Maria Montessori (1870-1952) là một nhà giáo dục người Ý nổi tiếng thế giới với triết lý giáo dục mang tên bà.
Người phụ nữ với những ngoại lệ
Montessori sinh ra trong một gia đình tri thức. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã có đặc quyền tham gia vào các lớp học kỹ thuật chỉ dành riêng cho nam sinh với hy vọng trở thành một kỹ sư. Sau đó, Montessori thay đổi định hướng. Năm 1890, với sự tán thành trực tiếp của Giáo hoàng Leo XIII, bà vào Đại học Rome học y khoa.
Thật không dễ dàng khi Montessori là nữ sinh duy nhất của lớp. Bà đối mặt với sự phân biệt giới tính và quấy nhiễu từ bạn bè, thậm chí từ cả các giáo sư.
Khoa yêu cầu bà thực hành giải phẫu tử thi một mình sau giờ học vì cho rằng sự hiện diện của phụ nữ trong tiết học đó là "không đứng đắn". Tuy vậy, bà rất kiên trì, tốt nghiệp loại xuất sắc (1896) và trở thành nữ bác sĩ đầu tiên ở Ý.
Trong suốt thời gian hành nghề, bà thường thăm khám cho các trẻ em chậm phát triển và khuyết tật về mặt trí tuệ. Mối lương duyên từ một bác sĩ đến một nhà giáo của bà cũng khởi nguồn từ đó.
Bà mong muốn có thể mang đến những giá trị giáo dục tích cực cho trẻ em bị thiệt thòi, giúp các em khắc phục những vấn đề tâm lý.
"Ẩn chứa trong hình hài của trẻ nhỏ là vận mệnh của tương lai nhân loại". -Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori- |
Phương pháp giáo dục mang tên Maria Montessori
Năm 1900, Maria Montessori trở thành hiệu trưởng của trường Orthophrenic dành cho trẻ em khuyết tật. Chính tại đây, bà bắt đầu nghiên cứu về giáo dục và phát triển thời thơ ấu của trẻ.
Bà nghiên cứu nhiều công trình của thế hệ đi trước, sau đó bắt đầu quan sát và áp dụng một vài lý thuyết giáo dục đối với một số trẻ em thiểu năng trí tuệ.
Thông qua phương pháp tiếp cận khoa học và quan sát thực tiễn, bà nhận thấy những đứa trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ phát triển rất tốt. Bà dạy đọc, viết và các em có thể đậu các bài kiểm tra.
Điều này khiến Montessori tự hỏi, nếu những đứa trẻ này học tốt như vậy tại sao những đứa trẻ bình thường khác lại không học tốt ở trường?
Điều này thôi thúc bà phát triển phương pháp giảng dạy cho những đứa trẻ 'bình thường' mà bà tin rằng không có lý do gì để thất bại trong học tập.
Một số điểm nổi bật trong phương pháp giáo dục Maria Montessori: 1. Tôn trọng trẻ: Trẻ em được coi là những cá nhân độc nhất có khả năng, sở thích và tốc độ phát triển riêng. 2. Xây dựng môi trường: Môi trường học tập được chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ sự phát triển của trẻ. 3. Giáo dục giác quan: Phương pháp Montessori nhấn mạnh vào sự phát triển của các giác quan, với nhiều tài liệu được thiết kế để giúp trẻ học hỏi thông qua tìm tòi và khám phá. 4. Kỹ năng sống thiết thực: Giáo dục Montessori tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống thiết thực, chẳng hạn như chăm sóc bản thân và quan sát môi trường xung quanh. 5. Tự do trong giới hạn: Trẻ em được tự do khám phá và học hỏi, nhưng trong phạm vi và nguyên tắc rõ ràng. 6. Học tập hợp tác: Giáo dục Montessori nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tương tác và cộng tác xã hội, trong đó trẻ em làm việc cùng nhau trong các hoạt động. 7. Tính cá nhân: Phương pháp Montessori coi trọng và tôn vinh những khả năng và thế mạnh độc đáo của mỗi đứa trẻ. 8. Tính liên tục của giáo dục: Giáo dục Montessori được thiết kế để trở thành một quá trình liên tục dựa trên những gì trẻ đã học được và phát triển khả năng của chúng theo thời gian. |
Phương pháp Montessori thịnh hành vào đầu thế kỷ 20 và có sức ảnh hưởng đến tận ngày nay, đặc biệt ở những trường mầm non và trung tâm giáo dục đặc biệt.
“Tôi cầu xin những đứa trẻ toàn năng thân yêu hãy cùng tôi xây dựng hòa bình cho con người và thế giới.” -Lời nhắn nhủ được khắc trên bia mộ của Montessori- |
Công chúng tiếc nuối khi Montessori không được ghi nhận bởi Viện Hàn lâm Thụy Điển (dù được đề cử giải Nobel Hòa bình tận 3 lần). Tuy vậy, di sản mà Montessori để lại trong việc thay đổi cách con người suy nghĩ và tiếp cận với giáo dục mầm non thì trường tồn mãi.
Bảo Huy