- Bất động sản phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khó. Lỗ mới và lỗ cũ, danh sách lỗ càng ngày càng kéo dài là điều dễ hiểu khi hàng tồn kho chất ngất, đi kèm là đống nợ khổng lồ.

Đua nhau báo lỗ

Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản quý I/2015 cho thấy, khoảng hơn 50% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí một số còn thua lỗ.

Chẳng hạn, tình hình kinh doanh của CTCP ĐT Hạ tầng & Đô thị Dầu khí (PTL) không có gì sáng sủa khi doanh thu chưa bằng một nửa so cùng kỳ năm trước, lỗ hơn 15 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý I lên 160 tỷ đồng. Năm 2014, với kết quả kinh doanh bết bát, một lần nữa PTL không có gì để chia cổ tức. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp PTL dự kiến không chia cổ tức cho cổ đông.

Hay, mặc dù doanh thu thuần tăng gấp 3 so với cùng kỳ nhưng gánh nặng chi phí khiến CTCP kinh doanh và phát triển Bình Dương báo lỗ ròng 14,5 tỷ đồng, giảm lỗ gần 7 tỷ đồng so với cùng kỳ. 

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp lỗ và nợ thuế bị bêu tên

CTCP Coma18 lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý II/2015 âm hơn 800 triệu đồng. So với cùng kì năm ngoái, mức lỗ này của CIG đã giảm xuống hơn 19 lần (năm 2014, công ty lỗ hơn 16 tỷ đồng).

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn có kết quả kinh doanh tương tự, như CTCP Địa ốc Đà Lạt báo lỗ hơn 400 triệu - nhưng cũng đã được cải thiện đáng kể so với quý I năm ngoái (lỗ 1,63 tỷ đồng). Địa ốc Khang An chỉ còn lỗ hơn 900 triệu đồng, thay vì hơn 1,8 tỷ trong quý I/2014.

Ngay cả đại gia trong giới BĐS, như Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm. Doanh nghiệp của Cường đô la chỉ lãi hơn 600 triệu đồng, giảm 64% so cùng kỳ. Hiện QCG có vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng, tổng nợ gần 3.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy lãi hợp nhất quý I hơn 615 triệu đồng, giảm 97% so cùng kỳ. Công ty Nhà Từ Liêm có dư hàng tồn kho của tiếp tục ở mức cao, đạt 1.020,3 tỷ đồng, tương đương 83% tổng tài sản tại cùng thời điểm.

Ngập trong nợ nần

Kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã bị đưa vào diện cảnh báo, bị kiểm soát, và nay lại nằm trong danh sách bị nợ thuế. Theo Bộ Tài chính, đây đều là những doanh nghiệp có số nợ thuế lớn và nợ quá 121 ngày, cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.

{keywords}
BĐS vẫn còn nhiều khó khăn

CTCP Coma 18 đang nợ số tiền thuế là 36,49 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, một phần thua lỗ do các dự án BĐS chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu. Đơn cử như dự án Westa Hà Đông của đơn vị này vẫn tồn kho khá nhiều, chủ đầu tư đã chia nhỏ căn hộ nhưng tình hình không mấy khả quan.

CTCP Sông Đà - Thăng Long (STL) là đơn vị đứng đầu danh sách các đơn vị nợ đọng tiền thuế tính đến 30/6/2015, lên đến hơn 375 tỷ đồng. Theo kết quả kinh doanh năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của STL là âm 968 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ tư liên tiếp Công ty kinh doanh thua lỗ. Tính đến 31/12/2014, lỗ lũy kế hợp nhất của STL lên tới 1.484 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.306 tỷ đồng. Nợ phải trả lên đến gần 6.500 tỷ đồng.

Trần tình về khoản nợ như chúa chổm, đại diện STL cho hay, từ năm 2011 đến cuối năm 2014, thị trường gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không có nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư, không thực hiện được phương án bán hàng và không có dòng tiền để hoạt động,... Các dự án đầu tư thì dở dang và gặp rất nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép nợ vay và sức ép rất lớn từ các khách hàng.

Đặc biệt trong năm 2012 và các năm tiếp theo, khi thị trường lao dốc, doanh nghiệp kiệt quệ, Cục Thuế TP. Hà Nội yêu cầu STL nộp ngay tiền thuế theo kết luận thanh tra là điều không thể thực hiện được.

Không kém cạnh, "dòng họ” Viglacera cũng có góp mặt 3 doanh nghiệp gồm: CTCP Viglacera Hà Nội (88 tỷ đồng); CTCP Cơ khí & Xây dựng viglacera (50,2 tỷ đồng); và Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera - chi nhánh Tổng công ty Viglacera (39,9 tỷ đồng).

Một đại gia khác là CTCP Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân và đơn vị liên kết là CTCP Thương mại dịch vụ Hoàng Quân Mê Kông còn nợ tổng cộng 30,816 tỷ đồng tiền thuế. 

Theo chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, việc hàng loạt các doanh nghiệp BĐS dính vào nợ thuế do thị trường đồng thời cũng thể hiện năng lực doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính vẫn tham gia đầu tư BĐS. 

Cùng với sự quyết liệt của cơ quan thuế, chắc chắn danh sách doanh nghiệp bị bêu tên còn dài  hơn. Các doanh nghiệp thua lỗ, nợ thuế để tồn tại chỉ còn cách mua bán, sáp nhập. Thị trường sẽ có cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ.

D.Anh