- Bố mẹ tôi mỗi người đứng tên một ngôi nhà, mua trước khi kết hôn, thỏa thuận sau này sẽ chia đều nhà cho các con. Nay mẹ tôi mất, có để lại ngôi nhà cho chị em tôi, nhưng con riêng của bố tôi lại đến đòi được chia ngôi nhà đó. Xin hỏi luật sư cậu ta là con ngoài giá thú của bố tôi, nhà là của mẹ tôi mua trước khi lấy bố thì cậu ta có được chia không?
TIN BÀI KHÁC
Nhà của mẹ tôi thì con riêng của bố có được hưởng thừa kế? (Ảnh minh họa) |
Theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì "vợ/chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nhập/không nhập vào tài sản chung."
Ở đây, ngôi nhà vẫn là tài sản riêng của mẹ bạn nên mẹ bạn có quyền định đoạt. Nếu mẹ bạn mất mà có di chúc để lại thì phải thực hiện theo di chúc ấy, nếu mẹ bạn mất mà không để lại di chúc thì tài sản riêng này của mẹ bạn trở thành di sản được chia theo pháp luật.
Theo quy định tại điểm (a) khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 về người thừa kế theo pháp luật thì:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;..."
Theo đó, chị em bạn và bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, theo nguyên tắc phân chia di sản thì những người trong hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản sẽ được chia đầu tiên nên chị em bạn và bố bạn là người được chia ngôi nhà đó, còn người con riêng của bố bạn không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất nên không được chia di sản là căn nhà đó của mẹ bạn.
Trường hợp khi bố bạn muốn để lại di chúc chia phần thừa kế của bố bạn cho các con, trong đó có con ngoài giá thú thì con riêng của bố bạn sẽ được hưởng thừa kế phần của bố ngang hàng với các bạn.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc