- Tết càng đến gần, nghe mọi người bàn tán chuyện thưởng Tết, tiêu Tết rôm rả mà tôi thì ngược lại, lòng tôi nóng như lửa đốt...
Vợ chồng tôi mới kết hôn. Năm nay là năm đầu vợ tôi làm dâu nên bố mẹ tôi rất háo hức có con dâu về ăn Tết với gia đình, họ hàng.
Tôi là trai làng chính gốc, bố mẹ đều làm ruộng. Trong khi đó, vợ tôi sinh ra ở thành phố, gia đình làm kinh doanh, thuộc hàng có điều kiện ở Hà Nội.
Tôi yêu cô ấy cũng một phần vì đức tính giản dị, chịu khó, biết vun vén dù gia đình có điều kiện nhưng không chưng diện tối ngày.
Ảnh: Woman's Day |
Nhân cuối tuần chúng tôi về thăm gia đình, bố tôi nhắc hai vợ chồng năm nay về ăn Tết phải chuẩn bị thêm quà cho các bác, các chú thật tươm tất.
Tết này, cộng lương thưởng và các khoản phụ trợ khác của cơ quan, tôi được khoảng 15 triệu. Vợ tôi làm ngân hàng nên lương thưởng cũng tương tự. Nghĩa là cuối năm, hai vợ chồng ít nhất cũng được 30 triệu.
Với số tiền đó, tôi nghĩ chúng tôi sẽ thoải mái chi tiêu Tết. Theo đó, tiền sắm đồ biếu họ hàng, hai bên gia đình là 6 triệu. Khoản mừng tuổi, người lớn 100 nghìn, trẻ con 50 nghìn chúng tôi sẽ mất khoảng 5 triệu. Tôi sẽ chi 2 triệu cho các cụ mua sắm. Số tiền còn lại chúng tôi đủ rủng rỉnh mua sắm cho hai vợ chồng.
Tôi đem chuyện đó bàn với vợ, thế mà vợ tôi giãy nảy lên, mắng tôi hoang phí. Cô ấy nói tôi sinh ra ở nông thôn mà không biết tiết kiệm, lo lắng cho tương lai.
Cô ấy cho rằng Tết nhất cốt ở tình cảm và tấm lòng, quà cáp là chỉ mang tính chất tượng trưng nên không cần phải phung phí đến 6 triệu.
Theo vợ tôi, tiền mừng tuổi chỉ là lấy may nên chúng tôi cứ làm phong bì 10 nghìn. Cô ấy cũng khẳng định, không phải ai cũng mừng tuổi, chỉ mừng những người thân gần gũi ruột thịt còn họ hàng xa quá thì cắt hết. Vợ tôi cũng bảo, khoản biếu tiền mặt thêm bố mẹ là không cần thiết vì đã tặng quà…
Nghe vợ nói mà tôi ngỡ ngàng. Thực tình tôi không muốn mới lấy nhau lại đi tranh cãi mấy chuyện kinh tế. Tôi dự tính cứ im lặng, rồi sau đó tự lấy tiền của mình bù vào.
Ai ngờ, vừa lên thành phố được 2 tuần, bố tôi giọng cáu kỉnh gọi điện cho tôi về gấp. Tôi gặng hỏi có chuyện gì, ông nhất quyết không nói, bảo tôi về ngay.
Sốt ruột, tôi phi xe về quê, vừa đến cửa thấy mặt ông đỏ phừng phừng cầm tờ giấy lĩnh tiền ngân hàng và xấp tiền ném thẳng vào mặt tôi. Ông chửi tôi là loại con mất gốc.
Tôi im lặng chịu trận, đợi bố nguôi giận mới hỏi rõ nguồn cơn. Nghe bố kể mà tôi tá hỏa với cách hành xử của cô vợ mới cưới. Hóa ra, sau hôm bàn bạc về chuyện chuẩn bị Tết, cô ấy không đồng ý với cách tính toán của tôi nên tự ý lên kế hoạch.
Cô ấy gửi 3 triệu tiền mặt vào tài khoản của bố tôi, không quên kèm theo một bức thư chuyển phát nhanh liệt kê các khoản chi Tết, nhờ bố tôi lo giúp.
Vốn tính cẩn thận, cô ấy ghi rõ: Biếu bố mẹ: 1 triệu, mua quà cáp cho họ hàng 1 triệu, 1 triệu làm mâm cơm giao thừa và hoa quả thắp hương ban thờ. Kèm theo đó, cô ấy ghi rõ: “Tết năm nay xin phép cho hai vợ chồng con ăn Tết bên ngoại vì đi lại xa xôi, tốn kém. Con gửi tiền, nhờ bố mẹ sửa soạn giúp hai vợ chồng”.
Từ hôm đó, ông tuyên bố cấm hai vợ chồng về quê, bao giờ bên thông gia dẫn con gái sang xin lỗi ông mới chấp nhận. Tôi biết nhà vợ là kinh doanh, rất chặt chẽ về kinh tế, nhưng chặt chẽ đến nỗi cư xử như vợ tôi thế này đúng là mang tiếng với bố mẹ làng xóm ở quê.
Mấy tuần nữa là Tết mà lòng tôi nóng như lửa đốt...
Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền) được xem là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Việc chi tiêu sắm Tết, mua quà biếu gia đình, họ hàng, vấn đề mừng tuổi, nhậu Tết... khiến không ít người lo lắng, băn khoăn. Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: [email protected]. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Khải Minh