-Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), 9 tháng đầu năm 2016, tiếp tục có sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp mua để cho thuê, nhưng phần lớn mua để bán lại kiếm lời.

Chênh lệch cung cầu: Bất động sản cao cấp “phi mã”

HoREA vừa đưa ra báo cáo về tình hình thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2016 và dự báo thị trường năm 2017. Nhận định về thị trường bất động sản 9 tháng vừa qua, HoREA cho biết, thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng (sau khi phục hồi kể từ cuối năm 2013), nhưng đã có dấu hiệu chững lại, và tiềm ẩn những nhân tố bất ổn.

{keywords}

Thị trường có sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp mua để cho thuê, nhưng phần lớn mua để bán lại kiếm lời (Ảnh minh họa).

Thị trường có sự phát triển lệch pha cung - cầu trong đó, phân khúc thị trường bất động sản cao cấp đang có sự tăng trưởng rất lớn. Rất nhiều các dự án bất động sản cao cấp - hạng sang, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đã có dấu hiệu cung vượt cầu. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, ngoài khu trung tâm thành phố và khu đô thị Nam Sài Gòn, đang hình thành thêm một khu vực mới, tập trung phát triển các dự án bất động sản cao cấp ở khu phía Đông thành phố và một số dự án cao cấp tại các quận 6, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận.

Còn tại phân khúc bất động sản nhà ở thương mại vừa túi tiền, theo HoREA thị trường còn rất thiếu các dự án căn hộ 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2, tổng giá bán căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng; rất thiếu dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ từ 1,5 - 3 triệu đồng/ và rất thiếu dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

9 tháng đầu năm 2016 thị trường bất động sản cũng đánh dấu sự quay trở lại “ồ ạt” của nhà đầu tư thứ cấp. Sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp mua để cho thuê, nhưng phần lớn mua để bán lại kiếm lời, nhất là trong phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, và phân khúc trung bình khá, chiếm khoảng trên dưới 50% tùy theo dự án.

Ngay cả đối với đối tượng là người nước ngoài đã mua nhà tại thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát của CBRE, thì chủ yếu nhằm để đầu tư, kinh doanh (38% mua để cho thuê; 21% mua để bán lại; chỉ có 29% mua để ở).

So sánh với thời điểm bong bóng bất động sản 2007, theo Hiệp hội tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đã chiếm đến khoảng 70%, thì tỷ lệ hiện nay (trên dưới 50%) cũng rất đáng quan ngại. Trong khi đó riêng ở phân khúc nhà ở bình dân, căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán hợp túi tiền thì ít hấp dẫn nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ chiếm khoảng trên dưới 5%), vì tỷ suất sinh lợi thấp. Tuy chưa có dấu hiệu xuất hiện các nhà đầu cơ chuyên nghiệp, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản thứ cấp.

Khó xảy ra “bong bóng”

Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng: Các tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhỉnh hơn so với quý 3, do từ nay đến Tết Đinh Dậu là giai đoạn cao điểm trong năm. Nhưng về tổng thể thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại so với năm 2015.

Ông Châu cũng đưa ra dự báo, thị trường bất động sản năm 2017 cũng sẽ tiếp tục xu thế chững lại. Tuy nhiên, khó xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Theo đó, dù có sự phát triển lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp, nhưng chỉ một yếu tố này thì chưa đủ điều kiện dẫn đến "bong bóng" bất động sản. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra cảnh báo về sự phát triển lệch pha của phân khúc thị trường bất động sản cao cấp.

Hiệp hội cũng đưa ra nhiều vấn đề trong việc hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp đô thị, đối tượng chính sách để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Theo đó, Luật Nhà ở 2014 đã xác lập chính sách nhà ở xã hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được trên thực tế. Do các Bộ vẫn chưa trình Chính phủ để bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, và BIDV, nên chưa có nguồn vốn để triển khai chương trình nhà ở xã hội.

Ngày 06/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng trên thực tế thì vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay, người vay mua nhà ở xã hội của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn phải chịu mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho năm 2016 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều rất bất hợp lý cần được sửa đổi sớm – HoREA đưa ý kiến.

Hiệp hội cũng đề xuất nhiều giải pháp để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững. Trong đó, nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý nhất quán cũng như thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Hồng Khanh