Lượng Bitcoin mà Steven đã đánh mất lớn hơn con số mà nhiều người có thể tưởng tượng. Người đàn ông sống tại Scotland biết đến tiền mã hóa từ sớm, nhưng chứng nghiện giao dịch kết hợp cùng nghiện rượu suýt nữa khiến ông đánh mất tất cả.
Cơn nghiện đầu tư khiến cho Steven mất khoảng 10 Bitcoin (BTC) , tương đương 410.000 USD. Đó là cả gia tài đối với ông.
“Giao dịch giống như đánh bạc vậy”, Steven chia sẻ với Guardian.
Trạng thái cảm xúc của nhà đầu tư theo diễn biến thị trường. Ảnh: Money Crasher. |
Nằm tại khoa hồi sức của bệnh viện Castle Craig, Scotland, Steven cho rằng giới trẻ hiện tại đang đi con đường mà ông từng mắc phải, đó là muốn làm giàu nhanh qua việc đầu tư tiền mã hóa và bị ngộ nhận. “Nhiều người tin rằng chỉ với chiếc điện thoại, họ có thể chiến thắng thị trường”, Steven chia sẻ.
Các nguyên tắc sụp đổ khi đối mặt với thị trường
Theo Guardian, Steve vốn có thu nhập cao khi trải qua nhiều công việc khác nhau, từ xây dựng đến đào hầm. Nhờ vào khoản thu nhập này, Steven có điều kiện tham gia đầu tư tiền mã hóa.
Khi Steven bắt đầu với Bitcoin vào năm 2015, không mấy người biết về tiền mã hóa. Hiện tại, ai cũng cho rằng tiền mã hóa là phiên bản tốt hơn của nền tài chính truyền thống.
Sau vài lần thử giao dịch Bitcoin thành công, Steven ngộ nhận rằng mình có năng khiếu trong việc đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư này đã cược hết tài sản vào thị trường. Ông không phân chia rõ ràng giữa khoản tiền tiết kiệm và đoạn dư ra dành cho đầu tư.
“Tôi cố gắng đọc mọi thứ. Tôi luôn muốn trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp và tuân thủ theo những nguyên tắc đã đề ra. Tuy nhiên khi đối mặt với thị trường, tất cả quy tắc đều biến mất”, Steven nói thêm.
Một biển quảng cáo kêu gọi đầu tư BTC của Luno Money tại London, Anh. Ảnh: BBC. |
"Tôi tất tay giống như một tay chơi poker nghĩ rằng mình đang có một ván bài hoàn hảo. Sức hút của đồng tiền khiến tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm trở thành tỷ phú Bitcoin", Steven mô tả kỹ hơn về tâm lý bản thân.
Quảng cáo về tiền mã hóa tại thủ đô London, Anh đã tăng chóng mặt với hơn 40.000 bảng hiệu ở khắp nơi. Các cầu thủ bóng đá, ngôi sao giải trí cũng tham gia vào cơn sốt truyền thông, chia sẻ thông tin về tiền mã hóa mà họ đang quảng cáo.
Chính phủ liên tục cảnh báo tham gia giao dịch tiền số có thể khiến nhà đầu tư thua lỗ. Nhìn chung tiền mã hóa vẫn chưa được cấp phép tại nhiều nơi. Trong khi một vài nền tảng hỗ trợ giao dịch tài sản số được phép hoạt động vì mô hình của chúng giống với thị trường truyền thống, tiền mã hóa thì không.
Các công ty và quỹ đầu tư tiền mã hóa không đảm bảo họ có đủ lượng tiền để trả lại cho những cổ đông đã tin tưởng góp vốn. Nhiều bảng quảng cáo gắn ở những khu vực công cộng có lời lẽ kêu gọi đầu tư tiền mã hóa một cách mù quáng.
Dù số lượng bảng quảng cáo tràn lan, chính phủ Anh chỉ mới điều tra và ra lệnh cấm dự án Luno Money. Tổ chức này đã kêu gọi đầu tư Bitcoin mà không có cảnh báo thua lỗ.
Những yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư
Theo Guardian, nhiều chuyên gia tin rằng các câu chuyện cảnh tỉnh như tình huống của Steven không đủ khiến cơn sốt làm giàu nhanh bằng tiền mã hóa nguội đi. Niềm tin vào việc làm giàu nhanh còn được kích động bởi các ứng dụng đầu tư.
Khi sử dụng eToro để thử nghiệm, ứng dụng đầu tư này đã khuyến khích người dùng chia sẻ về lợi nhuận của mình trong ngày với bạn bè. “Tài sản của bạn đã tăng 1,87%. Hãy chia sẻ ngày tốt lành với bạn bè”, thông báo của ứng dụng nhảy lên.
Nhiều người nổi tiếng như Kim Kardashian nhận tiền để quảng cáo cho những loại "coin rác", càng khiến thị trường tệ hơn. |
Tuy nhiên, không có bất kỳ thông báo nào khi tài khoản sụt giảm. “Đây là một chiêu trò trong quảng cáo. Họ khuyến khích bạn chia sẻ giây phút chiến thắng nhưng bỏ quên khoảnh khắc thua lỗ. Sự việc bị hiểu sai khi ai cũng chia sẻ về lợi nhuận”, tiến sĩ Anna Lembke, giáo sư ngành tâm thần học tại đại học Stanford nhận định.
Tiến sĩ Lembke cho rằng mạng xã hội giúp cho hoạt động giao dịch tiền mã hóa được nhiều người biết đến. Mọi người thích thú với khoản đầu tư tiền số nhưng ít ai quan tâm đến việc họ có thể thua lỗ trong thời gian tới.
“Khi mạng xã hội kết hợp với các sản phẩm tài chính, một cơn sóng truyền thông sẽ ập đến”, tiến sĩ Lembke nhận định. Sự kết hợp này khiến cho mọi người rơi vào trạng thái sợ bị bỏ lỡ cơ hội (FOMO). Ai cũng lo mình sẽ lỡ chuyến tàu tiền số.
“Tâm lý đám đông khiến bất cứ ai khi tham gia vào thị trường đều khó lòng dứt ra được. Khi chiến thắng, não bộ sinh ra dopamine khiến nhà đầu tư hưng phấn. Thất bại làm hụt mất cảm giác đó khiến chúng ta muốn mau chóng làm lại để rồi có thể tiếp tục ngã”, tiến sĩ Lembke bình luận.
Dopamine là một hợp chất khi được sản sinh sẽ giúp cơ thể có cảm giác thích thú, hưng phấn. Nếu nồng độ dopamine thấp sẽ làm giảm động lực, giảm khả năng tập trung và cơ thể bị chậm lại.
Nhà đầu tư dễ mất tiền khi rơi vào trạng thái sợ bị bỏ lỡ. Ảnh: BBC. |
Cảm giác FOMO và trạng thái hưng phấn khi chiến thắng là nguyên do dẫn đến vòng lặp thua lỗ của các nhà đầu tư. Dù trông giống với đánh bạc, đầu tư được xem là hành động chỉ có những người thông minh mới dám thực hiện.
GamCare, tổ chức quản lý Trung tâm Tư vấn về Cờ bạc tại Anh cho biết họ nhận hơn 20 cuộc gọi mỗi ngày nhờ hỗ trợ về tiền mã hóa. Hầu hết người gọi đều cho biết họ đã dành 16 giờ hàng ngày để tham gia giao dịch tiền số và đã đánh mất toàn bộ gia sản.
Bệnh viện Castle Craig cho biết hiện tại họ đang có hơn 100 ca giống như Steven đang được điều trị. “Đại dịch khiến chúng ta tham gia đầu tư nhiều hơn do dư dả thời gian”, Tony Marini, chuyên gia tâm lý trị liệu tại Castle Craig chia sẻ.
(Theo Zing)
Chơi coin và cái kết... mất Tết!
"Học phí" từ những bài học đầu tư tiền ảo khiến nhiều người phải lao đao.