Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 10 tháng qua, đầu tư vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI) theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng ngày càng tăng mạnh.
Tính đến 20/10/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm ngoài và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Liên quan đến tình hình ĐTNN luỹ kế tới tháng 20/10, Cục Đầu tư nước ngoài nhận thấy vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 208 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với 58,5 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư).
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2019, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu trong tổng số 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 6,45 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông). Nhà đầu tư Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,52 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,21 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư.
Tiếp đến là các nhà đầu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kong có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể: đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hong Kong tăng 3,94 lần so với cùng kỳ 2018.
(Theo Pháp luật TP.HCM)