Thông tin được đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ tại chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

Ông Đức cho hay, sau rất nhiều tranh luận và lý lẽ bảo vệ của Bộ GD-ĐT, Quốc hội và Chính phủ thống nhất rằng: “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt”. 

“Trước đây giáo viên, giảng viên là viên chức và được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Bây giờ nhà giáo là viên chức đặc thù; do đặc thù nghề nghiệp rất đặc biệt khi sản phẩm của chúng ta là con người”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được xác định là người lao động đặc biệt. “Trước đây, Luật Lao động chỉ quy định nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng như những người lao động bình thường, được ký kết thỏa thuận làm việc bằng hợp đồng lao động và được điều chỉnh bằng Bộ luật Lao động. Và chính sự đặc biệt đó nên cũng cần cơ chế, chính sách đặc biệt”, ông Đức chia sẻ.

Chính sách đặc biệt được thể hiện ở việc lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính, sự nghiệp; có phụ cấp ưu đãi theo nghề,... 

z6493687770900_8373b602f045a8dd709a60693a5f0f64.jpg
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Đức cho hay, trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng định danh nhà giáo là ai. “Lúc đầu, khi chúng tôi đưa ra dự thảo Luật Nhà giáo thì nhiều ý kiến đặt ra rằng ‘nhà giáo’ liệu có bao gồm cả những người dạy học tự do, không ở trong một cơ sở giáo dục nào cả; rồi những người dạy nghề như làm tóc,... Nhưng ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo thống nhất luật này chỉ điều chỉnh đối với các thầy cô giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Còn với những đối tượng khác, sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và quy định ở Luật Giáo dục, chứ không được định danh ‘nhà giáo’ trong luật này”, ông Đức thông tin.

Liên quan đến nội dung tuyển dụng, chế độ làm việc của nhà giáo, ông Đức cho hay, dự thảo Luật Nhà giáo cũng có những điểm mới. “Trong thiết kế Luật Nhà giáo, việc tuyển dụng giáo viên được giao cho hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục tuyển dụng. Trong trường hợp nhà trường không tổ chức được thì cơ quan quản lý giáo dục sẽ làm thay việc đó”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, dự thảo Luật Nhà giáo cũng có quy định rõ về chế độ nghỉ hè đối với giáo viên, cán bộ quản lý; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác bồi dưỡng bắt buộc (kể cả giáo viên công lập lẫn ngoài công lập).

Ngoài ra, nhà giáo cũng có cơ chế bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp. “Điều 11 trong dự thảo Luật Nhà giáo có quy định về những việc mà tổ chức, cá nhân khác không được làm đối với nhà giáo để bảo vệ danh dự, nhân phẩm cũng như hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Trong đó, có quy định, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của nhà giáo, khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền thì không được phát tán, lan truyền thông tin không chính xác về nhà giáo. Đây cũng là một điểm mới.

Điều này được đưa vào bởi khi nhà giáo có liên quan đến một thông tin dù chưa kết luận sai phạm/sai lệch hay không, nhưng trên mạng xã hội đã đồng loạt 'ném đá hội đồng'. Hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo và công việc của các thầy cô", ông Đức nói.