sẽ bị đánh thuế 0,02%. Đối với những căn nhà được phân loại có mục đích sử dụng khác, chủ phải đóng 0,3% với nhà trị giá 50 triệu bath.
Trung Quốc chưa áp thuế bất động sản
Trung Quốc - một quốc gia có thị trường bất động sản sôi động, Đến nay vẫn chưa có động thái nào đưa ra về việc đánh thuế tài sản với người sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, hồi năm 2021, tờ CNBC của Mỹ cho hay, các nhà phân tích cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về thuế tài sản từ năm 2003, nhưng cho đến nay mới chỉ có Thượng Hải, Trùng Khánh thực hiện ở mức giới hạn.
CNBC dẫn lời Larry Hu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại đại học Macquarie cho hay, kinh nghiệm của hai thành phố này trong thập kỷ qua không tạo ra lý lẽ thuyết phục cho các chính quyền địa phương khác trong việc áp dụng thuế bất động sản. Tính riêng năm 2020, thuế bất động sản ở Thượng Hải và Trùng Khánh chiếm mức dưới 5% trong thu thuế địa phương và đóng góp ít hơn nhiều so với nguồn thu bán đất.
Theo Moody’s, hơn 20% nguồn thu của chính quyền địa phương và khu vực ở Trung Quốc đến từ việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản. Nhưng nếu thị trường bất động sản được khai thác thông qua các kênh thuế có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho chính quyền địa phương.
Quỳnh Hương (Theo Taxsummaries/USAtoday/Bangkokpost/Koreaherald)
Nhiều Bộ, địa phương cùng vào cuộc thực hiện việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS).